Những kỳ vọng đối với Luật Đất đai (sửa đổi)
Sáng 18/1, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về đất đai của Việt Nam. Dân gian vốn có câu, “an cư lạc nghiệp”, một cuộc sống hạnh phúc luôn bắt đầu bằng nơi ở ổn định và lâu bền. Thế nên, những vấn đề liên quan đến đất đai và các quy định pháp luật lâu nay vẫn luôn là mối bận tâm của mọi người dân.
Như chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, quan hệ đất đai có tính chất rất đặc biệt, luôn tồn tại lợi ích 3 bên: Nhà nước, người sử dụng đất và người muốn tiếp cận đất đai. Đôi khi lợi ích giữa các bên cũng không đồng nhất: Doanh nghiệp mong muốn giá hợp lý, người có đất mong giá cao. Các cơ quan quản lý nhà nước theo đó cũng bị “kẹt” giữa quyền lợi của bên mua và bên bán.
Việc cân bằng lợi ích các bên, có thể thấy, vẫn luôn là bài toán hóc búa và thẳng thắn mà nói, không thể có một phương án làm thỏa mãn hoàn toàn tất cả các bên. Điều mà trong giới hạn và khả năng của con người là đem lại một giải pháp dung hòa nhất.
Và những thay đổi của Luật Đất đai lần này được đánh giá đã mang đến một giải pháp như thế. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 5 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). Việc sửa đổi luật có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tháo gỡ những vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan nhất là quyền lợi của người dân trong sử dụng đất. Những đổi mới lần này có đến hàng trăm điểm và theo ông Hiếu, có thể phân loại thành 5 nhóm:
Trong các quy định mới của Luật Đất đai, điểm nổi bật nhất là việc mở rộng quyền và lợi ích hợp phát của người sử dụng đất. Luật mới đã quy định công dân Việt Nam có quyền sử dụng đất ở, quyền sử dụng đất nông nghiệp, quyền sử dụng đất phi nông nghiệp theo quy định của Luật này. Đây là một điểm mới quan trọng, mở rộng quyền sử dụng đất của công dân Việt Nam, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận đất đai để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.
Bên cạnh đó, Luật mới đã quy định Nhà nước có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất, tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận đất đai, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đây là một chính sách quan trọng, thể hiện sự quan tâm rất lớn đến chất lượng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Điểm nổi bật thứ hai liên quan đến tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp, Luật thiết kế quy định về thu hồi đất phục vụ cho hạ tầng kinh tế – xã hội, phục vụ sản xuất kinh doanh, thiết kế mới, thể chế hoá đầy đủ Điều 54 của Hiến pháp là chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật sự cần thiết; mở rộng cơ chế thoả thuận, mở rộng quỹ đất (như cho dự án có hoạt động lấn biển)…
Như vậy, quy định mới sẽ giúp người sử dụng đất có thêm quyền lựa chọn trong việc nhận bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, quy định này còn được kỳ vọng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng thu hồi đất trái pháp luật, vốn đã gây ra những sự việc gây bức xúc trong dư luận..
Ngoài ra, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã mở rộng quỹ đất cho các đối tượng đặc thù, như doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng nhà ở xã hội, góp phần tạo điều kiện cho các đối tượng này tiếp cận đất đai, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống. Với điểm mới này, điều người dân có thể kỳ vọng là những vướng mắc liên quan đến tiến độ của các dự án nhà ở xã hội sẽ sớm được tháo gỡ và đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường này.
Thứ ba, Luật cũng ban hành nhiều quy định nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất như đất sử dụng kết hợp đa mục đích, thu hẹp trường hợp phải xin phép về mục đích sử dụng đất, nhận chuyển đổi đất nông nghiệp để tăng cơ hội tích tụ sản xuất quy mô lớn; nhận chuyển nhượng đất trồng lúa…
Có thể nhận định, nhóm quy định mới thứ ba nhắm đến việc hạn chế hoạt động phân lô, tách thửa đất nông nghiệp nhằm mục đích đầu cơ, kê giá – thực trạng khiến dư luận bức xúc trong giai đoạn trước. Hiểu rõ những tác hại của hoạt động phân lô, bán nền những năm qua, các cơ quan xây dựng luật đang thể hiện rõ mục tiêu bảo vệ giá trị cốt lõi của đất đai trong nền kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, Luật còn mang lại sự tách bạch rõ ràng hơn về tài chính đất đai và tiền thuê đất, cũng như quy định nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, đáng chú ý nhất là cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân. Điều này cho thấy Quốc hội, Chính phủ đã có cái nhìn thẳng thắn về những bất cập trong giai đoạn trước đối với hoạt động mua bán đất đai, dẫn đến những cơn “sốt đất” thiếu lành mạnh và hủy hoại thị trường mà không ít người đang phải gánh chịu hậu quả của nó.
Nhìn chung, Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển.
Hạnh Văn