+
Aa
-
like
comment

Những lá chắn sống sẽ không bao giờ gục ngã

Quỳnh Quỳnh - 24/03/2020 21:26

Chiều 20/3, Bộ Y tế xác nhận ca nhiễm Cô Vy thứ 86 và 87 của Việt Nam là hai nữ điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai. Và sáng hôm qua (23/3), cũng đã có bác sỹ dương tính với Cô Vy. Đây là những y bác sỹ, nhân viên y tế đầu tiên của Việt Nam mắc bệnh.

Bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 Đông Anh để cách ly, mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, kết quả xét nghiệm tối 19-3 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Qua rà soát cho thấy bệnh nhân có nhiều lần tiếp xúc gần với bệnh nhân 86.

Ngay khi mới được phát hiện là các ca nghi nhiễm, hai bệnh nhân 86 và 87 đã được Bệnh viện Bạch Mai cách ly. Những người trong gia đình, những người có tiếp xúc gần với hai người này đã được tiến hành sàng lọc, xét nghiệm và cách ly.

Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận sàng lọc các bệnh nhân viêm đường hô hấp đến khám. Những ca bệnh nghi ngờ đều đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương và Bệnh viện Bạch Mai nhận được phản hồi chưa có trường hợp nào có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Các nhân viên y tế không có một ngày nghỉ từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Những người không có Tết, không ngày nghỉ

TS.BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ: “Từ Tết tới giờ, chúng tôi quay cuồng với công việc điều tra dịch tễ vụ dịch COVID-19, chưa có ngày nào nghỉ ngơi. Tất cả mọi người ở đây đều luôn trong tư thế sẵn sàng ứng trực liên tục, không ai được phép ngừng liên lạc. Trong bất cứ tình huống nào, khi có lệnh điều động là chúng tôi phải ngay lập tức lên đường. Khoa cũng đã tổ chức 6 đội cơ động, sẵn sàng tới các điểm dịch”.

BS. Thái vẫn còn nhớ, đúng đêm 30 Tết Nguyên đán, trong ca trực, nhận được cuộc gọi từ một bệnh viện thông báo có ca bệnh nặng, khả năng nghi nhiễm COVID-19, dù là đêm giao thừa, mọi người lập tức chuẩn bị dụng cụ, trang phục khẩn trương lên đường ngay để lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả làm xong nhiệm mới nhớ ra đã qua mất giao thừa, qua mất thời khắc thiêng liêng nhất của năm và chỉ nhìn nhau cười vì đã quá quen.

“Công việc của chúng tôi là vậy, trong đợt dịch, bất kể ngày đêm đều luôn sẵn sàng. Những ngày qua, các anh em trong Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm đều phải làm việc với cường độ liên tục, thậm chí gấp 3 lần so với những ngày thường. Đợt dịch này xảy ra ngay trong thời điểm Tết Nguyên đán nên chúng tôi hầu như không có Tết”, BS. Thái kể.

Xác định đã làm bác sĩ chuyên ngành truyền nhiễm thì không được nề hà trong lúc có dịch bệnh, bác sĩ Nguyễn Viết Nam – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phải làm việc vất vả hơn ngày thường và không có ngày nghỉ. Những đồng nghiệp tại Khoa cấp cứu của anh cũng đều ngủ lại cơ quan để có thể sẵn sàng đáp ứng những tình huống xấu nhất.

Đội ngũ hậu cần tranh thủ chợp mắt sau những ca làm thâu đêm.

Trong mùa dịch Covid-19 này, tại một số bệnh viện, có y, bác sĩ phải tham gia ứng trực 24/24 giờ chống dịch xuyên đêm, nhiều ngày không thể về nhà, phải gửi các con cho người thân chăm sóc. Không ít bác sĩ đã không về nhà trong mấy tuần để nỗ lực cứu chữa bệnh nhân, thực hiện nghiêm quy trình cách ly không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Dù không tránh khỏi áp lực kỳ thị của một số người xung quanh, những họ vẫn âm thầm cống hiến cho nghề nghiệp.

Bác sĩ Lại Thanh Hà, Trưởng Khoa Khám bệnh của Bệnh viện, các bác sĩ phân công luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình cách ly nguồn bệnh phòng chống lây nhiễm. Họ ý thức sâu sắc nhiệm vụ được giao và những nguy cơ phải đối mặt khi thường xuyên tiếp xúc với những người bệnh.

“Giữa mùa dịch bệnh, những y, bác sĩ chúng tôi càng cần phải nâng cao văn hóa ứng xử và thái độ phục vụ chuyên nghiệp”, bác sĩ Hà chia sẻ.

Nụ cười vượt qua nỗi lo kỳ thị

Bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong Bệnh viện cũng là những con người bình thường. Ai cũng sợ! Nhưng công việc thì phải làm thôi. Công việc đã căng thẳng, nguy hiểm hơn ngày thường, áp lực của cộng đồng còn mệt mỏi hơn. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng làm việc ở khu cách ly cho biết đã cảm nhận được sự kỳ thị của nhiều người. “Em đi gội đầu mà họ còn không làm cho. Buồn thế”, một điều dưỡng viên chia sẻ.
Dù buồn vì tâm lý kỳ thị của cộng đồng, nhưng các bác sĩ ở tuyến đầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng tự an ủi vì cộng đồng đã có ý thức về việc phòng dịch, qua đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh, cũng là một cách giảm áp lực cho ngành y tế.

Bác sĩ Xuân, một trong những y sĩ đón người đầu tiên đến cách ly tập trung là bạn nữ tên N.T.L (1 trong 8 công nhân Việt Nam trở về từ vùng tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc) chia sẻ: “Tôi cũng phải thú thật, cảm giác đầu tiên, sợ thì không sợ, chỉ hoang mang một tí thôi. Dịch bệnh lây qua đường hô hấp, sức lan toả ghê gớm, chưa có thuốc điều trị. Virus là kẻ thù giấu mặt, không nhìn thấy ở đâu để tránh. Nhưng mình làm chuyên môn, phải có trách nhiệm điều trị cho bệnh nhân”.

Áp lực tinh thần của các bác sĩ rất lớn do Covid-19 là một dịch bệnh mới.

Các bác sĩ, điều dưỡng viên trong khu cách ly chống dịch Covid-19 cho biết, công việc của họ không quá vất vả nhưng áp lực tinh thần và sự kỳ thị của cộng đồng là rất đáng kể.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thanh chia sẻ: “Công việc trong này không quá vất vả nhưng áp lực tinh thần thì rất lớn. Đó là sự nguy hiểm khó lường của dịch Covid-19. Chúng tôi cũng là con người và hoàn toàn có thể bị lây nhiễm, tuy nhiên, trách nhiệm vì cộng đồng là trên hết”. Chính vì vậy, khi lãnh đạo bệnh viện có kế hoạch thay đổi nhân sự khu cách ly, nhưng các bác sĩ, điều dưỡng viên làm nhiệm vụ ở đây vẫn xung phong ở lại. “Dịch còn diễn biến phức tạp. Đội ngũ nhân viên y tế thì mỏng. Chúng tôi còn làm được thì còn cố gắng”, một bác sĩ đang làm nhiệm vụ tại đây nói.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã đưa thông báo không bắt buộc nhân viên y tế lao vào tâm dịch mà tình nguyện đăng ký. Thế nhưng, danh sách đăng ký vào vùng dịch ngày càng dài hơn và nhìn danh sách tình nguyện đó, ai cũng thấy ấm lòng…

Khi bước vào cổng trường y, ai cũng hiểu sứ mệnh của mình như thế nào. Họ sẵn sàng bỏ lại gia đình phía sau để dấn thân, tất cả vì bệnh nhân. Có những bệnh nhân vào viện trong tình trạng sống chết trong gang tấc, bác sĩ sẵn sàng lao ra cứu họ mà trên người không hề có phương tiện bảo hộ nào. Khi cứu người bệnh, không ai nghĩ cứu để được khen thưởng, được cảm ơn, mà đó là sự hy sinh. Có thể bác sĩ biết rõ họ có thể lây nhiễm bệnh, mang bệnh về cho gia đình nhưng họ luôn làm hết mình vì trách nhiệm với cộng đồng.

Quỳnh Quỳnh

Bài mới
Đọc nhiều