Những luận điệu quy chụp xung quanh vụ án Đường “Nhuệ”
Những ngày gần đây, trên khắp các mặt báo liên tục đưa ra các thông tin nóng hổi liên quan đến Đường “Nhuệ”. Nếu như các cây viết của những “báo chính thống” đi sâu, đi sát, phân tích mọi hành vi, ngõ ngách liên quan đến Đường “Nhuệ”, thậm chí phỏng vấn người thân (bố) của Đường “Nhuệ” để xây dựng các tin bài thì những “nhà báo dân chủ” của RFA, RFI, BBC, Việt Tân lại liên tục vẽ ra các thứ thông tin huyễn hoặc, mang tính xuyên tạc bản chất vụ việc và từ đó bôi bỏ, đổ lỗi cho chế độ cộng sản, cho Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Hàng loạt bài viết có nội dung tiêu cực, lệch lạc liên quan đến vụ án Đường “Nhuệ” tại Thái Bình được đăng tải trên các trang mạng xã hội và các trang báo có nội dung Tiếng Việt do các cá nhân, tổ chức thù địch, chống đối điều hành. Những bài viết sặc mùi xuyên tạc được đưa ra như: “Mối quan hệ cộng sinh giữa băng đảng cộng sản đỏ và xã hội đen”, “Vạch trần bản chất đen đỏ của chế độ cộng sản qua vụ Đường “Nhuệ” Thái Bình”, “Thái Bình không còn thái bình” v.v… Trong các bài viết trên, các đối tượng cố tình đánh tráo thông tin, xuyên tạc bản chất vụ việc, tạo ra những dòng tin sai lệch, khiến dư luận hoang mang.
Những luận điệu quy chụp!
Liên quan đến vụ án Đường “Nhuệ”, các “nhà báo dân chủ” với cái nhìn phiến diện, lệch lạc và lăng kính thù hận chế độ cộng sản, thù hằn với Đảng, Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhiều dòng thông tin tuyên truyền sai lệch.
Thời gian đầu, các đối tượng tô vẽ việc “đánh” Đường “Nhuệ” là hành động đấu đá, tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm tại Thái Bình trước thềm Đại hội XIII. Theo như lập luận được đưa ra, vì Đường “Nhuệ” là sân sau, có mối quan hệ chặt chẽ với một vài quan chức vì vậy nên khi chuẩn bị Đại hội, các quan chức tiến hành cấu xé, giành giật quyền lực. Thậm chí, các đối tượng này còn biến Đường “Nhuệ” trở thành nạn nhân của việc tranh đấu giữa các ông quan.
Đến thời gian gần đây, khi báo chí chính thống tiến hành điều tra, đưa ra những nghi vấn về sân sau và đặt ra câu chuyện phải xử lý nghiêm khắc các đối tượng có dấu hiệu “bảo kê”, “chống lưng” cho Đường “Nhuệ”, những “nhà báo dân chủ” tại đổi gió, tập trung đả phá theo hướng đổ lỗi cho chế độ, vu khống xã hội ta là xã hội tiêu cực, là nguồn gốc phát sinh của tội phạm. Những luận điệu xuyên tạc trắng trợn được các đối tượng rêu rao như: “Việt Nam là một chế độ chuyên chế, một nhà nước công an trị … các băng nhóm xã hội đen có thể tồn tại và lộng hành thì đều phải có sự bảo kê của các bang nhóm xã hội đỏ”, “Trong chế độ cộng sản ở Việt Nam thì các băng đảng XH đỏ và XH đen có mối quan hệ cộng sinh với nhau”, “với thể chế này, kiểu cách quản lý xã hội như thế này, thì không chỉ ở Sài Gòn, Thái Bình mà bất cứ nơi nào trên xứ ta cũng có Năm Cam, Đường Nhuệ, chỉ có điều nó đã xuất lộ ra chưa mà thôi” v v…
Nói tóm lại, cái đích các đối tượng hướng đến là xuyên tạc, vu khống chế độ cộng sản mà Việt Nam lựa chọn đầy rẫy những tiêu cực, là nguyên nhân, mầm mống của tội phạm. Và dĩ nhiên, các đối tượng cũng không quên gieo rắc sự sợ hãi về đất nước, chế độ cộng sản, Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, các đối tượng ca ngợi xã hội tư bản, xây dựng xã hội tư bản trở thành một xã hội lành mạnh, tích cực và thịnh vượng, trên cơ sở đó tạo ra sự hoài nghi trong xã hội, dần dần gây ra các vết rạn nứt trong khối đoàn kết dân tộc, nảy sinh tư tưởng chống đối.
Nói: phải có sách; mách: phải có chứng!
Những dòng lập luận, đánh giá được các đối tượng đưa ra dĩ nhiên đều chỉ là sự đánh giá chủ quan, phiến diện và mang tính cá nhân. Với phương thức tận dụng tối đa các vụ việc, vụ án trong xã hội, các đối tượng tiến hành chắp nối, từ đó thổi phồng các sai phạm. Qua những lời lẽ lập luận của các đối tượng, những vụ việc đơn lẻ, mang tính cá thể đã trở thành căn cứ để đánh giá bản chất của một chế độ, một Nhà nước, một xã hội. Trong khi liên tục rêu rao vu khống bản chất chế độ ta, các đối tượng lại chẳng thể đưa ra một chứng cứ cụ thể, hay nói cách khác, mọi thông tin các đối tượng đưa ra chỉ mang tính quy chụp.
Nói thẳng, nếu Đảng, Nhà nước Việt Nam đầy tiêu cực, luôn bưng bít sai phạm thì chẳng có chuyện những vụ đại án tham nhũng, những vụ giang hồ cộm cán như Năm Cam, những góc khuất trong quản lý nhà nước liệu có được phơi bày để các đối tượng chọc ngoáy?
Trong bất kỳ nhà nước nào, xã hội nào cũng có những mặt tiêu cực. Vấn đề cốt lõi là nhà nước nào có đủ dũng cảm đối mặt vạch trần những “góc khuất”, nhà nước nào bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích của nhân dân.
Bản thân tôi không phủ nhận đằng sau Đường “Nhuệ” rất có thể là những đường dây bảo kê, chống lưng. Và tôi rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ những sai phạm và xử lý nghiêm khắc theo quy định. Tuy nhiên, vụ Đường “Nhuệ” chỉ mang tính cá thể, không thể đại diện cho bản chất của chế độ và xã hội Việt Nam. Vì vậy, đừng cố tình thổi phồng sai phạm và vu khống chính quyền.
Bảo An
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả