+
Aa
-
like
comment

Những dự báo đáng trông đợi từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng

An Diễm - 11/05/2022 15:09

Với quá trình phát triển đầy ấn tượng, trải qua nhiều giai đoạn “lửa thử vàng” thì chuyến công du Mỹ sắp tới của Thủ tướng Phạm Minh Chính được dự báo sẽ là một dấu ấn quan trọng, đánh dấu bước tiến vượt bậc trong mối quan hệ Việt – Mỹ.

Mối quan hệ Việt – Mỹ đã đi từ một lịch sử xung đột và chia rẽ đến quan hệ đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế và giao lưu nhân dân, cũng như nỗ lực giải quyết các vấn đề chiến tranh để lại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris

Tháng 8/2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến công du Việt Nam đã kí kết một thỏa thuận về địa điểm Đại sứ quán mới của Mỹ tại Việt Nam. Đáng chú ý, với giá trị lên tới 1,2 tỷ đô la và thời gian thuê 99 năm, đây sẽ là tòa đại sứ lớn nhất của Mỹ trên thế giới. Điều này chứng tỏ Mỹ cần phải có 1 bộ máy, bao gồm cả tòa nhà lớn hơn, đủ để thực hiện nhiệm vụ quan trọng hơn do đà quan hệ hai nước đã tạo ra.

Trong nhiều cuộc tiếp xúc gần đây, phía Mỹ luôn khẳng định: “cam kết của Mỹ về việc tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”, đây là tiền đề không thể thiếu trong việc xây dựng lòng tin, “tăng cường hợp tác”.

Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Knapper mới đây phát biểu rằng, đã đến lúc nâng cấp quan hệ hai nước, đã gần 10 năm hai nước xác lập quan hệ lên đối tác toàn diện. Việc nâng cấp quan hệ không chỉ thể hiện chính xác quan hệ giữa hai nước hiện nay mà còn mở ra cơ hội làm sâu sắc hơn, mở ra cơ hội mở rộng hợp tác giữa hai bên: Tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, chính trị – an ninh, kinh tế, năng lượng… “Nếu đây không phải là quan hệ đối tác chiến lược thì tôi không biết như thế nào mới là chiến lược” – Đại sứ Knapper nói.

Như vậy có thể dự đoán chắc chắn rằng chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng sẽ tạo đà, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, và kỳ vọng sẽ có những tham vấn chính thức về việc nâng cấp quan hệ trong một tương lai không xa.

Quan hệ kinh tế và kinh doanh giữa Mỹ và Việt Nam đang trong một thời điểm quan trọng đối với mỗi nước. Trong đó, quan hệ thương mại là một trong những thành quả lớn nhất của hai nước. Dù chịu tác động của dịch Covid-19, thương mại song phương Mỹ – Việt Nam vẫn đạt gần 113 tỉ USD vào năm 2021, tăng 26% so với năm 2020.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP26

Năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP26 với những cam kết về nền kinh tế xanh, không khí thải. Và trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 2 vừa qua, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ John Kerry tuyên bố thập kỷ này sẽ là thập kỷ hành động vì khí hậu. Đây là lĩnh vực mà hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác để phát triển kinh tế Việt Nam bền vững trước các thách thức của biến đổi khí hậu, ví dụ như tại các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường bị xâm hại mặn ảnh hưởng năng suất nông nghiệp, hay các khu vực khác thường bị khô hạn. Mỹ là đối tác bền bỉ của Việt Nam trong những nỗ lực này, không chỉ trong nhiều năm mà nhiều thập kỷ tới.

Đại sứ Mỹ Knapper khẳng định Mỹ là một đối tác mạnh mẽ của Việt Nam trong suốt đại dịch Covid-19 và sẽ tiếp tục hợp tác để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Ông cho rằng có nhiều cơ hội to lớn để “chúng ta làm sâu sắc thêm và mở rộng quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam, Phái đoàn Ngoại giao Mỹ và các khu vực tư nhân của chúng ta để hỗ trợ các mục tiêu chung tại Việt Nam là xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và tăng trưởng bền vững; phát triển nền kinh tế số phù hợp với thông lệ toàn cầu, đồng thời đưa các sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp thế giới của Mỹ đến Việt Nam để hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam”.

Trong đoàn công tác đi cùng Thủ tướng lần này có nhiều lãnh đạo cấp cao nhất ở các Bộ, Ban, ngành, dự báo sẽ rất nhiều hiệp định đầu tư kinh tế được ký kết.

Mỹ cung cấp vaccine cho Việt Nam

Trong giai đoạn hiện nay, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và ổn định, ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực ngày một tăng. Quan điểm và đường lối đấu tranh trên biển của Việt Nam song trùng với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, tức là đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, hòa bình, ổn định với trật tự dựa trên luật lệ.

Tháng 7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam. Hai bên thống nhất tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo các nội dung trong Bản Ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng ký năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng ký năm 2015. Đầu tháng 4/2022 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng có buổi tiếp Cố vấn cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong một diễn biến khác, Đại sứ Mỹ Marc Knapper mới đây cho biết đang sẵn sàng chuyển giao tàu thứ 3.

Xét về mong muốn của cả hai phía, có thể dự đoán hai nước sẽ khởi động những dự án mới trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, tham gia các sứ mệnh Gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Tuy Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam nhưng có vẻ việc này sẽ không diễn ra trong tương lai gần, trước mắt hai nước chỉ tập trung vào những gói hỗ trợ giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải.

Như vậy có thể dự đoán chắc chắn rằng chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng sẽ tạo đà, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực về kinh tế, chính trị, quốc phòng. Một nhà báo đã từng mạnh dạn hỏi liệu hai nước có nâng cấp quan hệ trong năm 2023? Và Đại sứ Mỹ Knapper cho biết, ông không thể đưa ra thời điểm cụ thể do điều này còn phụ thuộc các cuộc làm việc giữa hai bên, nhưng ông mong điều này thành hiện thực càng sớm càng tốt. Vị đại sứ này đã khẳng định rằng, “Chỉ có bầu trời là giới hạn trong quan hệ hai nước”.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều