Những kỷ lục to nhất, dài nhất, nặng nhất để làm gì?
Phải chăng áo dài là phải dài nên người ta đua nhau thiết lập kỉ lục về nó.
Vài lần nghe tin về kỷ lục áo dài trong hơn chục năm qua, người đọc thôi thì cũng tặc lưỡi bỏ qua, coi nó như vô vàn kỷ lục mà chốc chốc lại thấy được công bố.
Nhưng tới thông tin về chiếc áo dài “Dấu ấn thời gian” có chiều dài 189m, nặng 200kg, đính đá và in nổi 468 hoa văn họa tiết cổ vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục thì dư luận bỗng… hết kiên nhẫn.
Bộ ảnh phô cái vạt áo thật dài trước những địa điểm lịch sử, kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội bỗng tràn ngập mạng xã hội với những lời chế giễu từ hài hước nhẹ nhàng tới một chút khắc nghiệt.
Mới hai tháng trước, chiếc áo dài “Non sông gấm vóc” dài 220,6m, trọng lượng gần 250kg đã xác lập kỷ lục chiếc áo dài đính kết thủ công, giới thiệu và quảng bá các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam có kích thước dài nhất.
Theo cách nhìn của hai nhà thiết kế, các tác phẩm áo dài này được làm để tôn vinh văn hóa Việt, nhưng xem ra cảm nhận của số đông công chúng lại không như vậy.
Áo dài xưa nay dù cầu kỳ, công phu hay đơn giản, đều có sự cân đối giữa hai tà áo. Việc tà sau dài lê thê hàng trăm mét đã minh họa hoàn hảo cho chữ “dài” trong tên của trang phục, chứ không nói lên được bất cứ tinh thần đẹp đẽ nào khác.
Thêm vào đó, trải qua quá trình sáng tạo, và tiệm cận với cuộc sống hiện đại, áo dài đã có tính ứng dụng rất cao, từ chất liệu đến hình thức may đo. Nhìn ở khía cạnh này, hai kỷ lục áo dài trên có vẻ đang “lội ngược dòng”.
Trên thực tế, không phải đến bây giờ, văn hóa các làng nghề truyền thống Việt Nam mới được tôn vinh trong lĩnh vực thời trang. Các sản phẩm áo dài lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội); lụa Mã Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam); lãnh Mỹ A (Tân Châu, An Giang), với họa tiết dân gian Đông Hồ, hay tay nghề của nghệ nhân thêu cung đình Huế đã xuất hiện từ lâu, và giành được sự ngưỡng mộ của công chúng. Văn hóa Việt Nam trong các tác phẩm trên bật lên, trở nên thu hút từ những nét nhỏ nhẻ, tinh tế, thanh tao hơn là từ sự cầu kỳ, rườm rà, sặc sỡ, và quá sức nặng nề như các kỷ lục vừa ra mắt.
Cho nên, bảo áo dài được nghệ nhân thêu thùa, đính đá, hay ứng dụng công nghệ mới, dập nổi hình ảnh…để đẹp hơn, tôn vinh văn hóa Việt Nam được sâu sắc hơn thì nên xem lại.
Cuối cùng, ngoài việc may ra để được nhận tấm bằng kỷ lục, số phận những chiếc áo này sẽ đi đâu về đâu, khi không có không gian trưng bày nào kham nổi?
Vậy là, chưa cần phân tích sâu, cũng có thể nhận ra sự vô giá trị của những tác phẩm kỷ lục kiểu này. Công chúng được “chiêm ngưỡng” một lần, rồi nhập kho, để đó. Công sức và tiền của bỏ ra xem như chỉ mua được tấm giấy chứng nhận, và hàng ngàn ý kiến trái chiều.
Thời đại 4.0, làm bất cứ điều gì, cũng nên thực tế, và có ích. Tư tưởng làm để trở thành điểm nhấn cho phong trào hay sự kiện kỷ niệm nào đó ở địa phương nên được cân nhắc cẩn trọng. Lãng phí tài nguyên, và lao động, nhìn dưới bất cứ góc độ nào, cũng là kém văn minh.
Phạm Khoa