+
Aa
-
like
comment

Những kẻ “rởm đời, rảnh rỗi” đáng được tôn trọng!

Hồng Vân - 09/09/2020 18:03

Thấy ông làm việc tử tế, không lắm người dè bỉu, chê bai cho rằng ông chỉ là “kẻ làm màu”. Cái mác “làm màu” ấy đã theo ông kể từ khi ông tiên phong cho “chiến dịch giải phóng vỉa hè” và đến tận bây giờ, khi đã rũ bỏ áo quan về vườn, không còn thực hiện các nhiệm vụ chính trị, ông vẫn bị không ít kẻ so sánh ông là gã “rởm đời” rảnh rỗi khi bày vẽ chuyện chở bệnh nhân miễn phí từ Nam ra Bắc.

Đâu chỉ mỗi ông Đoàn Ngọc Hải, những con người chả phải cán bộ gì, những sinh viên tình viện, các bác cựu chiến binh khi cầm di ảnh Cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trong ngày đưa Cố Tổng bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng, một hành động rất đỗi bình thường cũng bị chỉ trích. Họ nói rằng những sinh viên tình nguyện hay các bác cựu chiến binh đã làm những việc “theo chỉ thị”, để chụp ảnh cho đẹp, thu hút sự chú ý dư luận và cũng để làm màu, chứ có tốt đẹp gì.

Còn mới đây, khi Việt Nam tự hào đạt ngôi vô địch bảng B của giải đấu Tank Biathlon tại Nga. Họ nói rằng đây là một chiến thắng mang lại cảm giác “tự hào dân tộc thái quá”, vì trận chung kết chỉ có những đối thủ như Lào hay Myanmar – những đối thủ mà họ cho rằng là “yếu nhớt”. Rồi tại sao không thi đấu với Nga hay Trung Quốc? Và Việt Nam chỉ vô địch giải đấu hạng 2. Đây là một giải đấu “cùi mía” khi không có sự tham gia của Mỹ và một số cường quốc phương Tây. Chốt hạ, họ khẳng định đây là một giải đấu không vẻ vang, không thực chất, bệnh thành tích, đối thủ nhẹ ký, thi dễ dàng cũng là một chiến thắng “làm màu”, chả có gì phải tự hào!

Ngày Quốc khánh vừa rồi, tòa tháp cao nhất thế giới – Burj Khalifa có chưng cờ Tổ Quốc Việt Nam. Tuy nhiên, lại thêm một lần nữa, người ta lại đưa ra thông tin rằng Việt Nam mất tới hơn 70 ngàn USD để “quảng cáo” về ngày Quốc Khánh Việt Nam tại tòa nhà này. Người ta so sánh việc đây là một “tòa nhà thương mại” và chỉ cần có tiền, bất cứ điều gì cũng có thể được chiếu lên. Và một câu chuyện so sánh tầm phào được đưa ra là hình ảnh lá cờ Việt Nam chỉ ngang bằng với hình ảnh của ban nhạc nổi tiếng Hàn Quốc là EXO – ban nhạc này cũng được tòa nhà chiếu ảnh vào năm 2018. Vâng, một sự so sánh khập khiễng như vậy họ vẫn làm được, thì có gì họ không chê bai cho được.

Làm màu cũng được, miễn là việc tốt là được.

Từ câu chuyện bác Hải, làm mình nhớ đến câu chuyện về những người đăng ký hiến tạng hay đi hiến máu. Rõ ràng, họ làm việc tốt, rất tốt, nhưng vẫn bị miệng đời chê bai và nhục mạ. Đi làm từ thiện mà cứ chụp ảnh lại làm gì? Cứ viết lên mạng xã hội làm gì? Báo chí chụp ảnh làm gì? Sao không im lặng mà làm? Đơn giản thôi, tốt khoe, xấu che.

Thử hỏi, nếu không có những hình ảnh đẹp ấy, thì những tấm lòng hảo tâm đó sẽ mãi chỉ là một vài việc tốt âm thầm. Liệu có thấm tháp là bao? Thay vì vậy, những hình ảnh ấy được lan truyền, nhân rộng, nhà nhà, người người thấy, thì nó sẽ không chỉ là 1 việc tốt mà được nhân lên thành ngàn việc tốt. Chính những hình ảnh ấy là cách hữu hiệu nhất để kích thích, khơi gợi lòng nhân ái của mỗi con người, không có chúng, chúng ta sẽ chỉ mải quanh quẩn với cơm, áo, gạo, tiền mà quên mất rằng xung quanh ta còn biết bao mảnh đời khốn khổ.

Phải thừa nhận rằng, một trong nhũng điều chán ghét nhất của thế giới này, là những việc tốt bị “lên án” là làm màu, còn những việc xấu xa lại được cho rằng là “sống thật”. Hiến máu có tốt không? Tốt. Chụp ảnh giấy chứng nhận hiến máu và viết lên mạng xã hội có tốt không? Tốt. Hiến tạng có tốt không? Tốt. Kêu gọi mọi người hiến tạng có tốt không? Tốt. Chở người bệnh về quê miễn phí, có tốt không? Tốt.

“Dân không thờ sai ai bao giờ” – Câu đó luôn đúng. Việc cầm di ảnh, đứng chờ để tiễn đưa những con người có công với Tổ Quốc là một việc rất tốt đẹp. Chỉ có những kẻ “vong ân bội nghĩa” mới nghi ngờ những hành động đó. Họ nghĩ rằng, ai cũng như họ, ai cũng vô ơn, ai cũng bội nghĩa, ai cũng thích “ném đá” vào lịch sử. Họ đặt câu hỏi ngờ vực tại sao có những người lính già, chân đi không vững, mắt mờ đục, lại đứng hàng giờ đợi dòng xe tang lại qua chỉ để giơ tay chào kiểu nhà binh tiễn đưa lần cuối? Chỉ đơn giản là họ không trải qua những giờ phút chiến đấu vào sinh ra tử vì Tổ Quốc và cho rằng “hòa bình là thứ họ phải được hưởng” chứ không phải là thứ “mất máu thịt để giành lấy”.

Tự hào dân tộc có tốt không? Tốt chứ, rất tốt. Vậy về chức vô địch của Việt Nam tại giải đấu Tank Biathlon thì sao? Vô địch bảng B, một bảng đấu không có Nga, không có Trung Quốc hay tham gia một giải đấu không có Mỹ, phương Tây có phải là một điều đáng mừng không? Cần phải biết rằng, bảng A dành cho các đội tự mang xe đi thi đấu bao gồm Nga, Trung Quốc… Tại bảng A, các đội sẽ đọ tài ở cả khả năng “độ chế” xe tank, kỹ năng kíp chiến đấu… Trung Quốc mang xe Type-96B “nội địa” đi thi, còn lại các quốc gia khác sử dụng T-72B3. Trong khi Việt Nam không có cả 2 loại xe tăng này. Nếu Việt Nam muốn thi bảng A, thì phải mang T54/55 đi thi hoặc T90S, một loại thì là “hàng cũ” – đem đi thi thì lại bảo là “khí tài lạc hậu” hoặc “rùa thi với thỏ”, một loại thì lại “hiện đại quá” – mang đi thì lại bị nói là “Việt Nam mang đồ hiện đại quá, ai chơi lại”.

Tại bảng B, các đối thủ sử dụng chung một loại xe tăng, điều tiên quyết thắng trận ở đây là kỹ năng của kíp chiến đấu. Lào hay Myanmar đều biên chế xe tăng T72 vào trong quân đội, họ có thời gian và không gian luyện tập tốt hơn, còn Việt Nam thì không, các chiến sĩ của chúng ta phải tập trên xe tăng T54/55 vậy mà đã vô địch. Đó chắc chắn là một điều tốt rồi. Cùng một loại khí tài, điều quyết định đến chiến thắng là kỹ năng chiến đấu của các chiến sĩ. Như câu chuyện B52 của Mỹ chẳng hạn, đi gây chiến khắp thế giới, tự hào thành tích “bất bại” rồi “gáy” rằng không một loại tên lửa nào làm hại được B52, vậy mà sang Việt Nam bị S-75 Dvina bắn “rụng như sung”.

Hầu như ai cũng rõ rằng Việt Nam thi đấu ở bảng B (bảng 2), sử dụng chung một loại xe tăng với các quốc gia khác. Hai bảng này hoàn toàn độc lập với nhau, không tính thời gian hơn kém nhau, không có chung bộ giải thưởng. Năm sau, Việt Nam sẽ thi với Nga và Trung Quốc, hai cường quốc quân sự hùng mạnh. Tự nhiên, cảm giác “đứng chung” hàng với các cường quốc, cũng có chút gì đó vui vui.

Làm màu cũng được, khuếch đại vị thế Tổ Quốc là được.

Nếu mất 70 ngàn USD để cờ Việt Nam sáng đỏ ở Burj Khalifa, có đáng không? Dĩ nhiên, đây chỉ là một giả thuyết chẳng có bất cứ căn cứ nào để chứng minh. Nhưng nếu giả thuyết này có thật, thì 70 ngàn USD vẫn rất đáng để khuếch đại lá cờ Tổ Quốc và quảng cáo hình ảnh quốc gia. Cần biết rằng, VTV từng rao bán 30 giây quảng cáo tại chung kết AFF Cup với giá gần 20 ngàn USD thì cái giá 70 ngàn USD cho 3 phút quảng cáo tại Burj Khalifa vẫn quá rẻ.

Cần phải biết rằng, nghi thức chiếu quốc kỳ trên Burj Khalifa được chính quyền Dubai và UAE coi là một nghi thức trang trọng thường chỉ được áp dụng với các đối tác ngoại giao quan trọng. Chính Đại sứ quán UAE tại Việt Nam cũng chia sẻ đoạn clip ngắn có hình ảnh “nhuộm đỏ Burj Khalifa” cùng những lời chúc mừng Quốc khánh Việt Nam. Trước khi lá cờ Việt Nam được xuất hiện trên Burj Khalifa , thì lá cờ Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ,… cũng được trang trọng xuất hiện ở vị trí tương tự.

Hình ảnh Việt Nam xuất hiện tại Buji Khalifa chắc chắn là một điều đáng mừng. Vì quốc tế biết rằng hôm ấy là ngày Quốc khánh Việt Nam, khuếch đại hình ảnh Việt Nam, khiến Việt Nam được biết đến nhiều hơn, du lịch Việt Nam phát triển hơn, ngoại giao thuận lợi. Và trên hết, với những người thường như chúng ta, hẳn thấy Việt Nam cũng không phải là “tầm thường”.

Có hai sự thực, một là UAE là đối tác ngoại giao quan trọng của Việt Nam và họ coi trọng Việt Nam, hai là lá cờ Việt Nam xuất hiện tại tòa nhà có ảnh hưởng nhất thế giới hiện đại. Còn cái sự thực nào đó, như câu chuyện 70 ngàn USD, lại chẳng bao giờ được chứng minh.

Làm màu hay gì đi chăng nữa, nếu làm được những việc tốt như trên, thì làm màu cũng được.

Hồng Vân

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều