Những điểm sáng giúp kinh tế Việt Nam bùng cháy thành ngọn đuốc vào cuối năm 2021
Số liệu kinh tế tháng 8 và 8 tháng năm 2021 vừa được Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy dịch bệnh Covid-19 đã tác động đa chiều, tiêu cực tới mọi lĩnh vực, ngành, nghề. Nói vậy không có nghĩa là bức tranh kinh tế Việt Nam những ngày qua chỉ toàn màu ảm đạm. Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có những điểm sáng cần nỗ lực duy trì và phát huy, góp phần thúc đẩy toàn nền kinh tế.
Những con số thống kê tháng 8 và 8 tháng qua phản ánh tương đối sát những khó khăn nền kinh tế đang gặp phải. Cụ thể, báo cáo thống kê cho thấy sự suy giảm của chỉ số sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp dù vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Xuất, nhập khẩu cũng ghi nhận mức giảm dù chỉ số tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 8 ước đạt 53,7 tỷ USD là đáng khích lệ trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4. Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày càng cao, trung bình mỗi tháng gần 11 nghìn. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường cũng giảm. Điều này phản ánh tình hình hết sức khó khăn, đặc biệt tại một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng được công bố phản ánh sức mua thực tế và mức tiêu dùng trong nước suy giảm. Và đã qua chặng đường 8 tháng của năm 2021, nhưng vốn đầu tư công ở mức 20%, cũng cho thấy những khó khăn, thách thức của toàn nền kinh tế.
Song theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến căng thẳng, cần nhận thấy rõ những mảng màu sáng, lạc quan trong bảng số liệu này. Ví dụ: Cân đối ngân sách, tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, dòng vốn đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 19 tỷ USD. Dù thấp hơn cùng kỳ trước, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam.
Hiện, kinh tế Việt Nam đã đi được gần hai phần ba chặng đường. Từ những chỉ số kinh tế cho thấy, xu hướng trong những tháng cuối năm khó khăn là chủ đạo nhưng về cơ bản, tín hiệu tích cực, lạc quan vẫn là phổ biến. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 khoảng 6% theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 của Quốc hội, trong 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng cao hơn.
Để làm được điều đó, các cấp, các ngành cần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, phát huy những điểm sáng của nền kinh tế trong nước thời gian tới làm tiền đề cho giai đoạn kinh tế tiếp theo. Trong đó những giải pháp chung nhận được sự đồng thuận lớn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà tăng trưởng thời gian tới là tích cực nỗ lực thực hiện những giải pháp trực tiếp cho người lao động yếu thế để người lao động vực dậy năng lực sản xuất, sáng tạo hỗ trợ giảm an sinh, làm động lực cho nền kinh tế. Riêng với những điểm sáng cần phát huy thì cùng với nỗ lực của từng doanh nghiệp, ngành hàng rất cần có những giải pháp ở tầm vĩ mô để điều hành sản xuất an toàn trong những chuỗi cung ứng của một số ngành hàng trọng điểm, là tiền đề để hình thành nền kinh tế Việt Nam an toàn trong bối cảnh chưa thể đoán định thời gian chấm dứt của đại dịch.
Trong những tháng cuối năm, dự báo, tình hình kinh tế đất nước còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường.
Mặc dù, tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được nhiều nước trên thế giới triển khai mạnh mẽ, nhưng sự khác biệt giữa tỷ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia và khu vực dẫn đến nguy cơ phục hồi không đồng đều và mong manh của kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến an sinh xã hội. Do đó, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Diệu Hương