+
Aa
-
like
comment

Những dấu hiệu cho thấy bạn có thể gặp nguy hiểm sau khi tiêm vắc-xin Covid-19

07/08/2021 18:45

Sau tiêm vắc-xin Covid-19, một số người bị sốt, sốt cao, cơ thể mệt mỏi, khó chịu Vậy, những dấu hiệu nào cho thấy cần liên hệ y tế ngay để được xử trí kịp thời?

Bộ Y tế vừa có hướng dẫn về tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trong đó lưu ý, khi thấy một trong 8 dấu hiệu sau, người được tiêm vắc-xin Covid-19 cần liên hệ đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện.

Cụ thể: Miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó.

Ngoài ra, về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái. Đặc biệt, toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường, đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn, sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Những dấu hiệu cho thấy bạn có thể gặp nguy hiểm sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 - Ảnh 1.
Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân- Ảnh: Bộ Y tế

Khi thấy một trong các dấu hiệu trên, người được tiêm vắc-xin Covid-19 cần liên hệ đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện.

Khuyến cáo thêm với người dân sau khi tiêm vắc-xin Covid-19, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết sau tiêm vắc-xin Covid-19, mọi người cần tự theo dõi kỹ, thông báo cho y tế để được giúp đỡ, ghi nhận và đánh giá trường hợp của mình. “Không tự điều trị, cần thông báo cho y tế” – bác sĩ Thái nói.

Ngoài ra, bác sĩ Thái cũng khuyên khi bản thân cảm thấy lo lắng, bất thường sau tiêm mà không giải thích được thì cần đến ngay viện. Đây là điều đầu tiên nghĩ đến trước khi có dấu hiệu rõ ràng. Cụ thể là trường hợp phù nề, đau bụng, nhịp tim nhanh là biểu hiện sớm của phản vệ cần thông báo y tế để xử trí.

Bộ Y tế cho biết tổng số liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm là gần 8,53 triệu liều, trong đó 863.323 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Ngoài ra, nếu sốt cao nhưng dùng thuốc hạ sốt không thấy giảm hoặc một thời gian ngắn lại sốt cao cũng là trường hợp nguy hiểm cần theo dõi. “Chúng tôi có phát tờ theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu có biểu hiện như trong khuyến cáo thì gọi ngay cơ sở y tế để hỗ trợ” – bác sĩ Thái nói.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau tiêm, thường xuyên đo thân nhiệt, nếu: sốt < 38,5 độ C thì cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; không để nhiễm lạnh; đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Nếu sốt > 38,5 độ C: sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, người dân cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Thời gian để người dân tự theo dõi sức khỏe là 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết vắc-xin Covid-19 cũng như bất kỳ một loại vắc-xin nào khác, khi sử dụng sẽ xảy ra một số phản ứng nhất định, bao gồm phản ứng thông thường để cơ thể đáp ứng sinh miễn dịch bảo vệ phòng bệnh và có thể gặp phản ứng nặng đe dọa sức khỏe và tính mạng người được tiêm chủng nếu không được xử trí kịp thời.

Đến nay, trong số người đã tiêm, khoảng 14 – 20% có phản ứng sau tiêm, tỉ lệ này tương đương theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Một số phản ứng nặng như phản ứng phản vệ sau tiêm vắc-xin đã xảy ra, các cơ sở y tế đã tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế về xử trí phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Liên quan đến chỉ định tiêm vắc-xin Covid-19 cho các đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì…), PGS-TS Dương Thị Hồng cho biết đây là nhóm người có nguy cơ nhiễm cao, mắc Covid-19 nặng nên là đối tượng nguy cơ cần được tiêm vắc-xin, tuy nhiên chỉ tiêm chủng khi bệnh đã ổn định, các chỉ số đường huyết, mạch, huyết áp ở giới hạn bình thường.

N.Dung

Bài mới
Đọc nhiều