Những dấu hỏi ‘đại án ngàn tỉ’ khi bị can Trần Bắc Hà qua đời
Ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Ngân hàng TPCP Đầu tư và phát triển Việt Nam, qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo vào rạng sáng qua (18.7), để lại những dấu hỏi cho vụ án mà ông này là bị can.
Ngày 18.7, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), đã qua đời khi đang là bị can tạm giam do liên quan đến vụ án kinh tế xảy ra tại một số doanh nghiệp và chi nhánh BIDV.
Cụ thể, khi đang bị tạm giam tại một trại giam trên địa bàn TP.Hà Nội, rạng sáng 18.7, ông Hà được cán bộ trại giam phát hiện có biểu hiện xấu về sức khỏe nên đưa đến Bệnh viện Quân y 105 (TX.Sơn Tây, TP.Hà Nội) cấp cứu. Tuy nhiên, bị can đã tử vong trên đường đến bệnh viện. Nguyên nhân tử vong được xác định là liên quan đến bệnh gan. Trước đó, ông Hà từng đi Singapore mổ cắt khối u gan. Ngay trong hôm qua, cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi và làm thủ tục để bàn giao thi thể bị can cho gia đình đưa về quê mai táng.
Đại án kinh tế ngàn tỉ
Ông Trần Bắc Hà (63 tuổi, quê Bình Định) được biết đến như một “thế lực” trong giới NH giai đoạn 2006 – 2016. Ông Hà bắt đầu làm việc ở BIDV từ năm 1981; đến năm 1991 được bổ nhiệm làm Giám đốc BIDV – chi nhánh Bình Định. Năm 2003, ông Hà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc BIDV và đến năm 2007 là Tổng giám đốc BIDV; từ năm 2008 đến tháng 9.2016 là Chủ tịch HĐQT BIDV rồi nghỉ hưu theo chế độ.
Trong thời gian làm lãnh đạo BIDV, ông Hà được coi là một trong những người có quyền lực lớn không chỉ trong giới NH. Thông qua các mối quan hệ xã hội cùng với tiềm lực kinh tế mạnh, ông Hà và người thân đã thực hiện hàng loạt dự án lớn tại: Bình Định, Hà Tĩnh, Tây nguyên… và ở nước ngoài với tổng mức vốn đầu tư lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng.
Quá trình công tác và sai phạm của ông Trần Bắc Hà trước khi chết lúc đang bị tạm giam
Tuy nhiên, từ tháng 9.2016, sau khi ông Hà nghỉ hưu, dư luận bắt đầu đặt ra nhiều vấn đề về nguồn tiền ông này sử dụng để đầu tư cho các dự án cũng như mối quan hệ với hoạt động của BIDV.
Tháng 6.2018, ông Trần Bắc Hà bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư ra quyết định kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng, do với tư cách nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Hà phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010 – 2015 và 2015 – 2020. Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra T.Ư xác định ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV. Vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại NH Xây dựng (VNCB).
Tháng 11.2018, Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra hành vi vi phạm quy định về hoạt động NH, hoạt động khác liên quan đến hoạt động NH, theo khoản 4, điều 206 bộ luật Hình sự năm 2015. Trong lần khởi tố này, Bộ Công an cho biết bị can Trần Bắc Hà liên quan đến các sai phạm trong tiếp nhận hồ sơ, thẩm định và đề xuất phê duyệt, ký hồ sơ đồng ý cấp tín dụng cho Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (Hà Tĩnh) vay vốn với các điều kiện ưu đãi sai quy định, vi phạm quy định của NH, gây thiệt hại cho BIDV hơn 800 tỉ đồng.
Hơn 1 tháng sau đó, ngày 8.1.2019, CQĐT ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 01/C03-P13 về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại BIDV chi nhánh Hà Thành, Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng; đồng thời bổ sung quyết định khởi tố bị can với ông Trần Bắc Hà về hành vi vi phạm quy định về hoạt động NH, hoạt động khác liên quan đến hoạt động NH, theo điều 206 BLHS 2015. Trong vụ việc này, ông Trần Bắc Hà bị cáo buộc phê duyệt cấp tín dụng cho Công ty TNHH thương mại và du lịch Trung Dũng (trong khi công ty này không đủ điều kiện cấp tín dụng) để vay vốn với các điều kiện ưu đãi sai quy định, gây thiệt hại cho BIDV hàng trăm tỉ đồng.
Liên quan đến các sai phạm nêu trên, CQĐT cũng đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều người thân cận với ông Hà, trong đó có Trần Duy Tùng (35 tuổi, con trai ông Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú, trụ sở tại TP.Quy Nhơn, Bình Định) để điều tra hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Trần Lục Lang (nguyên Phó tổng giám đốc BIDV), Đoàn Ánh Sáng (nguyên Phó tổng giám đốc BIDV phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp), Kiều Đình Hòa (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (nguyên Trưởng phòng BIDV chi nhánh Hà Tĩnh)…
Sẽ đình chỉ điều tra bị can
Theo thông tin từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Trần Bắc Hà chết ở giai đoạn điều tra vụ án thì cơ quan tố tụng sẽ phải làm thủ tục để đình chỉ điều tra đối với bị can này. Các bị can khác đã bị khởi tố, bắt tạm giam vẫn được điều tra, truy tố, xét xử bình thường.
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết trong vụ án hình sự, nếu bị can chết CQĐT sẽ căn cứ quy định và ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can đã chết. Trong trường hợp vụ án có nhiều bị can, CQĐT tiếp tục điều tra đối với các bị can khác theo quy định. Ngoài ra, trong trường hợp này, căn cứ quy định tại điều 130 bộ luật Tố tụng hình sự 2015, CQĐT sẽ hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản đang áp dụng với bị can đã chết.
Trong khi đó, theo PGS Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, mặc dù CQĐT tiếp tục điều tra với các đồng phạm của ông Trần Bắc Hà, nhưng việc bị can được coi như “đầu vụ” qua đời sẽ ảnh hưởng lớn và gây nhiều khó khăn trong việc điều tra toàn diện các sai phạm xảy ra tại BIDV.
Đáng chú ý, PGS Trần Văn Độ cho rằng từ sự việc nêu trên, đặt ra vấn đề lớn trong pháp luật hình sự về phòng chống tham nhũng. Đó là việc khi bị can chết trong quá trình điều tra sẽ phải đình chỉ bị can, dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản tham ô và bồi thường thiệt hại. “Những vụ án có tài sản do chiếm đoạt, phạm tội mà có nhưng đã đình chỉ điều tra sẽ dẫn đến việc không có căn cứ nào để thu hồi lại cho nhà nước”, ông Độ nói.
Cũng theo PGS Trần Văn Độ, trước đây trong quá trình sửa đổi, bổ sung luật Phòng, chống tham nhũng, đã có nhiều ý kiến đề nghị cho phép Viện KSND thay mặt nhà nước khởi kiện đòi bồi thường, đòi lại tài sản của nhà nước.
“Nếu quy định này được đưa vào thì trường hợp bị can chết, bị đình chỉ thì Viện KSND sẽ khởi kiện ra tòa dân sự. Bên nào khởi kiện thì bên đó phải chứng minh và để Viện KSND chứng minh thì rất đơn giản, họ sẽ làm rõ được đâu là tài sản do phạm tội mà có hay tài sản bất minh, nhưng rất tiếc đề xuất này đã không được chấp nhận”, ông Độ phân tích.
Đã kê biên, phong tỏa hàng loạt tài sản của gia đình ông Trần Bắc Hà
Sau khi ông Trần Bắc Hà bị bắt tạm giam, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định đã tiến hành phong tỏa, kê biên hàng loạt tài sản của gia đình ông này tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT – Bộ Công an.
Trong số này có 2 doanh nghiệp liên quan đến gia đình ông Trần Bắc Hà bị phong tỏa là Công ty CP du lịch Hoàng Anh – Đất Xanh Quy Nhơn và Công ty CP Tập đoàn An Phú (cùng có địa chỉ tại 01 Hàn Mặc Tử, P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, Bình Định). Hai công ty này đều thành lập vào năm 2009, sau thời điểm ông Trần Bắc Hà bắt đầu giữ chức Chủ tịch HĐQT BIDV. Cụ thể, Công ty CP du lịch Hoàng Anh – Đất Xanh Quy Nhơn được thành lập vào tháng 10.2009 do bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà) làm chủ.
Công ty này sở hữu resort Hoàng Gia Quy Nhơn (ở 01 Hàn Mặc Tử, TP.Quy Nhơn); resort 4 sao, nằm dọc bờ biển ở trung tâm TP.Quy Nhơn, có diện tích hàng vạn mét vuông…
(Theo Thanh Niên)