+
Aa
-
like
comment

Những kỷ niệm đặc biệt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Việt Nam

Bích Ngân - 12/04/2025 20:03

Hôm qua ngày 11/4, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã đã đăng tải bài viết mang tựa đề “Truyền thống, trà và ngày mai”, chia sẻ những kỷ niệm cá nhân và góc nhìn sâu sắc của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc. Bài viết không chỉ điểm lại những dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử ngoại giao hai nước mà còn phản ánh chiều sâu tình cảm cá nhân mà Chủ tịch Tập dành cho Việt Nam, đặc biệt là với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Việt Nam qua nhiều thế hệ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc trong buổi trà đàm năm 2024.

Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc với tư cách là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam vào tháng 8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã không bắt đầu hành trình từ thủ đô Bắc Kinh, mà từ thành phố Quảng Châu – một lựa chọn được Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá là “có ý nghĩa sâu sắc”.

Tại Quảng Châu cách đây hơn một thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu những hoạt động cách mạng đầu tiên tại Trung Quốc. Đây là giai đoạn lịch sử mà Chủ tịch Tập mô tả là “ký ức đỏ chung” giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc – một mối liên hệ tinh thần vượt khỏi không gian và thời gian, gắn kết hai quốc gia xã hội chủ nghĩa như những người “đồng chí, anh em”.

Đặc biệt, chuyến công du này cũng là bước mở đầu cho chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ tư của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam, diễn ra vào dịp đặc biệt kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đối với Chủ tịch Tập, những chuyến thăm không chỉ mang tính biểu tượng chính trị, mà còn là dịp để nối kết quá khứ và định hướng tương lai cho quan hệ Việt – Trung.

Chủ tịch Tập Cận Bình luôn thể hiện sự trân trọng đối với di sản của mối quan hệ Việt – Trung thông qua những món quà chứa đựng giá trị biểu tượng lớn. Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam năm 2017, ông đã mang theo 19 số báo Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc – trong đó có 16 tờ nhuốm màu thời gian, đăng tải các tin bài về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và số báo ngày 26/6/1955 in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và các nhà lãnh đạo Trung Quốc thời kỳ đầu là minh chứng sống động cho giai đoạn lịch sử gắn bó giữa hai dân tộc. Chủ tịch Tập chia sẻ: “Những tờ báo này có từ chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1955. Chúng tôi đã phải mất khá nhiều công sức để tìm thấy”.

Theo đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học hỏi từ những nhà lãnh đạo tiền bối trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị. Khi phát biểu trước Quốc hội Việt Nam năm 2015, Chủ tịch Tập đã trích dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trung Quốc và Việt Nam có tình hữu nghị đồng chí, anh em”.

Bên cạnh đó, ông cũng thể hiện lòng kính trọng cá nhân sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – người mà ông gọi thân mật là “Bác Hồ”. Theo Chủ tịch Tập, trong trái tim của thế hệ người Trung Quốc cùng thời với ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được ghi nhớ như “người bạn tốt nhất của nhân dân Trung Quốc”.

Sự ngưỡng mộ của Chủ tịch Tập Cận Bình dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện trong các chuyến thăm thực địa. Năm 2011, khi còn là Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông đã đến thăm nơi ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Trước khi rời đi, ông để lại dòng chữ cảm động: “Tinh thần vĩ đại sẽ được tôn vinh trong nhiều thiên niên kỷ, và tình hữu nghị Trung-Việt sẽ trường tồn qua nhiều thế hệ”.

Đến năm 2017, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, ông một lần nữa ghé thăm nơi ở cũ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thậm chí còn học cách vỗ tay để gọi cá ăn tại ao cá – một hình ảnh thân quen gắn liền với đời sống giản dị của vị lãnh tụ Việt Nam.

Những cử chỉ và hành động này không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn thể hiện sự trân quý, thấu hiểu và gắn bó sâu sắc của Chủ tịch Tập Cận Bình với lịch sử và con người Việt Nam.

Một điểm nhấn không thể bỏ qua trong các chuyến thăm song phương là những buổi trà đàm – một nét văn hóa ngoại giao đặc biệt giữa lãnh đạo hai nước. Trong chuyến công du Trung Quốc năm 2024 của Chủ tịch nước Tô Lâm, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức buổi trà chiêu đãi tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, mang đậm nét truyền thống.

Theo bà Bành Lệ Viên – phu nhân Chủ tịch Tập – cũng mời bà Ngô Phương Ly – phu nhân ông Tô Lâm – tham dự một buổi trà đàm, nơi hai Đệ nhất phu nhân thưởng thức các tiết mục nghệ thuật dân gian, trong đó có Kinh kịch Trung Hoa.

Theo Tân Hoa xã, những buổi trà đàm như vậy đã trở thành truyền thống ngoại giao mang tính cá nhân, gần gũi giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc, xuất phát từ nét tương đồng trong văn hóa trà của hai dân tộc. Chuyên gia Pan Jin’e, Giám đốc Khoa Phong trào Cộng sản Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định: “Không giống như các cuộc đàm phán chính thức, trà đàm tạo ra không gian đối thoại mang tính cá nhân, giúp các nhà lãnh đạo xây dựng sự thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau”.

Những buổi trà đàm không chỉ là dịp giao lưu, mà còn là nơi các món quà mang tính biểu tượng được trao tặng. Trong chuyến thăm năm 2023, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng Chủ tịch Tập một bức tranh mô tả buổi trà đàm diễn ra trước đó tại Bắc Kinh. Đây là món quà không cầu kỳ về vật chất, nhưng chứa đựng sự tinh tế và chiều sâu văn hóa, cho thấy tình cảm và sự trân trọng lẫn nhau giữa hai nhà lãnh đạo.

Trở lại năm 2017, sau một buổi trà đàm tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tặng ông Nguyễn Phú Trọng bản sao bài thơ “Đi bộ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bằng tiếng Trung. Bài thơ thể hiện tinh thần kiên định, vượt gian khó trên hành trình giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ. Bài thơ cũng được ông Tập trích dẫn trong bài phát biểu trước Quốc hội Việt Nam năm 2015 như một thông điệp về tầm nhìn chiến lược và lòng quyết tâm trong quan hệ hai nước.

Bài viết của Tân Hoa xã nhậm định rằng, với Chủ tịch Tập Cận Bình, mối quan hệ Việt – Trung không chỉ là ngoại giao giữa hai quốc gia, mà còn là sự nghiệp cả đời. Những ký ức, kỷ niệm và biểu tượng lịch sử không chỉ để ghi nhớ, mà còn là nền tảng tinh thần để xây dựng lộ trình hợp tác trong tương lai.

Trong bối cảnh thế giới biến động, hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc cần củng cố hơn nữa mối quan hệ “đồng chí, anh em” để cùng nhau gìn giữ hòa bình, ổn định, phát triển và hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước cũng như khu vực.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều