+
Aa
-
like
comment

Những điều cần biết khi trẻ 5-11 tuổi tiêm vaccine ngừa Covid-19

14/02/2022 11:00

Việc hoàn thành tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, giúp trẻ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác, như đi học trực tiếp hay tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, GS.TS Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho biết.

Những điều phụ huynh cần biết khi trẻ 5-11 tuổi tiêm vaccine ngừa Covid-19 - Ảnh 2.
Tiêm ngừa vaccine đầy đủ sẽ khiến trẻ yên tâm đến trường và tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh: B..D

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Bộ đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Theo đó để chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, Bộ Y tế đã giao Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành khảo sát trực tuyến đối với các phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Khảo sát hơn 415.000 phụ huynh tham gia đã cho kết quả: 60,6% đồng ý; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý.

Chính phủ cũng đã đồng ý mua 21,9 triệu liều vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều về việc có cần thiết phải tiêm cho trẻ lứa tuổi này không?

Về vấn đề này GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, khi mắc Covid-19 dù ở lứa tuổi nào thì bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng cho đến nhập viện nặng, tử vong. Với trẻ em qua theo dõi thì thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng.

Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Những trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới. Ngoài ra, việc tiêm vaccine không chỉ bảo vệ bản thân trẻ mà còn giảm đi sự lây nhiễm.

Cục trưởng Phan Trọng Lân cũng cho biết, hiện nay qua theo dõi với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm nhiều hơn ở trẻ em đặc biệt chưa tiêm chủng.

“Vì vậy, việc tiêm chủng này có ý nghĩa rất lớn, hạn chế lây nhiễm và giảm đi được lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, chống chỉ định tiêm chủng và những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Và khi được tiêm chủng, trẻ cũng sẽ tự tin hơn khi tham gia các hoạt động khác”, GS.TS Phan Trọng Lân nhấn mạnh.

Theo PGS.TS.BS Phùng Thế Nguyên, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, nghiên cứu được đăng trên The New England Journal of Medicine cho thấy vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi an toàn, hiệu quả, và có tính sinh miễn dịch cao như người lớn.

Một số tác dụng sau tiêm: đau chỗ tiêm (71-74%), sốt (8,3%), mệt mỏi (0,9%), đau đầu (0,3%), đau cơ (0,1%) các phản ứng này hết sau 2-3 ngày. Cho đến nay chưa ghi nhận báo cáo nào về viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim sau chủng ngừa cho tuổi này.

Nghiên cứu ban đầu không ghi nhận trẻ nào ở nhóm tuổi này xảy ra phản vệ. Tuy vậy, phản vệ hoàn toàn có thể, đây là biến chứng sớm, xảy ra ngay sau chích ngừa và có thể tử vong ở tất cả các loại vaccine Covid-19 và cả vaccine của vi khuẩn, virus khác. Phản vệ là biến chứng phòng ngừa và điều trị được bằng cách chuẩn bị tốt, tập huấn chẩn đoán và xử trí phản vệ tốt.

Những điều phụ huynh cần biết khi trẻ 5-11 tuổi tiêm vaccine ngừa Covid-19 - Ảnh 1.
Một trẻ bị Covid-19 nặng tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Ảnh: BVCC

BS Nguyên cho biết, trên 80% trẻ mắc Covid-19 nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, trẻ mắc vẫn nặng và tỷ lệ trong 1 khảo sát ở trẻ nhập viện tại 1 nghiên cứu của Việt Nam là khoảng 12% (tỷ lệ nặng cao nhất khi có bệnh nền và béo phì). Tỷ lệ mắc của trẻ em gia tăng gần đây ở một số nước và gia tăng tỷ lệ nhập viện của tuổi này.

65,4% trẻ có hội chứng viêm đa hệ thống liên quan Covid-19, thường xảy ra 2-6 tuần sau nhiễm SARS-CoV-2, dù có hay không có triệu chứng. Đây là hội chứng nặng, có thể tử vong (khoảng 2%) và có thể có di chứng về sau trên chức năng tim và giãn mạch vành.

Hậu Covid-19 có thể ảnh hưởng đến tâm lý, khả năng học tập và sinh hoạt của trẻ. Trẻ không được đến trường vì chưa chích ngừa, vì sợ mắc bệnh, sợ bệnh nặng, sợ mắc và lây cho các thành viên khác trong gia đình nhất là trong gia đình có người già, có người có bệnh nền… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển tâm lý, thể chất và hội nhập của trẻ.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều