Những điểm sáng trong dự báo về nền kinh tế Việt Nam năm 2023

Trong báo cáo Cập nhật Kinh tế vĩ mô tháng 12 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nhận định bất chấp bức tranh ảm đảm của nền kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn là hình ảnh tương phản so với các nước làng giềng. Tuy nhiên, khó khăn chung của các đối tác vẫn sẽ mang lại những thách thức cho Việt Nam nói riêng và toàn khu vực châu Á nói chung.

Trong báo cáo tháng 12/2022, WB đánh giá cả hai động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam gồm xuất khẩu và nhu cầu trong nước đều đang chững lại, đồng thời tiêu dùng hậu thời kỳ dịch bệnh COVID-19 cũng đang có dấu hiệu phục hồi chậm. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng sản xuất công nghiệp giảm còn 5,3% trong tháng 11, thấp nhất kể từ tháng 2 năm nay.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực chế tạo – chế biến lần đầu trượt về vùng suy giảm, thấp hơn mốc 50 điểm, kể từ tháng 10-2021. Doanh số bán lẻ được đánh giá vẫn ở mức cao, nhưng tốc độ tăng đang giảm dần, đạt 17,5% trong tháng 10-2022 so với 20,7% của cùng kỳ năm trước.

Giới quan sát hầu hết nhìn nhận rằng các thách thức cho kinh tế Việt Nam chủ yếu xuất phát từ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, khi các thị trường đối tác của Việt Nam đa số gặp khó khăn. Đại dịch COVID-19, cuộc chiến ở Ukraine, giá năng lượng leo thang, lạm phát cao, cũng như việc các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thắt chặt chính sách tiền tệ đang khiến nhiều nền kinh tế lớn lao đao, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.

Trong bối cảnh này, kinh tế Việt Nam được xem là một điểm sáng. Trong báo cáo mới nhất công bố tuần trước, ADB hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực châu Á đang phát triển và Thái Bình Dương. Theo đó nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay và 4,6% vào năm sau.

Đối với Việt Nam, ADB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay lên 7,5%, trong khi lạm phát 2022 được điều chỉnh xuống còn 3,5%.

Tương tự, Ngân hàng đầu tư Natixis (trụ sở ở Paris, Pháp) cũng dự báo kinh tế Việt Nam 2022 tăng trưởng 7,5%. Theo bà Alicia Garcia Herrero – kinh tế trưởng phụ trách châu Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng đầu tư Natixis, Việt Nam chính là nền kinh tế châu Á phát triển nhanh nhất năm 2022.

“Với cơ sở hạ tầng cải thiện từ đường sá tới năng lượng, nhờ đầu tư mạnh mẽ trong thập kỷ qua cũng như chính sách tự do hóa thương mại, Việt Nam đã biến mình trở thành điểm đến thu hút đối với các nhà đầu tư vốn đang muốn đa dạng hóa chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc”, bà Herrero cho biết.

Các dự báo cho năm 2023 đến nay hầu hết đều theo hướng cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại, và điều này sẽ kéo nền tăng trưởng Việt Nam chậm theo, dẫu Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nước “giữ phong độ” tốt nhất.

Chuyên gia Herrero cho biết thêm, trong khi Việt Nam đã thu hút thành công sản xuất từ các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhu cầu thế giới chậm lại đã tác động đáng kể tới điều này.

“Về tăng trưởng GDP, chúng tôi kỳ vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đạt mức 6,5% trong bối cảnh tiêu dùng và xuất khẩu chậm lại, và Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ dòng vốn FDI khỏe mạnh khi các công ty tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng…”, chuyên gia này nói.

Một trong những diễn biến được chú ý nhất trong năm 2023 sẽ nằm ở khả năng phục hồi của Trung Quốc sau đại dịch. Natixis cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa từ đây đến sau tháng 3-2023, và điều này khiến doanh số bán lẻ phục hồi nhanh, tác động tích cực lên thị trường du lịch…

Ông Steven Okun, cố vấn cấp cao tại Công ty tư vấn McLarty Associates, cho rằng trong tình hình địa chính trị hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài có thể sẽ tiếp tục “tạm dừng” đầu tư mới vào Trung Quốc cũng như chuyển chuỗi sản xuất sang các nước khác, ví dụ Việt Nam.

Theo đó, việc chấm dứt chính sách “Zero Covid” ở Trung Quốc không làm thay đổi xu hướng này trong phần lớn thời gian tới. Khi các nước gồm Mỹ và đối tác cùng chí hướng hạn chế đầu tư vào Trung Quốc, Việt Nam tiếp tục có cơ hội là điểm đến thân thiện cho các công ty Mỹ, Nhật Bản và châu Âu rời khỏi Trung Quốc và đến Đông Nam Á.

“Để thu hút các hoạt động kinh doanh lớn và phức tạp hơn rời khỏi Trung Quốc hoặc tìm cách thâm nhập các thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á, Việt Nam sẽ cần tìm cách đầu tư và thu hút cả nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu tiềm năng này”, ông Okun cho hay.

“Việt Nam có vị trí thuận lợi để giảm thiểu các thách thức, đóng vai trò là một điểm đến cho các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Dân số đông đảo, trẻ trung, vị trí đắc địa khi ở gần Trung Quốc và dọc theo tuyến đường vận chuyển quan trọng, tất cả khiến Việt Nam trở thành địa điểm có khả năng cạnh tranh cao, kể cả trong môi trường vĩ mô khó khăn. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ theo dõi cách Chính phủ Việt Nam giải quyết môi trường địa chiến lược đầy thách thức này với một số lạc quan”, chuyên gia Okun bình luận.

Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, ông Andrea Coppola, có 3 áp lực mạnh đã gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021, có thể có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023. Đó là áp lực lạm phát kéo dài, điều kiện tài chính khó khăn hơn và suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc cũng như các nền kinh tế lớn khác.

Ông Andrea Coppola cũng nêu 5 nguồn rủi ro chính, có thể thành hiện thực trong năm 2023. Đó là rủi ro thắt chặt tiền tệ bổ sung; tăng trưởng chậm lại và chi phí đi vay tăng; hoạt động kinh tế yếu hơn mức dự kiến ở Trung Quốc; bất ổn địa chính trị và phân mảnh thương mại,có thể dẫn đến một làn sóng gián đoạn sản xuất mới và giá cả cao hơn, đối với hàng hóa được giao dịch trên toàn cầu và biến đổi khí hậu gây ra chi phí đáng kể.

“Nếu một hoặc nhiều rủi ro trong số này thành hiện thực, chúng ta có thể đang hướng tới một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023”, ông Andrea Coppola dự báo.

Xuất khẩu vẫn chiếm tỉ trọng đáng kể trong nền kinh tế Việt Nam, và điều này khiến Việt Nam phải đặc biệt chú ý tới biến động từ các đối tác lớn như Mỹ và EU.

“Nhu cầu ở Mỹ và EU đang giảm nhanh và điều này sẽ có tác động tiêu cực lên các nền kinh tế châu Á, đặc biệt các nước đang có độ mở lớn đối với kinh tế thế giới thông qua thương mại và đầu tư.

Trong số các nước châu Á, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ nhu cầu bên ngoài, khi xuất khẩu sang Mỹ và EU chiếm 41% tổng xuất khẩu và 38% GDP”, chuyên gia Alicia Garcia Herrero đánh giá.

Ông Francois Painchaud, Trưởng Đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào, đưa ra nhận định về những “cơn gió nghịch” cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023; bao gồm: cầu bên ngoài chậm lại, động lực xuất khẩu suy yếu và điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Theo ông, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị, áp lực lạm phát toàn cầu đã khiến cho các nước trên thế giới đã đưa ra và thực hiện nhiều chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt.

Cụ thể, từ tháng 3/2022 đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 6 lần tiến hành tăng lãi suất điều hành. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến các chính sách điều hành tiền tệ khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc theo đuổi chính sách “Zero Covid” đã khiến GDP của nước này suy giảm và có tác động lớn đến nền kinh tế của các nước Asean – vốn có mối quan hệ kinh tế lớn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Trưởng Đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF tại Việt Nam và Lào, ông Francois Painchaud, với kỳ vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng dần hạn chế và hỗ trợ tăng trưởng, năm 2023 có thể là năm mở ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế Trung Quốc và các nước Asean, mặc dù còn nhiều thử thách và khó khăn. Đây cũng là dự báo của ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng Qũy VinaCapital. Tại hội thảo do VietinBank tổ chức hôm 13/12, ông Michael Kokalari đã phân tích và dự báo tác động của việc Trung Quốc mở cửa đến kinh tế Việt Nam, đồng thời nhận định về các ngành có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2023.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra chiều 17/12/2022, ông Andrea Coppola phát biểu, Chính phủ Việt Nam có nhiệm vụ rất khó khăn và vai trò quan trọng để giảm thiểu tác động đến nền kinh tế Việt Nam và biến tình hình đầy thách thức này thành cơ hội hiện đại hóa. Bên cạnh đó, đây cũng là lúc tăng cường hơn nữa quản trị kinh tế và thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Coppola cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách cải cách cơ cấu để tiếp tục củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Để thúc đẩy tăng trưởng năng suất, tái cơ cấu có thể thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả hơn các tài sản chính của Việt Nam: vốn sản xuất, vốn nhân lực và vốn tự nhiên.

Thực hiện: Đông Duy

Đồ họa: M.N