Những kẻ thảm hại thích mỉa mai triển vọng kinh tế Việt Nam
Theo Báo cáo của PwC, một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, về GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) cho biết dự kiến tới năm 2050, Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Khi các cơ quan truyền thông dẫn lại báo cáo này thì các nhà “dân chủ” mỉa mai một đầy cay cú rằng báo chí nước ta đang “nổ”.
Ngoài báo cáo của PwC, tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance cũng mới công bố bảng xếp hạng thương hiệu năm 2022 cho các doanh nghiệp. Theo đó Viettel và các ngân hàng Việt Nam đều có bước thăng tiến lớn. Có tới 11 ngân hàng Việt Nam nằm trong top 500 ngân hàng toàn cầu. Viettel, thương hiệu số 1 Việt Nam được định giá gần 9 tỷ USD (cao hơn gần 3 tỷ so với năm 2021) cũng thăng tiến 98 bậc (từ 325 lên 227). Ở khu vực Đông Nam Á Viettel là thương hiệu số 2, chỉ sau tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia, vượt qua ngân hàng DBS của Singapore.
Riêng trong lĩnh vực viễn thông, Viettel là thương hiệu viễn thông số 1 ĐNA, thứ 18 thế giới, vượt qua rất nhiều thương hiệu viễn thông của các nước có qui mô kinh tế, dân số lớn hơn Việt Nam. Tập đoàn Hoà Phát cũng lọt top 15 hãng thép lớn nhất thế giới về vốn hoá thị trường, là hãng thép số 1 Đông Nam Á. Sau hơn 30 năm đổi mới, hiện nay xét theo GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) thì Việt Nam đã có mặt trong top 30 của thế giới, và công ty kiểm toán PwC đã đưa ra dự báo tới năm 2050 Việt Nam sẽ có mặt trong top 20. Nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam cũng đang có mặt trong top của các bảng xếp hạng thế giới. Đây là một kết quả thật sự đáng tự hào với xuất phát điểm những năm đầu đổi mới là một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250 USD.
Cùng với quá trình phát triển, tiếng nói và vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế, điều đó thể hiện ở những phát biểu công khai đầy tự tin của các lãnh đạo Nhà nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thời còn giữ cương vị Thủ tướng cũng nói “đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ”. Và mới đây nhất, trong chuyến công tác châu Âu cuối năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng công khai phát biểu trước kiều bào: “Vị thế của Việt Nam đã rất khác”.
Đất nước càng đi lên, thì các nhà “dân chủ, nhân quyền”, các đối tượng chống đối ngày càng trở nên thảm hại đến đáng thương. Các phát ngôn, lời bịa đặt, xuyên tạc về Việt Nam của họ ngày càng trở nên tầm phào. Đơn cử như khi bị cáo Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam đầu thú, các đối tượng lu loa rằng Thanh bị “bắt cóc” và châu Âu sẽ trừng phạt Việt Nam nặng nề. Kết quả là châu Âu đã “trừng phạt” bằng cách thông qua Hiệp định thương mại EVFTA với Việt Nam. Cuối năm 2021, khi Việt Nam thực hiện chiến dịch “ngoại giao vaccine”, họ mỉa mai là “xin chẳng ai cho”, rốt cục thì các nước đã ồ ạt giúp đỡ, kết quả là hiện tại chúng ta đã mang về nước được hơn 200 triệu liều vaccine, vượt quá mọi kỳ vọng. Hay sau khi một loạt các nhà “dân chủ” như Phạm Đoan Trang, Cấn Thị Thêu bị bắt giam, có những kẻ kêu gào đòi Mỹ trừng phạt Việt Nam. Kết quả là bà Phó Tổng thống Mỹ đến thăm Việt Nam đề nghị nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược.
Và mới đây nhất, các nhà “dân chủ” lại mỉa mai về triển vọng đứng top 20 nền kinh tế lớn nhất của Việt Nam do chính một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới là PwC đưa ra. Không hiểu họ mỉa mai ai, báo chí Việt Nam hay Pwc? Dường như đúng hơn đó là những lời lẽ thảm hại và đầy cay đắng. Không có lấy một số liệu để phản biện, không có lý lẽ để phản bác, hoàn toàn không ngoài những lời lẽ chê bai và chửi đổng.
Tương lai và triển vọng phát triển của đất nước ngày càng sáng sủa, đồng nghĩa với việc “tương lai” của các đối tượng xuyên tạc, chống phá sẽ ngày càng đen tối và trống rỗng.
An Diễm