+
Aa
-
like
comment

Những gì xảy ra ở Mỹ là hệ quả tất của quy trình bầu cử mị dân

Lê Dung Anh - 10/01/2021 18:40

Những gì xảy ra ở Mỹ hôm nay là hậu quả tất yếu của một quy trình bầu cử mị dân mà chính tổng thống Mỹ xác nhận.

Hình ảnh tan tác bên trong tòa nhà Quốc hội sau khi người biểu tình ùa vào.

Trong lịch sử nhân loại, một bài toán phức tạp luôn được đặt ra trước giai cấp thống trị là làm sao để kiểm soát dân chúng. Xã hội nào cũng có người giàu và người nghèo. Dĩ nhiên không thể để người nghèo nắm quyền lực, vì họ sẽ kéo cả đất nước xuống. Nhưng nếu để quyền lực trong tay người giàu thì cái gì ngăn cản người nghèo không nổi loạn khi họ chẳng có gì để mất ngoài xiềng xích?

Giai cấp thống trị đã thử rất nhiều mô hình, kết hợp cả triết học và tôn giáo (theo lời Napoleon thì cái duy nhất ngăn người nghèo không giết người giàu là tôn giáo, theo Karl Marx thì tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân) nhưng đều có điểm yếu và đều thất bại ở một giai đoạn nhất định.

Mỗi cuộc cách mạng nổ ra đều do người nghèo nhận thức được thân phận của mình, chứ tuyệt nhiên không phải do giai cấp thống trị có gì thay đổi. Lúc nào chăng nữa, người giàu cũng vô cảm, thực dụng và tìm cách duy trì vị trí thống trị của mình.

Hàng trăm ngàn người dân Mỹ đổ xuống đường biểu tình.

Cuộc cách mạng Pháp nổ ra khi người dân nhận ra được rằng các ý niệm về “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” không phải từ trên trời rơi xuống mà do chính con người sáng tạo ra. Họ đã cướp phá và giết giai cấp thống trị, đưa nước Pháp thành nền cộng hòa. Dĩ nhiên, giai cấp thống trị không ngồi yên để người nghèo nổi loạn. Nên giới tinh hoa Mỹ đã sáng tác ra một kiệt tác mị dân vĩ đại còn được gọi là Hiến pháp Mỹ, đưa ra quy trình chuyển giao quyền lực tượng trưng bằng cách cho dân chúng lựa chọn giữa hai đại diện mà giới chủ đã chọn trước, thậm chí sau khi dân chọn xong, giới chủ còn đích thân kiểm tra lại lần cuối.

Họ đã cẩn thận và chu đáo đến thế là cùng. Chỉ có những bộ óc vĩ đại mới tạo ra được một quy trình bầu cử an toàn đến thế cho giai cấp thống trị và vẫn trấn an được dân chúng, cho dân chúng cảm giác thỏa mãn vì được bầu chọn. Thực tế, giới tinh hoa Mỹ thừa biết giao quyền bầu cử cho người nghèo là tự sát, nên họ đã cẩn thận bảo vệ nhà nước bằng hai biện pháp chính: Thứ nhất, người giàu vẫn nắm Cục Dự trữ Liên bang (FED), tức là nắm toàn bộ tiền của nước Mỹ, mà thực ra quyền lực lớn nhất của nhà nước là in và quản lý tiền. Thứ hai, bầu cử tượng trưng, với các phiếu đại cử tri thuộc về giới chủ. Những cái đầu lớn nhất của nước Mỹ đã tính toán không hề sai và cộng với tài nguyên khoáng sản sẵn có sau khi cướp được của người da đỏ và vị trí địa lý an toàn, cách xa Nga và Châu Âu nên nước Mỹ đã phát triển vũ bão trong hai trăm năm để thành một siêu cường có lúc đã chiếm đến 40% kinh tế thế giới. Nhưng mạng xã hội ra đời làm lộ hết các điểm mị dân của Hiến pháp Mỹ. Lần đầu tiên giới chủ không thể kiểm soát được dư luận thông qua báo chí – quyền lực thứ 4 của giới chủ Mỹ (ngoài Tư pháp, Hành pháp và Lập pháp).

Vậy nên, bất chấp những hỗn loạn thảm họa hiện nay, ông Donald Trump vẫn sẽ được lịch sử ghi công như một người đã vạch ra toàn bộ các điểm thiếu sót của Hiến pháp Mỹ và cho thấy quy trình bầu cử Mỹ thật sự phải thay đổi, mô hình chính trị mị dân của Mỹ thật sự phải thay đổi. Nền Cộng hòa phải thực sự tôn trọng người dân của mình và cho họ quyền tự quyết. Vấn đề chỉ là có nên trao cho đa số quyền tự quyết hay không?

Lê Dung Anh

*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả 

Bài mới
Đọc nhiều