Những dự luật được ‘gửi gắm’ Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ mới
Đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội khóa mới tiếp tục xem xét luật về Hội, sửa đổi Luật Đất đai, xây dựng Luật Tự phê bình và phê bình.
Trong hai ngày thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, nhiều đại biểu bày tỏ sự trăn trở với công tác lập pháp.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận) cho biết, nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết. Trong nhiệm kỳ tới, ông mong Chính phủ tiếp tục phát huy và “thực sự quan tâm” nâng chất lượng xây dựng, sửa đổi các dự án luật.
“Để Chính phủ thực sự kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, theo tôi, trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần quan tâm xây dựng hai dự án Luật gồm Thực hành dân chủ ở cơ sở và Tự phê bình và phê bình“, ông Việt đề xuất.
Ông giải thích, đề xuất này hoàn toàn có cơ sở vì hiện đã có pháp lệnh và các nghị định về thực hành dân chủ ở cơ sở; có tác phẩm “Tự chỉ trích” – một mẫu mực về đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ; có bài báo về tự phê bình và phê bình, tác phẩm “sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Chỉ khi có luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, chính quyền mới thực sự là của dân, do dân, vì dân. Chúng ta phải xử lý được câu chuyện dân đến khiếu nại, tố cáo mà thực tế có nguyên nhân do thực hiện chưa tốt dân chủ ở cơ sở. Còn luật tự phê bình và phê bình là để cán bộ, công chức, viên chức tự soi lại mình để dân tin”, ông Bắc Việt nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho hay, hiện việc xây dựng, soạn thảo các đạo luật Quốc hội đang giao cho Chính phủ và các bộ, ngành chuẩn bị. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, chất lượng các đạo luật, không để nhiều dự thảo luật khi trình còn thiếu sót, gây bức xúc trong xã hội, hoặc vừa ban hành đã phải dừng lại để sửa đổi, “cần phải có một cách làm khác, một quy trình minh bạch hơn”.
Theo đó, các luật sửa đổi cần nhấn mạnh những điểm mới, so sánh với luật cũ; đánh giá tác động rõ ràng, tường minh; tránh lợi ích nhóm, tránh tư duy địa phương, cục bộ. Lộ trình xây dựng luật mà Quốc hội đề ra cần tuyệt đối bảo đảm, nếu không giữ được lộ trình đó cần phải giải trình tường minh trước Quốc hội.
“Luật về Hội đã được thảo luận tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa này, nhưng tôi không chắc đến Quốc hội khóa sau đạo luật này có được đưa ra thảo luận lần hai hay không? Hay Luật Khám bệnh gần đây có trong chương trình nghị sự nhưng lại bị đưa ra vào phút chót”, ông Hiếu nói, bày tỏ mong muốn ngay trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, những luật này sẽ có trong danh sách được đưa vào sửa đổi đầu tiên.
Đây cũng là băn khoăn của đại biểu Dương Trung Quốc. Ông nói, ngay khi Quốc hội khóa đầu tiên triệu tập, thời gian chỉ cho phép thông qua được Hiến pháp và Bộ luật rất cơ bản là Luật Lao động, sau đó chiến tranh bùng nổ. Khi đó, đất nước đã có sắc lệnh, những văn bản dưới Hiến pháp liên quan đến quyền con người, theo cách nói bây giờ là liên quan quyền biểu tình, quyền hội họp, lập hội…
Theo nhà nghiên cứu lịch sử này, Hiến pháp 13 đã cố gắng đưa ra mục tiêu nhanh chóng thực hiện những quyền ấy bằng việc xây dựng luật pháp, nhưng mới chỉ có vấn đề trưng cầu dân ý được thông qua và chưa bao giờ được áp dụng. Trong khi đó, rất nhiều luật khác rất quan trọng, “đang là đòi hỏi của đời sống ngày thì vẫn bị vẫn né tránh”.
“Tôi nói chữ ‘né tránh’ bởi vì mỗi lần Quốc hội đặt vấn đề thì đều được trả lời đơn giản là ‘Chính phủ chưa hoàn thành, chưa làm xong’. Chúng ta vừa phải thấy mặt khó khăn, những nhạy cảm của những luật đó, nhưng không vì thế mà không làm. Tôi rất mong rằng nhiệm kỳ tới chúng ra sẽ hoàn thiện Hiến pháp”, ông Quốc nói.
Đại biểu Ngô Sách Thực (Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cũng đề nghị Quốc hội khóa mới tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, theo đó công dân được làm những điều mà pháp luật không cấm.
“Phải hoàn thiện chính sách, cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Để phát huy các hình thức giám sát, nhiệm kỳ tới cần xây dựng Luật Giám sát nhân dân“, ông nói.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường) đề nghị Quốc hội nhiệm kỳ khoá XV yêu cầu Chính phủ xây dựng Luật Dịch vụ công, Luật Bảo vệ động vật hoang dã, Luật Nghi lễ, nghi thức, quốc phục, quốc hoa; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và Luật Thủ đô để đảm bảo hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ trong xây dựng, phát triển nền văn hóa, bảo vệ sức khỏe nhân dân, phát huy truyền thống dân tộc.
“Nếu chúng ta không quan tâm đến vấn đề văn hóa truyền thống, nghi lễ, quốc phục, quốc hoa thì vô hình chung sẽ có những hiện tượng xâm lăng văn hóa”, bà Khánh nói và cho biết, đơn cử như áo dài truyền thống Việt Nam, do các cơ quan nhà nước chưa thực sự quan tâm nên trên thị trường bán đủ loại cách tân, hầu hết từ Trung Quốc.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Quốc hội khóa mới đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Đất đai. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy (Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho rằng các sai phạm trong quản lý tài nguyên, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản ở nhiều nơi không chỉ ở mức “buông lỏng” mà cần nhìn nhận thẳng thắn là “nghiêm trọng” và có hệ thống. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá đúng thực trạng, tìm giải pháp chấn chỉnh.
Bà Thúy nhận định, những quy định chưa phù hợp của Luật Đất đai là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, khiếu kiện dai dẳng trong lĩnh vực này. Chính phủ đã trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi việc sửa đổi Luật, đến nay hết khóa vẫn chưa trình Quốc hội được dự thảo.
Dẫn ý kiến cử tri, đại biểu Kim Thúy phản ánh thông tin về đất đai ở nhiều địa phương còn thiếu minh bạch; các nước công khai bản đồ địa chính từ lâu, dân đến nộp ít lệ phí là xem được, còn “chúng ta không thực hiện nghiêm túc quy định về công khai, dẫn đến đủ loại rủi ro, thiệt hại lớn nhất thuộc về người dân”.
Bà Thúy lấy ví dụ, vụ án Công ty địa ốc Alibaba lừa bán dự án “ma” cho hàng nghìn khách hàng, nếu người dân được cung cấp thông tin về quy hoạch đất đai và tính pháp lý của từng khu vực thật tốt thì có thể đã không xảy ra vụ án như vậy. “Tôi mong Chính phủ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết khắc phục tình trạng này”, bà Kim Thúy nhấn mạnh.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Chính phủ nỗ lực trình dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, vì Luật này “đang có nhiều vấn đề chồng chéo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất”.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Phó đoàn Ninh Bình) đề nghị Chính phủ khóa mới khi giải thích về những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm “không đổ lỗi cho chính sách, pháp luật không thống nhất, không đồng bộ, bất cập”.
“Có lẽ là pháp luật không biết cãi cho nên hễ có lỗi thì lại đổ cho pháp luật”, ông nói, nhấn mạnh rằng Chính phủ sử dụng pháp luật để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước. Quá trình đó, Chính phủ hiểu rõ nhất pháp luật không thống nhất ở chỗ nào, bất cập ở đâu và cần phải sửa những gì, từ đó đề xuất Quốc hội sửa đổi chính sách cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
“Quốc hội mỗi năm họp 2 kỳ, có thể sửa một điều, sửa một số điều và thậm chí một luật sửa nhiều luật. Thế nhưng, pháp luật vẫn không được sửa đổi kịp thời gây khó cho doanh nghiệp, người dân và cản trở sự phát triển của đất nước. Người dân nghi ngờ, phải chăng có lợi ích từ phía sau và việc chậm sửa đổi chính sách pháp luật là để còn kẽ hở làm lợi cho một số người”, ông Phương nói.
Hoàng Thùy