+
Aa
-
like
comment

Những điểm bất thường trong màn “đấu tố” giữa Đàm Vĩnh Hưng và bà Phương Hằng

27/08/2021 15:32

Màn đấu tố qua lại giữa Đàm Vĩnh Hưng và đại gia Phương Hằng về số tiền từ thiện 96 tỷ đồng đã đi đến hồi gay cấn khi cả hai khẳng định sẽ nhờ đến pháp luật.

Tối 26/8, trên trang cá nhân, Đàm Vĩnh Hưng đăng tải bài viết khá dài trực tiếp nhắc đến nữ đại gia Nguyễn Phương Hằng – người gọi đích danh anh trên livestreams tối 24/8, tuyên bố đang giữ 1,9kg giấy tờ sao kê chứng minh giọng ca “Nửa vầng trăng” đã nhận hơn 96 tỷ đồng quyên góp làm từ thiện, cao hơn gấp nhiều lần so với con số được anh công bố.

Trong bài đăng, Mr Đàm kết luận: “Việc đôi co kéo dài qua lại với cô sẽ phí phạm thời gian, tạo cơ hội cho người khác trục lợi, xuyên tạc phát ngôn của tôi! Tôi Huỳnh Minh Hưng, tức Đàm Vĩnh Hưng, sẽ chính thức mang câu chuyện này ra pháp luật để chứng minh sự trong sạch của mình và lột trần trụi sự vu khống, bôi nhọ, xúc phạm danh dự người khác của cô Nguyễn Phương Hằng”.

Nam ca sĩ cũng cho biết anh luôn lưu đủ biên nhận từ các văn phòng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như những nơi nhận hỗ trợ, đã công bố tất cả những gì mình làm trên YouTube và trang cá nhân.

Chấp nhận “ván cuợc kim cương”, bà Phương Hằng tự tin cam kết nếu mình sai thì Đàm Vĩnh Hưng có quyền lấy viên kim cương giá trị nhất, còn nếu Đàm Vĩnh Hưng không sao kê minh bạch khoản từ thiện thì nam ca sĩ phải bỏ ra toàn bộ tài sản của anh cho bà để làm từ thiện.

Thế nhưng, trước đó, ngày 25/8, Đàm Vĩnh Hưng cũng đăng tải lên trang cá nhân một video dài hơn 8 phút với nội dung cơ bản rằng nam ca sĩ có giữ đầy đủ chứng cứ về việc làm từ thiện minh bạch. Nếu anh để ra sai sót trong việc từ thiện, Đàm Vĩnh Hưng chấp nhận chịu sự trừng phạt từ pháp luật và công chúng. Đồng thời anh đặt ra ván cược kim cương với nữ đại gia kèm lời cam kết “không được lệch 1 cen”.

Cho tới thời điểm hiện tại, số đông khán giả vẫn khá hoang mang về nguồn thông tin của cả Đàm Vĩnh Hưng và bà Phương Hằng cung cấp. Tuy nhiên nhiều người không khỏi băn khoăn khi Đàm Vĩnh Hưng cũng như nhiều nghệ sĩ Việt không lập tài khoản riêng để quyên góp từ thiện mà sử dụng luôn tài khoản cá nhân; hay tại sao luôn kêu oan nhưng không chịu chứng thực sao kê?; Và việc bà Phương Hằng nắm trong tay sao kê thu chi của Đàm Vĩnh Hưng về từ thiện, có phải là vi phạm luật?

Chia sẻ về việc nghệ sĩ kêu gọi từ thiện nhưng sau đó không chủ động công khai sao kê, Luật sư Trần Thanh Lam, Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật chuyên ngành để điều chỉnh vấn đề cá nhân vận động đóng góp, tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ mà đây là quan hệ dân sự và do Bộ luật dân sự điều chỉnh.

Việc một số người dân tự nguyện gửi tiền cho một cá nhân làm từ thiện có thể hiểu là bên tặng cho tài sản và đối tượng đang gặp khó khăn cần được từ thiện là bên được cho tài sản, các cá nhân vận động quyên góp giữ vai trò trung gian (có thể gọi là người được bên tặng cho tài sản ủy quyền).

Việc ủy quyền thực hiện theo quy định tại Điều 138, Điều 562 và Điều 565 Bộ luật Dân sự 2015. Nếu các cá nhân này không hoàn thành đúng việc mà người gửi tiền làm từ thiện đã “ủy quyền” thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều người cho rằng, để minh bạch cho mình, Đàm Vĩnh Hưng nên sao kê số tiền gửi vào tài khoản của mình thay vì “cá cược”

Đối với việc Đàm Vĩnh Hưng cũng như nhiều nghệ sĩ sử dụng chung một tài khoản ngân hàng để vừa dùng sinh hoạt cá nhân vừa nhận tiền từ thiện, Luật sư Trần Thanh Lam nhấn mạnh, hiện khung pháp lý không có quy định điều tiết cụ thể hoạt động từ thiện của cá nhân và theo quy định hiện hành, không có chế tài nào bắt buộc cá nhân từ thiện phải công khai các khoản chi trong hoạt động từ thiện, cũng không có quy định cụ thể về việc cá nhân sử dụng tài khoản từ thiện phải là tài khoản riêng, tách biệt với tài khoản cá nhân vẫn sử dụng chi tiêu, giao dịch hằng ngày.

Bởi đây là hoạt động đóng góp tự nguyện, tự phát, dựa trên niềm tin của người tặng cho tài sản và người được ủy quyền, không ràng buộc bằng hợp đồng và các điều khoản, điều kiện giữa người tặng cho và người được ủy quyền.

Tuy nhiên thì cá nhân khi đã kêu gọi từ thiện công khai thì cũng nên công khai quá trình làm từ thiện để người đã ủng hộ, trao niềm tin cho mình được nắm bắt thông tin số tiền họ ủng hộ được sử dụng vào mục đích nhân đạo thiết thực, không còn hoài nghi, lo lắng.

Nữ luật sư cũng cho biết thêm, hiện nay Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Dự thảo này sẽ có quy định yêu cầu các đầu mối tiếp nhận phải báo cáo, công khai minh bạch các khoản thu – chi từ thiện khi được yêu cầu.

Thế nhưng việc công khai mức độ tới đâu, trường hợp nào, công khai như thế nào thì vẫn đang được nghiên cứu kỹ lưỡng đảm bảo tính khả thi và cũng phải tạo điều kiện, khuyến khích hoạt động từ thiện.

Bà Phương Hằng nói có trong tay 1,9kg giấy tờ sao kê chứng minh giọng ca “Nửa vầng trăng” đã nhận hơn 96 tỷ đồng quyên góp làm từ thiện, là đúng hay sai?

Trao đổi về chi tiết bà Phương Hằng cho biết có trong tay sao kê thu chi của Đàm Vĩnh Hưng về từ thiện, liệu có phải là vi phạm luật, luật sư Lam chỉ tõ: Theo quy định pháp luật hiện hành thì đời sống riêng tư, thông tin, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, mọi hành động xâm phạm thông tin, bí mật cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật.

Trong lĩnh vực ngân hàng thì dữ liệu ngân hàng nói chung và thông tin sao kê tài khoản ngân hàng nói riêng thuộc loại bảo mật. Việc phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác cũng là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

“Căn cứ quy định pháp luật thì việc bà Phương Hằng cho rằng có trong tay sao kê ngân hàng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ khiến nhiều người nghi vấn, hoài nghi về vấn đề bảo mật thông tin ngân hàng và việc lộ lọt thông tin khách hàng vì bà Hằng không phải là cán bộ cơ quan nhà nước, không làm việc trong ngân hàng và chắc chắn cũng không được sự cho phép của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng về việc cung cấp thông tin khách hàng.

Không loại trừ trường hợp đây là tài liệu có người gửi cho bà Hằng. Sự việc này cần phải xem xét liệu có đúng là bà Hằng đang giữ sao kê ngân hàng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hay không và nếu đúng thì nguồn gốc số tài liệu sao kê này ra sao, từ đâu bà Hằng có nó”, Luật sư Trần Thanh Lam cho biết.

Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố sẽ mang câu chuyện này ra pháp luật để chứng minh sự trong sạch: “Những gì cần nói sẽ nói tại toà”

Theo nữ luật sư, tại Điều 15 Nghị định 117/2018/NĐ-CP cũng quy định cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với việc làm lộ thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng không đúng mục đích theo quy định của pháp luật, Nghị định này.

Nếu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiết lộ hoặc cung cấp thông tin khách hàng không đúng quy định pháp luật thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

An Khánh

Bài mới
Đọc nhiều