Những đứa trẻ ngoan và bài học thấm thía về sự trung thực
Nhặt được chiếc ví, kiểm tra bên trong có gần 14 triệu đồng, hai nữ sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo nhà trường để trả lại người đánh rơi.
So với “biển” thông tin mỗi ngày mà chúng ta nhận được thì đây có vẻ không phải là một thông tin “giật gân” hay “gây sốt” nhưng lại rất đáng lưu tâm và cần lan toả.
Bài viết của phóng viên Duy Tuyên cho biết, khoảng 18h ngày 21/12, em Lương Thị Huyền và Lê Huyền My, học sinh lớp sinh 10E, Trường THPT Dân tộc nội trú Thanh Hóa đã nhặt được chiếc ví trên đường Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa.
Khi mở ví ra, hai nữ sinh thấy bên trong có một số tiền lớn, nên đã mang về báo cáo với thầy cô giáo nhà trường. Sau khi tiếp nhận tài sản do học sinh nhặt được, các thầy cô giáo đã mở chiếc ví ra đếm số tiền thì có 13.838.000 đồng.
Do trong ví không có giấy tờ tùy thân của người đánh rơi mà chỉ có một phiếu mua hàng ghi số điện thoại, nên nhà trường đã liên lạc theo số điện thoại trong phiếu, đồng thời báo tin cho Công an phường Đông Sơn để trả lại số tài sản nêu trên. Công an phường Đông Sơn đã xác minh và làm thủ tục trao trả lại cho người chủ chiếc ví nói trên.
Trong những bài viết trước cũng về đề tài “nhặt được của rơi, tìm người trả lại”, người viết nhiều lần nhấn mạnh không chỉ về sự ngay thẳng, lương thiện mà còn là bản lĩnh của những “người tốt” khi ở vào hoàn cảnh đó. Riêng với trường hợp hai em Lương Thị Huyền và Lê Huyền My, người viết thực sự khâm phục và cảm kích các em.
Đối với những học sinh trường dân tộc nội trú (đa số đều có hoàn cảnh khó khăn) thì gần 14 triệu đồng là một con số quá lớn. Thế nhưng, có một chi tiết rất đáng nể trọng, đó là các em khi nhặt được ví, biết ví có tiền, hai em đã lập tức mang về báo cáo thầy cô. Nói cách khác, hai em không hề quan tâm, không tò mò có bao nhiêu tiền, có những tài sản gì trong chiếc ví kia.
Tôi nghĩ, phàm là “con người” thì ít nhiều ai cũng có lòng tham, nhưng ở Huyền và My, lòng tham thậm chí còn chưa có cơ hội khởi phát. Trước tình huống nhặt được ví, hai em đã hành động rất dứt khoát như một lẽ đương nhiên.
Chính bởi vậy, cùng với sự cảm kích dành cho các em, tôi cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn đối với gia đình hai em, đối với những người thầy, người cô đã nuôi dạy các em có ngày hôm nay.
Tôi cho rằng, một nền giáo dục thành công không chỉ nhìn vào thành tích là những “bảng vàng” huy chương, những tấm bằng khen, giấy khen chói lọi, mà hơn thế, sứ mệnh của giáo dục còn phải mang đến cho đời những con người thực sự lương thiện, trung thực, ngay thẳng, giàu lòng tự trọng.
Bởi, trong cuộc sống, cám dỗ vật chất nhiều khi không chỉ là 1 chiếc ví chứa gần 14 triệu đồng tưởng như “trên trời rơi xuống” mà có thể còn những tài sản, quyền lợi khác hấp dẫn, “lấp lánh” hơn gấp nhiều lần, khơi dậy lòng tham, sự chiếm đoạt.
Khi người ta đối diện với những cám dỗ đó, “chỉ trời biết, đất biết, anh biết và tôi biết” thì quả thực, không phải ai cũng có thể vô tư, ngay thẳng được như hai em học sinh ấy.
Đó là chưa kể, có không ít người “danh cao vọng trọng” nhưng không giữ được mình, vẫn tìm đủ cách để vun vén lợi ích riêng, bất chấp luật pháp và danh dự. Chuyện “dê nhầm nhà, gà đi lạc”, nhà tình nghĩa trao nhầm người, hàng cứu đói đến nhầm địa điểm… xưa nay không hiếm.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, cộng với sự nghiêm minh của luật pháp thì nền tảng giáo dục của xã hội nếu có thể giúp mọi đứa trẻ rèn luyện được tính cách trung thực, không bao giờ dụng tâm chiếm giữ của người khác làm của riêng thì chắc chắn sau này cũng ít đi những người lớn không ngay thẳng, bớt đi những hành vi sai lầm.
Bích Diệp/DT