+
Aa
-
like
comment

Những điểm sáng lạc quan trong bức tranh kinh tế quý I/2022

Diệu Hương - 01/04/2022 08:38

Nhờ sự quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua của Chính phủ, đã góp phần tạo niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp quay trở lại phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính chung quý I/2022, GDP ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020.

Bức tranh chung chuyển gam màu sáng

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh cộng thêm tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, bức tranh kinh tế – xã hội quý I của Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực.

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý I năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2022, sản xuất công nghiệp là một trong những điểm sáng lớn nhất, với giá trị tăng thêm toàn ngành so với cùng kỳ năm trước là 7,07%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%.

Điểm sáng tiếp theo số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2022 tăng 36,7% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất so với quý I từ trước đến nay. Điều này là minh chứng về sự ảnh hưởng tích cực từ Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như tỉ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao của nước ta trong giai đoạn vừa qua. Bên cạnh đó, kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất, kinh doanh quý II/2022, với 82,3% đánh giá là ổn định và tốt hơn.

Cùng với đó, tính chung quý I năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức mua của người tiêu dùng tiếp tục cho thấy đà hồi phục.

Sau một thời gian “đóng băng” do COVID-19, hoạt động du lịch quốc tế cũng đang cho thấy đà hồi phục mạnh mẽ. Tính chung quý I năm 2022, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong quí I/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 25,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 27,6 tỷ USD.

Những vấn đề tồn tại cần phải lưu ý

Bên cạnh những điểm sáng lạc quan, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Trước hết, vấn đề quan ngại nhất vẫn là khả năng quay trở lại của Covid-19 với các biến chủng mới. Ngay trong những tháng đầu năm, sự bùng nổ các ca nhiễm (với biến chủng Omicron là chủ yếu) đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sản xuất và kinh doanh bình thường của nhiều địa phương/doanh nghiệp, cục bộ xuất hiện hiện tượng thiếu lao động.

Tiếp đến là nguy cơ rủi ro lạm phát đối với Việt Nam đang hiện hữu. Áp lực chi phí đẩy cộng hưởng với áp lực lạm phát khiến giá cả leo thang ở hầu hết quốc gia trong khu vực ASEAN, đặc biệt những nước có xuất khẩu lớn như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Do vậy, hầu hết các tổ chức quốc tế (IMF, WB, ADB, Citibank…) đều dự báo lạm phát Việt Nam sẽ tăng cao hơn năm 2021, lên đến 3,5 – 3,9% năm 2022. Ngoài ra, những diễn biến khó lường của tình hình địa chính trị trên thế giới cũng góp phần làm tăng áp lực lạm phát, kèm theo đó là nguy cơ đứt gãy các chuỗi cung ứng, vận tải/logistics trong cả năm 2022 – 2023. Chiến tranh Nga – Ukraine đã khiến các nước tăng mua tài sản bảo đảm và Ngân hàng Trung ương đứng trước lựa chọn tăng lãi suất để chống lạm phát đang lên rất cao ở Mỹ và Tây Âu. Các lệnh trừng phạt sẽ gây khó khăn hơn cho các hoạt động sản xuất và đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó vẫn còn những lúng túng nhất định trong việc triển khai các gói kích thích phục hồi kinh tế. Nhiều gói hỗ trợ được thực thi bắt đầu từ tháng 02/2022 (giảm thuế VAT) nhưng vẫn có sự chưa thống nhất lúc ban đầu giữa các bộ/ngành/địa phương khiến việc vận dụng thực tế gặp khó khăn.

Ngoài ra, việc xuất khẩu (nhất là xuất khẩu nông sản) bị ảnh hưởng bởi các yếu tố cạnh tranh quốc tế cũng như sự không chắc chắn từ thị trường truyền thống đã xuất hiện từ cuối năm ngoái, nhưng vẫn chưa có cơ chế giải quyết triệt để, chủ yếu vẫn là giải pháp tình thế, gây ra sự bất ổn trong tất cả các khâu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đến dự lễ khởi công dự án KCN Việt Nam-Singapore III bằng xe buýt – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

Tuy kết quả GDP quý I/2022 là rất tích cực nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của cùng kỳ năm 2019. Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6 – 6,5%, trong những tháng còn lại của năm, trước hết, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cần phải triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023. Đặc biệt, bảo đảm giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao, tạo động lực thúc đẩy kinh tế.

Bên cạnh đó, cần kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó với các tình huống phát sinh. Các cơ quan chức năng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Ngoài ra, cần cải cách thể chế và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phục hồi tăng trưởng của thành phần kinh tế tư nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và đặc biệt là quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa trên ứng dụng nền tảng số và không gian số.

Đặc biệt, cần tập trung vào xây dựng các thể chế và chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và liên kết đầu tư giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tự do hóa mạnh mẽ hơn các lĩnh vực dịch vụ trong nước, kể cả những lĩnh vực được coi là nhiều yếu tố nhạy cảm như y tế, giáo dục.

Các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu về các Hiệp định thương mại đã ký kết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, liên kết tạo thành chuỗi sản xuất, kinh doanh để hội tụ đủ nguồn lực đối mặt với áp lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng cần hết sức lưu ý những cam kết về phát triển bền vững như các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường do đây là những nội dung mà phía EU đặc biệt quan tâm.

Diệu Hương

Bài mới
Đọc nhiều