Những kẻ “thọc gậy bánh xe” thì hiểu gì về sự hy sinh
Cách đây không lâu, phóng sự “Ranh giới” đã khiến nhiều người xúc động khi lột tả những khoảnh khắc giành giật sự sống rất ám ảnh của các sản phụ mắc Covid-19 và đội ngũ y bác sỹ ở bệnh viện Hùng Vương. Lúc đó người ta mới thấu rõ Covid-19 ghê gớm như thế nào và áp lực mà các y bác sỹ phải chịu đựng khủng khiếp ra sao. Chính vì vậy, mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1736 tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 138 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đợt 4, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, ngay sau đó trang RFA tiếng Việt đã đăng bài có tựa đề “Hơn 21.000 người qua đời: 138 lãnh đạo vẫn được khen phòng chống dịch xuất sắc”.
Ngay từ đầu bài đăng của RFA tiếng Việt đã tung ra thủ đoạn của mình bằng cách suy diễn, hướng lái dư luận có suy nghĩ méo mó, lệch lạc rằng: “Việt Nam đến nay có hơn 21.000 người qua đời vì Covid-19 chỉ trong đợt dịch thứ tư kể từ cuối tháng 4”. Ý kiến này gần như mặc định rằng vì dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thiệt hại thì cả ngành y tế không xứng đáng được biểu dương. Chính cách dẫn dắt đó đã khiến nhiều người hiểu sai lệch, không ghi nhận đúng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành, nhất là của Bộ Y tế trong công tác chống dịch thời gian vừa qua, đặc biệt là ở các tỉnh thành phía Nam.
Ai cũng biết đợt dịch thứ 4 này xuất hiện biến chủng Delta lây lan nhanh khiến công cuộc chống dịch của đất nước trở nên cam go hơn bao giờ hết, những hậu quả theo sau đó cũng nặng nề hơn về nhiều mặt, trong đó có sự ra đi đầy thương xót của hơn 21.000. Đó là điều không ai mong muốn và khi xảy ra, chúng ta cũng cố gắng động viên, chia sẻ, xoa dịu bớt nỗi đau cùng gia đình bệnh nhân tử vong rất nhiều. Thậm chí, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng từng đau xót chia sẻ rằng: “Thực tế chúng ta đã làm được rất nhiều việc, cứu được nhiều người, nhưng còn nhiều việc chưa làm được, nhiều người chưa cứu được, đó là nỗi đau chung, là khuyết điểm. Chúng ta xin nhân dân lượng thứ”.
Tuy nhiên, tử vong vì nhiều lý do khách quan khác nữa, nếu chỉ nhìn con số tử vong mà không nhìn thấy con số gần 800.000 bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi thì sẽ rất bất công với ngành Y tế. Có một điều chắc chắn là nếu không có đội ngũ y bác sỹ giỏi, chuyên môn cao và tận tình cứu chữa thì con số người tử vong còn nhiều gấp trăm lần. Đặc biệt, nếu không những người lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra đường hướng, điều phối công tác phòng chống dịch, chạy ngược chạy xuôi, từ Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội đến TP.HCM, Kiên Giang,… thì áp lực mà hệ thống Y tế của Việt Nam phải chịu đựng còn lớn hơn nhiều. Thế nên, trong danh sách được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ngoài việc có các y bác sỹ thì có thêm tên của những lãnh đạo ngành Y cũng là điều dễ hiểu.
Phải nói, thời gian qua, đã có biết bao nhiêu người thức trắng đếm trong phòng họp, phòng hội chẩn để tìm ra phương án chống dịch, giảm áp lực cho hệ thống y tế. Biết bao nhiêu y bác sỹ hy sinh hạnh phúc cá nhân, tình cảm riêng tư để bám trụ với phòng cấp cứu, hồi sức, không được gặp người thân nhiều tháng trời. Chưa kể bản thân họ còn trở thành người nhiễm Covid-19, có người cũng ra đi mà không kịp nhìn mặt người thân. Sự hy sinh, mất mát đó nào có thể đong đếm, bù đắp hết được.
Bao nhiêu áp lực mà đội ngũ y bác sỹ đã phải chịu đựng ròng rã suốt 5 tháng qua. Đã có lúc chúng ta thấy họ rệu rã nhưng thật cảm phục vì sau đó, họ lại tiếp tục lao vào vào cuộc chiến giành giật sự sống cùng bệnh nhân, hầu như tất cả đều không bỏ cuộc. Sự cống hiến, chiến đấu, hy sinh đó xứng đáng được nhận lời cảm ơn, tôn vinh, đồng cảm và chia sẻ chứ không phải là những mai mỉa, châm chọc như RFA tiếng Việt.
Dịch bệnh như một con thú dữ rình rập xung quanh ta, có thể chúng ta sẽ bị thương bất cứ lúc nào. Và nếu điều đó xảy ra thì trách nhiệm tiếp tục đặt lên vai đội ngũ y bác sỹ. Thay vì hiểu và biết ơn thì RFA tiếng Việt lại mang tư tưởng hằn học đi xuyên tạc Quyết định tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 138 cá nhân xuất sắc trong phòng, chống dịch thành “tặng bằng khen của Thủ tướng cho 138 lãnh đạo Bộ Y tế góp phần phòng chống dịch”. Ngẫm lại, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam thì không khi nào những kẻ đứng sau trang mạng này không xuyên tạc công tác chống dịch, phủ nhận mọi nỗ lực phòng chống dịch của các lực lượng tuyến đầu, thậm chí còn công kích cá nhân những người đang đảm đương nhiệm vụ chỉ huy “cuộc chiến”. Thôi thì, chúng ta cứ làm lơ những luận điệu của những con người đã đứng ngoài cuộc chiến của dân tộc đi!
Đặng Trường