Những điều chưa từng có trong lịch sử chống dịch bệnh ở Việt Nam
Còn hơn một cuộc chiến thần tốc, nhất là khi lại diễn ra vào thời gian cả nước nghỉ Tết Nguyên đán, đến nay qua 10 ngày sôi sục chống “giặc” Corona, đã có hàng loạt hành động, công văn, văn bản của Thủ tướng và Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV…
Chỉ trong ba ngày từ 28-31/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành liên tiếp 2 Chỉ thị, điều chưa từng có trong lịch sử chống dịch. Và chỉ trong vỏn vẹn một ngày, cũng là chưa từng có từ trước đến nay, một Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona gây ra, được thành lập do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Từ rất sớm, Chính phủ đưa ra thông điệp về tăng cường phòng chống dịch bệnh, không để người dân hoảng sợ và nhanh chóng kiểm tra thuốc men, cơ sở y tế đối phó với dịch; Cơ quan y tế cập nhật thông tin về Corona thường xuyên trên trang web chính thức; khuyến cáo phòng bệnh và phác đồ điều trị cũng nhanh chóng được công bố hàng ngày và hàng giờ. Không những vậy, thiết quân luật còn được áp dụng nghiêm ngặt ở mặt trận thông tin, những người tung tin giả mạo về Corona ngay lập tức bị triệu tập, xử phạt…
Trong bối cảnh dịch bệnh đang có những diễn biến hết sức phức tạp, các cơ quan chức năng đang nỗ lực hết sức để phòng, chống thì lập tức xuất hiện ngay mầm mống của một loại “dịch” khác. Mặc dù loại “dịch” này không trực tiếp làm chết người nhưng gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch, gián tiếp tăng nguy hiểm cho người dân trước sự lây nhiễm của nCoV. Những mặt hàng phổ biến như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn lại bị các nhà thuốc nâng giá một cách trắng trợn bán đắt gấp 2 – 3 lần, thậm chí có loại tăng giá gấp 4 – 5 lần.
Kinh doanh thì phải có lời lãi, nhưng kiếm lời lãi ngay trên nỗi lo lắng về sức khỏe, tính mạng của đồng bào thì đã là vấn đề đạo đức và cần phải bị ngăn chặn. Chính vì vậy, tại Hội nghị trực tuyến về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có biện pháp mạnh tay, chỉ đạo “Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ cửa hiệu thuốc tăng giá bán khẩu trang, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó. Đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức”.
“Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong tay các cơ quan chức năng đã có thanh “thượng phương bảo kiếm” để chặt đứt đầu những “con bạch tuộc”, những kẻ kinh doanh bất nhân, kiếm lời lớn trên sự lo lắng về sức khỏe và an toàn tính mạng của nhân dân trước dịch bệnh nguy hiểm. Để kịp thời ngăn chặn tình trạng tạo sự khan hiếm, thổi giá, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn hỏa tốc gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường yêu cầu tăng cường phòng chống dịch viêm phổi cấp, trong đó yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý…
Mới đây, chủ trì cuộc họp khẩn với Ban chỉ đạo phòng chống dịch virus corona, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc” để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Câu nói ngắn gọn của người đứng đầu Chính phủ cho thấy một sự quyết tâm cao độ và một sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cho công cuộc chống virut Corona. Nói đi đôi với làm, toàn bộ các bộ ngành từ y tế, công an, quân đội, thông tin… vào cuộc với một tinh thần cao nhất. Cuộc chiến đã được triển khai với một tâm thế chủ động.
Và đâu chỉ người dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài cũng được Chính phủ giang rộng vòng tay đưa đón về trong một quy trình chăm sóc đặc biệt để không ai thấy bị bỏ rơi giữa đại dịch. Như lời chia sẻ của Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng “Quân đội sẵn sàng đón bà con về nước. Bà con được bố trí nơi ăn, chốn ở trong doanh trại và sinh hoạt theo tiêu chuẩn của quân đội. Tuy không thể thuận tiện như ở nhà hay khách sạn nhưng chấp nhận được và đặc biệt là bảo đảm điều kiện đặc biệt an toàn về dịch tễ”. Điều này không chỉ tốt cho mỗi người dân mà còn tốt cho gia đình và cả cộng đồng xã hội. Không gì hơn trong những lúc khó khăn, vòng tay của người Việt lại khiến cho những người con xa xứ cảm thấy được bảo vệ và chở che.
Những tin tức về các ca bệnh nhiễm Corona đã được chữa khỏi, sức khỏe ổn định, tiến triển tốt càng khiến chúng ta có thêm niềm tin vào y tế dự phòng nước nhà. Tình hình dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, song tin rằng với những nỗ lực, vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ và người dân mọi khó khăn nhất rồi sẽ qua. Bây giờ vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục chiến đấu với dịch Corona. Mặt khác, các bộ, ngành và địa phương cũng đừng lơ là những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cần tiếp tục duy trì nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh như lời Thủ tướng chỉ đạo “Phản ứng nhanh về kinh tế để bù đắp giảm sút do dịch Corona”. Đó là cách thức duy nhất giúp tăng sức đề kháng cho nền kinh tế để chống chọi với mọi biến cố, kể cả virus Corona.
Thế Khoa