+
Aa
-
like
comment

Những dự án giao thông trọng điểm nào của TP.HCM được đẩy nhanh sau nới lỏng giãn cách?

17/10/2021 06:58

Nhiều công trình giao thông trọng điểm sau khi được khôi phục thi công trở lại từ đầu tháng 10 trong điều kiện thích ứng, an toàn kiểm soát hiệu quả Covid-19 và phục hồi kinh tế – xã hội.

Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Phan Công Bằng cho biết Metro Số 1, cầu Thủ Thiêm 2, cầu Hang Ngoài, cầu Bưng… là những dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ sau khi dịch được kiểm soát, theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP HCM.

– Covid-19 kéo dài suốt nhiều tháng qua ảnh hưởng thế nào tiến độ các công trình giao thông ở TP HCM, thưa ông?

– Từ cuối tháng 4 khi đợt dịch thứ tư bùng phát tại TP HCM, nhân công tại nhiều công trình giao thông liên tục sụt giảm, một phần do họ về quê tránh dịch, một phần nhiều người trong khu phong toả không thể đến công trường. Tại nhiều công trình khi xuất hiện F0, F1, buộc phải xét nghiệm tổng thể và tổ chức cách ly, làm gián đoạn quá trình triển khai.

Cầu Thủ Thiêm 2 hợp long hồi tháng 9 nối TP Thủ Đức qua quận 1. Ảnh: Gia Minh
Cầu Thủ Thiêm 2 hợp long hồi tháng 9 nối TP Thủ Đức qua quận 1.

Ngày 9/7, TP HCM và sau đó 18 tỉnh thành phía Nam thực hiện Chỉ thị 16, việc huy động máy móc, thiết bị, vật liệu trở nên khó khăn khi hầu hết điểm cung cấp đều ngưng. Thành phố phải dừng toàn bộ các công trình, chỉ duy trì các dự án trọng điểm, cấp bách như: Metro Số 1, cầu Thủ Thiêm 2, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất ở Khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ…

Các dự án được hoạt động phải thực hiện “3 tại chỗ”, “một cung đường – 2 điểm đến”. Tuy nhiên, khi triển khai kéo dài gây ra khó khăn cho các chủ đầu tư, nhà thầu. Đặc biệt, tại nhiều công trình cần huy động chuyên gia, kỹ sư để xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh cũng rất khó. Do đó thời gian qua, cơ bản chỉ cầu Thủ Thiêm 2 đảm bảo tiến độ, còn lại hầu hết phải thi công cầm chừng.

– Đầu tháng 10, TP HCM khởi động lại nhiều dự án. Điều kiện để các công trình được triển khai là gì?

– Các công trình được thi công phải nằm ở “vùng xanh”, khu vực “bình thường mới” sau khi thành phố ban hành các tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch. Những dự án khi hoạt động trở lại phải đảm bảo toàn bộ lao động có thẻ xanh Covid, tuân thủ 5K, xét nghiệm định kỳ. Trước khi triển khai, chủ đầu tư phải lập phương án phòng chống dịch và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn.

Các nhóm dự án được thi công gồm: phục vụ phòng chống dịch; dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của thành phố; công trình thực hiện theo lệnh khẩn cấp; phục vụ quốc phòng, an ninh đã triển khai. Kế đến là các nhóm công trình phục vụ sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp; công trình sắp hoàn thành với khối lượng đạt trên 80%; công trình đang thi công bắt buộc phải tiếp tục…

Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Phan Công Bằng trả lời VnExpress hôm 30/9. Ảnh: Hạ Giang
Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Phan Công Bằng.

– Việc TP HCM nới lỏng giãn cách đã tạo điều kiện như thế nào cho các dự án đẩy nhanh tiến độ?

– Từ ngày 1/10, TP HCM áp dụng Chỉ thị 18, ngoài công trình xây dựng, nhiều ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt xã hội… được hoạt động. Điều này giúp khôi phục chuỗi liên kết giữa các lĩnh vực, như cung ứng các dịch vụ, mua bán, vận chuyển… Tỷ lệ tiêm vaccine tại thành phố hiện rất cao giúp huy động nhân công cho các công trường. Khi áp dụng thẻ xanh Covid, các công trình không cần thực hiện “3 tại chỗ”, giúp giảm khó khăn trong tổ chức thi công.

Đến cuối năm nay, thành phố có 11 gói thầu, dự án hoàn thành như: sửa chữa, nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (huyện Hóc Môn), đường và kênh Nước Đen (quận Bình Tân); cầu Hang Ngoài (quận Gò Vấp); cầu vượt ở bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức); một nhánh cầu Bưng (tiếp giáp quận Tân Phú, Bình Tân)… Dự án Metro Số 1 cũng lên kế hoạch bổ sung nhân sự, đẩy nhanh tiến độ các gói thầu. Riêng cầu Thủ Thiêm 2 đã hợp long, dự kiến hoàn thành dịp 30/4 năm sau.

– Thành phố đưa ra giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ các dự án sau thời gian dài tạm ngưng?

– Các chủ đầu tư đang gặp khó khăn khi chưa thể lập tức huy động nhân công đang thiếu hụt tại nhiều công trình. Vì vậy từ đầu tháng 10, song song tổ chức cho lực lượng tại chỗ thi công trở lại, giải pháp huy động lao động cho các dự án được ngành giao thông tập trung giải quyết. Sở Giao thông Vận tải hiện là đầu mối phối hợp các sở ngành, quận huyện và ngành giao thông tỉnh thành khác lên phương án đón lao động trở lại TP HCM làm việc.

Mới đây, Sở Giao thông Vận tải cũng làm việc với các chủ đầu tư lớn để đánh giá vướng mắc liên quan vận chuyển vật liệu, từ đó làm việc với các địa phương tháo gỡ. Đầu tháng 10, Sở Giao thông Vận tải cùng các chủ đầu tư, chính quyền quận huyện trên địa bàn thành phố cũng “xốc lại” giải quyết vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng ở các dự án giao thông nhằm sớm khắc phục.

Công nhân thi công tại dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), hồi giữa tháng 7 khi TP HCM mới thực hiện Chỉ thị 16. Ảnh: Gia Minh
Công nhân thi công tại dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), hồi giữa tháng 7 khi TP HCM mới thực hiện Chỉ thị 16.

– Một trong yếu tố quan trọng để thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông là vốn đầu tư. Thành phố có kế hoạch huy động và bố trí vốn cho các công trình giao thông ra sao?

– Thời gian qua, lĩnh vực giao thông được thành phố ưu tiên bố trí vốn để triển khai nhiều dự án trọng điểm. Trong 142.000 tỷ đồng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách TP HCM, vốn dành cho lĩnh vực giao thông dự kiến khoảng 33.000 tỷ đồng, chiếm 23%. Tuy nhiên, con số này cơ bản đáp ứng các dự án cũ còn dang dở, rất khó cân đối cho dự án mới.

Nguồn vốn hạn hẹp nên trước đó thành phố phải cắt giảm khoảng 16.000 tỷ đồng tổng nhu cầu của nhiều dự án đã thông qua chủ trương đầu tư nhưng chưa khởi công, nhằm ưu tiên hoàn thành công trình cấp thiết hơn đang bị đình trệ. Trong bối cảnh Covid-19 kéo dài nhiều tháng, ngân sách đang ưu tiên cho phòng chống dịch nên việc bố trí kinh phí cho các dự án càng trở ngại.

Vừa qua, ngành giao thông thành phố xây dựng danh mục 9 nhóm dự án đến năm 2025 và đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư. Tổng nhu cầu vốn cho 9 nhóm dự án ước tính hơn 675.000 tỷ đồng. Thành phố đang rà soát để tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các tuyến Vành đai 2, 3, cao tốc TP HCM – Mộc Bài; nút giao An Phú…

Minh Anh

Bài mới
Đọc nhiều