Những kẻ máu lạnh nhất trước cái chết của 39 nạn nhân ở Anh
Đành rằng câu chuyện xuất khẩu lao động chui, nhập cư trái phép là vi phạm pháp luật nhưng cái chết của 39 người trong chuyến xe container vào Anh vừa qua vẫn để lại trong lòng dư luận niềm thương cảm, xót xa nhiều hơn là lời trách móc, miệt thị. Cũng đúng thôi, nếu có trách phải trách kẻ độc ác, vô trách nhiệm nhất đứng sau bỏ mặc 39 người hoảng loạn, đau đớn trong những phút cuối đời.
Chỉ cần bỏ ra chi phí 30.000 bảng Anh tương đương khoảng gần 1 tỷ đồng, bất kỳ ai cũng có thể đặt chân đến Anh hoặc một nước nào đó thuộc Châu Âu để lao động chui. Tuy nhiên, nếu có số tiền đó, đa phần người sống ở thành phố sẽ nghĩ đến chuyện khởi nghiệp hơn là ra nước ngoài. Với những người không đủ khả năng để tự đứng ra kinh doanh, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, các vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, điều kiện làm kinh tế khó khăn thì lại khác. Lợi dụng tình cảnh nhiều người dân miền quê khốn khó, nhiều thanh niên không có việc làm hoặc tiền lương ít ỏi. Đường dây buôn người xuất hiện, chúng dùng những lời hoa mỹ để nói về “xứ sở thiên đường” mà không hề cho biết trước lộ trình đường đi, công việc cụ thể cũng như nơi sống, điều kiện lao động,…
Đáng trách nhất trong đường dây hoạt động trái phép lại có những người đồng hương, đồng bào của mình. Với 100 triệu đồng tiền hoa hồng từ tổ chức buôn người, những kẻ môi giới trung gian ra sức buông những lời mật ngọt, dụ dỗ những người có chung dòng máu màu da với mình đi vào con đường sai trái, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Bao nhiêu miếng bánh béo bở được vẽ ra hòng dụ dỗ càng nhiều người tham gia đường dây di cư trái phép. Những kẻ khát tiền, “cạn tàu ráo máng” không hề cảnh báo trước bất kỳ sự tăm tối nào phía trước, cứ thế mà vẽ ra viễn cảnh cuộc sống sung sướng ở trời Tây rồi hứa hẹn mỗi tháng sẽ kiếm được từ 2000 đến 5000 bảng Anh hoặc Euro và chẳng mấy chốc “khách hàng” sẽ trả được nợ, đổi đời. Rõ thấy không chỉ có những kẻ buôn người mà ngay những con người trung gian môi giới trong nước cũng đã độc ác không kém.
Theo thông tin được biết, những kẻ buôn người, môi giới trung gian này hoạt động có đường dây tổ chức hẳn hoi. Ở nước ta, những con người tình nguyện đi hay bị dụ dỗ vào đường dây này đều được đưa sang Trung Quốc. Đến đây, các đối tượng buôn lậu, người môi giới sẽ làm giả giấy tờ công dân Trung Quốc cho “người rơm” (theo cách gọi của cộng đồng người Việt Nam ở Anh dùng để nhắc tới những người nhập cư bất hợp pháp) di chuyển sang nước nào đó thuộc Châu Âu, bắt đầu “sống không ai biết, chết không ai hay”, trốn chui trốn lủi.
Dù là di cư trái phép nhưng nếu đã có thỏa thuận nhận tiền thì cái tổ chức đưa người di cư chí ít cũng phải có trách nhiệm với tính mạng “khách hàng”. Nhưng gần như chúng chẳng mảy may quan tâm đến những tổn hại, khó khăn mà “khách hàng” gặp phải. Họ nhồi người di cư vào các thùng xe tải, container bao quanh là bóng tối, không có thức ăn, hệ thống thông gió, nước hay nhà vệ sinh. Vì thứ duy nhất chúng biết chỉ có tiền nên mới có chuyện những người phụ nữ bị cưỡng hiếp ngay trên các chuyến xe di chuyển vào Pháp hay Anh. Thậm chí, chúng có thể sẽ vứt “khách hàng” của mình vào các trang trại trồng cần sa trái phép, nơi ăn chốn ngủ là những căn phòng chật hẹp, tối tăm bao gồm mấy chục người, nồng nặc những mùi ghê tởm.
Đau đớn hơn cả vẫn là những người phụ nữ làm việc bếp núc ở đây, họ bị lạm dụng tình dục, trở thành nạn nhân của chính những kẻ buôn người và đôi khi cũng có thể là đồng hương của mình nhưng không dám kêu cứu cảnh sát sở tại. Tất cả chỉ biết cắn răng chịu đựng cho qua mùa cần sa để được nhận lương, trả tiền cho tổ chức buôn người và gửi tiền về cho người thân. Thế nhưng, thỉnh thoảng, lại có những lời kêu gọi trong cộng đồng quyên góp tiền để đưa ai đó về nước vì “tai nạn lao động” trong những ngôi nhà bí ẩn. Và cũng có những người mãi mãi nằm lại trên đất khách trước sự vô nhân tính của những kẻ buôn người. Không biết thời điểm đó những kẻ môi giới trung gian từng tiêm vào tâm trí các gia đình nghèo, các thanh niên mới lớn về “xứ sở thiên đường” đang ở đâu?
Trong sự việc được phát hiện ở Essex, những tên tội phạm xuyên quốc gia, những người môi giới trung gian nói trên chính là những kẻ độc ác, vô nhân tính nhất. Sự máu lạnh trong con người chúng sẽ không bao giờ cho phép chúng cảm thấy hối hận khi đẩy 31 đàn ông và 8 phụ nữ (chưa rõ quốc tịch) vào chỗ chết và sẽ không có một sự đền bù nào. Trái lại, chúng sẽ tức giận vì những người chết không thể trả tiền cho chúng. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ việc thương tâm như thế này.
Vào khoảng giữa năm 2000, một vụ việc bi thảm tương tự cũng đã xảy ra khi 58 người di cư Trung Quốc tử vong trong một chiếc xe chở cà chua tại Hà Lan. Trong đó cũng có bóng dáng của những tên trung gian môi giới vô trách nhiệm, mang con bỏ chợ dẫn đến thảm cảnh này.
Không chỉ ở Anh, Hà Lan mà còn cả Pháp, Bỉ, Đức những đường dây buôn người xuyên quốc gia này vẫn ngày ngày hoạt động chưa bị phát hiện, đem lại những lo ngại có thực về an ninh, trật tự và sự ổn định của xã hội trên toàn thế giới. Nhắc lại những vụ việc bi thảm này để thấy rằng, các đường dây buôn người xuyên quốc gia đang ngày càng hoạt động lớn mạnh, có tổ chức tinh vi, số lượng tay chân làm cò cho chúng hơn trước rất nhiều và tình trạng di cư trái phép đang thực sự trở thành một vấn nạn toàn cầu mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt.
Phi vụ đưa 39 người vào Anh lần này không trót lọt nhưng không vì thế mà chúng dừng lại. Chắc chắn, sau ít thời gian “án binh bất động”, đường dây buôn người của chúng sẽ tiếp tục vận hành trở lại. Nếu như các tổ chức, cơ quan chức năng không có giải pháp ngăn chặn kịp thời đường dây buôn người; nếu chính quyền địa phương không kiên quyết xử lý nghiêm những kẻ làm môi giới; nếu như không có sự hợp tác truy bắt tội phạm giữa các quốc gia thì những chuyến xe container chở người di cư trái phép vẫn sẽ tiếp tục diễn ra. Biết đâu những chiếc container sẽ lại tiếp tục vào Anh, chở theo con, cháu, anh em và cả những người láng giềng bị những kẻ môi giới cùng là đồng hương, đồng bào trong nước mình dụ dỗ, trục lợi.
Đặng Trường