+
Aa
-
like
comment

Những điểm nóng có thể bùng nổ xung đột ở châu Á

06/01/2021 21:58

Trong năm 2021, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn sẽ phải chứng kiến một số điểm nóng có thể bùng phát xung đột bất cứ lúc nào như ở Biển Đông hay biên giới Trung – Ấn.

Những điểm nóng có thể bùng nổ xung đột ở châu Á
Những điểm nóng có thể bùng nổ xung đột ở châu Á

Theo tờ Japan Times, ngoài những thách thức từ dịch Covid-19, trong năm 2021, khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ còn chứng kiến một số điểm nóng căng thẳng có nguy cơ bùng phát thành xung đột liên quan tới Triều Tiên, Biển Đông, Đài Loan và tranh chấp biên giới Trung – Ấn .

Triều Tiên

Sau màn cho ra mắt tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) “khủng” cùng một số loại vũ khí mới trong cuộc diễu binh ngày 10/10/2020 nhân lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng Lao động, Triều Tiên vẫn khá yên ắng trước và sau thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân chính giải thích cho lý do Triều Tiên bất ngờ yên ắng lần này.

Thứ nhất, Triều Tiên đang tập trung cho mục tiêu ngăn chặn dịch Covid-19. Thứ hai, Triều Tiên muốn thăm dò chính sách đối ngoại mà chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ thi hành với Bình Nhưỡng.

Cho tới nay, Triều Tiên vẫn chưa xác nhận nước này có trường hợp nào mắc Covid-19, nhưng chính quyền Bình Nhưỡng đã cho phong tỏa các đường biên giới từ cuối tháng 1/2020, đồng thời thi hành nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Trong khi đó, ngay từ chiến dịch tranh cử, ông Biden đã nhắc tới việc thực hiện “chính sách ngoại giao trang trọng” với Triều Tiên.

Cụ thể, ông Biden tuyên bố có thể gặp gỡ Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, nếu như hành động này có thể khuyến khích Bình Nhưỡng hiện thực hóa cam kết giải trừ hạt nhân.

Trong giai đoạn giữ chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cũng đã 3 lần gặp gỡ ông Kim. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán giải trừ hạt nhân Mỹ – Triều vẫn dậm chân tại chỗ kể từ sau thượng đỉnh Mỹ – Triều lần thứ 2 diễn ra hồi tháng 2/2019.

Giáo sư Leff-Erik Easley tại Đại học Ewa ở Seoul cho rằng, khả năng chính quyền của ông Biden vẫn theo đuổi chương trình giải trừ hạt nhân với Triều Tiên, nhưng công tác chuẩn bị sẽ kỹ lưỡng hơn so với thời ông Trump.

Trong khi đó, cố vấn hàng đầu cho ông Biden là Kurt Campbell cũng cho hay, chính quyền mới của Mỹ cần cảnh báo Bình Nhưỡng về việc nước này “sẽ không còn cửa nào”, nếu như còn nghĩ tới hành động khiêu khích.

Biển Đông

Hành động ngang nhiên bành trướng và tiến hành quân sự hóa trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông khiến vùng biển này trở thành một trong những điểm nóng tranh chấp chủ quyền trên thế giới.

Giới chức Mỹ và Nhật Bản đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về những tiền đồn mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên các khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền.

Chưa dừng lại, Trung Quốc còn trang bị cho các cơ sở này hệ thống sân bay quân sự và lắp đặt các hệ thống vũ khí hiện đại. Mọi động thái của Trung Quốc được cho nhằm phục vụ kế hoạch cản trở hoạt động đi lại tự do qua tuyến đường biển có giá trị thương mại hơn 3 ngàn tỉ USD/năm.

Để thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, hải quân Mỹ trong năm qua đã liên tiếp điều động tàu thuyền và máy bay thực hiện sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải (FONOP) ở khu vực.

Trong năm 2020, số lượng FONOP mà hải quân Mỹ thực hiện dưới thời chính quyền Tổng thống Trump đã gấp đôi so với thời cựu Tổng thống Barack Obama. Và đối với chính quyền của ông Biden, khả năng Mỹ sẽ tiếp tục có thêm nhiều cuộc tuần tra ở Biển Đông hơn nữa.

Ông Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống đắc cử Biden đã nói hồi năm ngoái rằng, Mỹ cần “tăng cường thêm nguồn nhân lực và khí tài để thực hiện các cam kết và thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh, cũng như đảm bảo quyền tự do hàng hải của các nước đồng minh vẫn được duy trì”.

Nhưng trên thực tế, bất chấp những lời chỉ trích mạnh mẽ của không chỉ các nước có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông và từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên có hành động bành trướng ở khu vực.

Hành động của Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra các cuộc đối đầu hoặc va chạm bất ngờ giữa hải quân Mỹ – Trung ở Biển Đông.

Còn vào tháng 12/2020, Lầu Năm Góc đã ra tuyên bố có kế hoạch điều động thêm lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên trong những năm tới để tăng khả năng đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.

Đài Loan

Lâu nay, Trung Quốc vẫn chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ – Trung”.

Năm 2020 chứng kiến quân đội Trung Quốc cho gia tăng tần suất xuất hiện chưa từng có của các lực lượng quân sự quanh đảo Đài Loan. Theo đó, Trung Quốc liên tiếp điều động chiến đấu cơ, tàu chiến và oanh tạc cơ lại gần Đài Loan để tập trận.

Nhưng các quan chức Đài Loan cũng “không chịu thua” thông qua việc tăng cường xây dựng các mối quan hệ mật thiết với chính quyền của Tổng thống Trump. Về phần mình, Washington cũng có động thái tăng cường viện trợ quân sự và giao lưu với chính quyền Đài Loan.

Trong khi đó, các cố vấn hàng đầu của ông Biden cũng đã nhấn mạnh rõ quan điểm chỉ trích quân đội Trung Quốc và hỗ trợ Đài Loan như công khai ủng hộ các lệnh trừng phạt mà chính quyền của Tổng thống Trump ban hành với Trung Quốc.

Biên giới Trung – Ấn

Xung đột biên giới Trung – Ấn trở thành một trong những điểm nóng căng thẳng nhất ở khu vực châu Á.

Hồi năm 2020, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi, hai nước sở hữu vũ khí hạt nhân, liên tiếp rơi vào vòng xoáy căng thẳng liên quan tới các cuộc đối đầu dọc Đường Kiểm soát thực (LAC), biên giới không chính thức dài 3.440 km của hai nước trên dãy Himalaya.

Căng thẳng Trung – Ấn lên tới đỉnh điểm nhất là sau cuộc đụng độ đẫm máu hồi tháng 6/2020, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giấu thông tin về số binh sĩ thương vong sau vụ việc.

“Hiện tại, quan hệ Trung – Ấn đang ở trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất giữa hai nước kể từ thập niên 80”, ông Ashley J. Tallis, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hòa bình quốc tế Carnegie Endowment tại Washington nhận định.

Ngay cả ở thời điểm hiện tại, dù thời tiết mùa đông ở dãy Himalaya đang vô cùng khắc nghiệt, nhưng quân đội Trung – Ấn vẫn thường xuyên hiện diện ở các vùng tranh chấp.

Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại sự xuất hiện số lượng lớn binh sĩ cùng vũ khí của Trung – Ấn ở vùng biên giới tranh chấp có thể làm xuất hiện xung đột bất cứ lúc nào.

Giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc, Ấn Độ cũng không ngừng gia tăng quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Australia. Bốn quốc gia này lập thành nhóm “Bộ Tứ Kim cương”.

Đây là tổ chức được cho hoạt động giống với Tổ chức Hiệp ước Bắc Tây Dương (NATO) và còn được mệnh danh là “NATO châu Á” nhằm đối phó với Trung Quốc.

Tình hình căng thẳng ở biên giới Trung – Ấn được cho sẽ chịu ảnh hưởng từ chính sách tiếp cận của chính quyền ông Biden đối với 2 cường quốc châu Á.

Một số nhà phân tích nhận định, các quan chức New Delhi đang bày tỏ mối quan ngại về việc chính quyền mới của Mỹ có thể đưa vấn đề nhân quyền giống như thời ông Trump để làm khó. Và Trung Quốc dường như cũng sẽ tiếp tục phải chứng kiến đường lối chính sách cứng rắn của Mỹ dưới thời ông Biden.

theo Infonet

Bài mới
Đọc nhiều