Những điều nên “kiêng kỵ” trong 3 ngày Tết Nguyên đán
Trong 3 ngày Tết nếu bị vỡ gương, chúng ta lập tức thắp ngay một ngọn nến, đồng thời gom mảnh vỡ gương vào một mảnh vải đỏ sạch, chôn dưới đất.
Những vấn đề kiêng kỵ trong 3 ngày Tết Nguyên đán chúng ta cần có sự chọn lựa, chọn lọc trên cơ sở vừa là phong tục tập quá lâu đời, nhưng vừa có đủ thông thái để nhận ra điều kiêng kỵ nào không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại bây giờ.
Trong sách cổ ghi, trong 3 ngày Tết, không được nói những lời “khẩu nghiệp”, làm tổn thương người khác. Đầu năm mới nên nói “lời hoa ý ngọc”, lời nói vui vẻ để mọi người tràn đầy năng lượng.
Ngoài ra, sách xưa ghi trong 3 ngày Tết không mặc trang phục trắng đi với đen. Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do, như công việc, chẳng hạn doanh nghiệp nước ngoài làm việc bình thường mùng 2 – 3 Tết, nếu phải kiêng như vậy thì rất khó. Vậy nên, chúng ta có thể kết hợp thêm cà vạt đỏ (với nam) và nơ đỏ (với nữ) thì sẽ “hóa giải” được, chứ không nhất nhất phải kiêng mặc màu trắng, đen trong 3 ngày Tết.
Ngày đầu năm cũng kiêng cho vay mượn, hay đi hỏi vay. Song điều này mang tính chất cá nhân, còn với doanh nghiệp thì không phù hợp, nhất là với công ty mảng tài chính.
Người ta còn kiêng làm vỡ đồ ngày đầu năm. Tuy nhiên, có nhiều tình huống bất khả kháng như trẻ em nô đùa làm rơi vỡ, do đó không nên nặng nề điều này. Khi làm vỡ đồ, chúng ta gói những đồ bị vỡ vào một mảnh vải đó.
Riêng việc bị vỡ gương vào ngày Tết thì cầu kỳ hơn một chút. Khi vỡ gương, chúng ta lập tức thắp ngay một ngọn nến, đồng thời gom mảnh vỡ gương vào một mảnh vải đỏ sạch, chôn dưới đất.
Bàn thờ ngày Tết không để bị tối tăm mà phải luôn đỏ hương, nhà cửa luôn sáng sủa, với gia chủ có cầu thang đi lên thì không tiếc điện mà bật đèn thường xuyên khi trời tối. Từ đó giúp không gian được tốt lành, an hòa.
3 ngày đầu năm, gia chủ không nên đun những thứ tanh, hôi, như mắm tôm, chưng nước mắm…
Nên có những xâu quả ớt, tỏi, hành treo ở trong bếp.
Chúng ta có tập tục “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, gia chủ nên mua vôi để vào bình và bình này để ở góc bếp, giúp tăng cường năng lượng cho phòng bếp.
Phong tục xưa khuyên kiêng sát sinh, quét nhà, vứt rác những ngày Tết.
Riêng với vấn đề “sát sinh”, cần kiêng trong 3 ngày Tết.
Trong việc thờ cúng tổ tiên, ban thờ luôn phải đỏ hương, hoa nếu hơi có mùi hôi phải thay (nhất là hoa cúc). Khi bày mâm lễ tránh án ngữ và quá sát bát hương, nên để xa bát hương, tạo khoảng thoáng.
Trong ngày Tết, rượu nếu bày ra chén thì gia chủ lưu ý phải thay, còn các đồ bày trên ban thờ như chai rượu, bánh kẹo, mâm ngũ quả giữ nguyên.
Mùng 1 tết nên kiêng gì
Theo quan niệm của người xưa, vào ngày đầu năm, không nên nói những điều xui rủi hay cãi vã to tiếng.
Kiêng quét nhà, hót rác: Theo quan niệm dân gian, trong 3 ngày đầu năm mới, nên kiêng quét nhà và hót rác.
Kiêng cho lửa, nước: Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, người ta rất kỵ người khác đến nhà mình xin lửa. Có quan niệm cho rằng, lửa tượng trưng cho may mắn, còn nước tượng trưng cho tài lộc, do đó đầu năm người ta không cho đi những thứ này kẻo mất vận may của bản thân.
Không mặc quần áo có màu trắng và màu đen phối hợp với nhau: Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, nếu ai thích mặc tông trắng, đen thì phải có cà vạt màu đỏ, hoặc và vạt màu xanh lá cây, để giúp tạo sinh khí cho bộ trang phục của chúng ta. Với phụ nữ, nếu mặc váy đen, trắng thì có thể kết hợp khăn màu dương tính, tươi tắn như đỏ, cam, hồng, tím, xanh là cây…
Không động thổ, khởi công: Chuyên gia Song Hà nêu, quan niệm có thể động thổ hay khởi công vào ngày mùng 1, 2, 3 Tết là không chính xác, các việc này chỉ nên tiến hành sau ngày Rằm tháng Giêng.
Không lì xì 4 phong bao: Theo chuyên gia Song Hà, dù nhà có bao nhiêu người cũng không nên mừng tuổi 4 phong bao. Với nhà có 4 người chúng ta vẫn mừng 5 phong bao lì xì.
Người có tang không nên đi xông đất, xông nhà: Bởi họ mới trải qua những đớn đau, nên tránh xông nhà, xông đất, mở hàng năm mới. Ngoài người có tang thì người mới phá sản, mới ly hôn cũng không nên đi xông nhà.
Kiêng làm vỡ bát, đĩa: Bởi người ta quan niệm nếu vỡ bát, đĩa là sự báo hiệu việc chia cắt trong gia đình.
Kiêng vay mượn, trả nợ: Bởi sẽ đem tới vận đen cho cả người đi vay lẫn người cho vay.
Không bẻ cành, bẻ cây: Nhiều người có thói quen Giao thừa xong đi bẻ cành lộc về, đây là điều rất sai lầm. Làm như vậy là hủy hoại cây xanh, hủy hoại môi trường.
Không xê dịch đầu giường, bàn làm việc: Nhiều người xoay chuyển giường hay bàn làm việc vào 3 ngày đầu năm, nhưng đây là quan niệm sai lầm. Những việc xê dịch này cần làm trước Tết vài ngày, hoặc để sau ngày Rằm tháng Giêng.
Kiêng ăn những món ăn “xui” như cá mè, thịt vịt, thịt chó, ốc, mực…; kiêng ăn một số loại quả: sầu riêng, mít, bí. Ngoài ra, không nên ăn cháo vào sáng mùng 1 Tết.
Kiêng nói những điều xui rủi chẳng hạn như “tiêu rồi, chết mất”…, cũng không nên than thở.
Kiêng cãi vã, to tiếng, gở mồm vào ngày đầu năm: Bởi nếu cãi vã ngay trong ngày đầu năm thì sẽ làm cho cả năm lục đục, mất hòa khí trong gia đình.
Khai Tâm