Những hình ảnh cuối cùng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Theo thông tin từ Làng Mai thì lễ nhập kim quan của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ diễn ra vào sáng 23/1. Sau lễ nhập kim quan, tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. “Trong suốt thời gian đó, kính xin quý vị đến thăm viếng cùng thực tập chung với chúng tôi – tâm niệm cúng dường – để cho toàn bộ tang Lễ Tâm Tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng” – Làng Mai thông báo.
Thông tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch đã khiến những phật tử và một bộ phận người dân vô cùng thương tiếc. Sự hy sinh, những giá trị lớn lao mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh để lại cho hậu thế là vô cùng lớn lao. Chính vì vậy, khi những hình ảnh cuối cùng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh vào những ngày tháng cuối đời được chia sẻ đã gây xúc động rất lớn trong dư luận.
Sáng 22/1, một số người dân, phật tử đã đến chùa Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế) sau khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch. Các phật tử trong chùa đang chuẩn bị cho tang lễ thiền sư. Được biết, Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được hỏa táng. Xá lợi của thiền sư sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây bảo tháp.Ban lễ tang cũng mong mọi người không phúng điếu vòng hoa, trường liên, đến thăm viếng trong im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thế danh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm Bính Dần (1926) tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, là con kế út trong gia đình có sáu anh chị em. Năm 1942, ông xuất gia tại Tổ đình Từ Hiếu với Thiền sư Thanh Quý Chân Thật, được ban pháp danh Trừng Quang. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà sư nổi tiếng của Phật giáo thế giới.Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Đạt Lai Lạt Ma là 2 người có ảnh hưởng mạnh nhất đối với tín đồ Phật giáo phương Tây.
Giáo sư Phật học người Úc, John Powers, cho rằng Thiền sư Nhất Hạnh là một trong “13 vị thầy góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật trên toàn thế giới trong quá trình 2500 năm lịch sử Phật Giáo”.
Điều mà người Tây phương nhớ về Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là những khái niệm “chánh niệm”, “tỉnh thức” – “mindfulness”.
Tạp chí Times, trong bài viết dài về vị Thiền sư, thừa nhận Hòa thượng Nhất Hạnh là người đầu tiên phổ biến những khái niệm này như một phương pháp tu tập.
Hạnh Nhân