+
Aa
-
like
comment

Những cuộc vượt sóng Biển Đông

29/05/2020 10:04

Ra biển vào những mùa có sóng, lại là đến với những tuyến địa đầu như Trường Sa hay thềm lục địa phía Nam, luôn khiến tôi có một cảm giác khó quên. Để đặt chân đến với đảo, với nhà giàn, là những cuộc vượt sóng dữ dội mà những người đi qua như chúng ta – mới chỉ trải nghiệm được một phần rất nhỏ…

Những đội kéo thuyền

Trong số các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa, An Bang có thể xem như khó tiếp cận nhất. Đảo Lò Vôi không chỉ có khí hậu khắc nghiệt, mà bức tường sóng bao quanh đảo cũng là một thử thách không nhỏ với những ai đến với đảo. Kể cả mùa biển lặng như tháng 4 tháng 5, xuồng máy trung chuyển cũng khó có thể đến gần đảo. Thường là xuồng kéo được đưa đến gần bờ, cánh lính hải quân sẽ có một đội lội nước kéo xuồng lên đảo. Biển càng lặng xuồng càng gần, anh em sẽ đỡ vất vả hơn. Đến cuối năm, mùa gió bão, công việc này càng trở nên khó khăn.

Những cuộc vượt sóng Biển Đông - Ảnh 1.
Sóng gió mùa biển động. Ảnh: M.N

Không chỉ An Bang, hầu hết các đảo nổi đều hình thành một đội “kèo xuồng” thường trực mùa cuối năm. Huy Quỳnh, một cựu chiến sĩ ở An Bang kể, từ ngày đầu lên đảo nhận nhiệm vụ cậu đã được phái đi kéo xuồng: “Quan trọng là phối hợp với nhau, không phải cứ kéo khoẻ là được”. Vừa kéo vừa nhìn chiều sóng để tránh khách trên xuồng bị ướt, tránh xuồng lật. Thậm chí cánh lính còn làm luôn nhiệm vụ cõng khách từ xuồng lên bãi cát khô ráo, còn mình thì chịu dầm mình dưới nước cả tiếng đồng hồ. Tiếng hò dô hiệu lệnh, tiếng sóng đập, tiếng cười của cánh lính rộn ràng. Vượt sóng An Bang luôn là một thử thách cho ai đã đến Trường Sa.

Tôi nhớ một buổi cuối năm, ở Song Tử Tây, chúng tôi đã đợi rất lâu mới “được sóng” để lên xuồng rời đảo. Sóng Song Tử Tây vốn nổi tiếng là đỏng đảnh, những đợt ào đến rồi đi chẳng theo quy luật nào. Mọi thứ phải rất nhanh chóng, kỷ luật, thậm chí anh em còn phải chờ, phải căn, phải thử chán chê mới dám cho người ngồi lên. Chỉ cần một đến hai nhịp đẩy, khi cái dây thừng được móc vào xuồng máy, bắt đầu bồng bềnh ra khơi, anh em mới thở phào. Cuối năm, nắng vẫn chói chang, ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi. Văn Đạt bảo: “Đón khách lên đảo mệt nhưng mà vui lắm. Đưa khách đi mới buồn”. Chuyến đó chúng tôi rời đi, anh em đẩy xuồng xong, vẫn còn cố bơi thêm một đoạn tiễn khách.

Những cuộc vượt sóng Biển Đông - Ảnh 2.
Biển động, những người lính phải dùng dây để chuyền quà từ tàu vào nhà giàn DK 1. Ảnh: M.N

Vượt sóng, còn phải kể tới những lúc vào các đảo chìm. Đảo nằm giữa một lòng hồ san hô rộng, trông xanh ngắt vậy thôi, nhưng xuồng đi mùa cuối năm thì dữ dội, có khi vòng qua vòng lại mãi mới vào được bãi đá xanh. Như một năm chúng tôi vào Tiên Nữ – hòn đảo xa nhất phía Đông mà Việt Nam đang kiểm soát trên quần đảo Trường Sa, anh thiếu úy chở xuồng phải tiếp xăng giữa chừng vì hồ quá rộng.

Đến lúc trở ra, nước rút, cũng không ai nỡ giục vì mọi người đều lưu luyến với đảo. Vậy là xuồng đến giữa chừng thì mắc cạn. Tất cả chúng tôi phải lội bộ từ lòng bãi đá san hô, nước ngập đến đầu gối, ra tới mép xanh để lên xuồng máy trung chuyển về tàu. Từ phía sau, anh em trên đảo vẫy tay rối rít. Tầm, cậu trung úy trên đảo gọi điện cứ băn khoăn việc đoàn lội nước ướt có sao không. Nhưng lúc ấy chẳng ai nghĩ gì, ở giữa lòng hồ rộng ấy, được ra đến nơi cực Đông Tổ quốc là một may mắn rồi, Tiên Nữ xa xôi nên cũng chẳng mấy khi khách đoàn ghé tới.

Mà không cần lên đảo, vào cuối năm, chỉ cần bước xuống xuồng cũng sẽ là một kỳ công. Với những con sóng tối thiểu 3-4m, mỗi lần xuồng nâng lên hạ xuống sẽ rất dễ hoa mắt, khó xác định điểm đặt chân. Bao giờ chúng tôi cũng được hướng dẫn phải chờ sóng lên cao nhất, bước một bước dứt khoát.

Có các anh ở đây rồi

Nhưng nếu nói vượt sóng dữ dội hơn cả, thì phải nói tới các nhà giàn. Mấy năm trước, việc đến nhà giàn rồi hát qua bộ đàm trở thành một “huyền thoại” khó tin nhưng phổ biến trong các đoàn ra thăm. Bởi ngay cả tháng Ba “bà già đi biển”, sóng nhà giàn vẫn có thể làm khó người thăm, khiến xuồng không thể tiếp cận chân cột.

Chỉ cần một đến hai nhịp đẩy, khi cái dây thừng được móc vào xuồng máy, bắt đầu bồng bềnh ra khơi, anh em mới thở phào. Cuối năm, nắng vẫn chói chang, ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi. Văn Đạt bảo: “Đón khách lên đảo mệt nhưng mà vui lắm. Đưa khách đi mới buồn”.

Năm 2011, khi chúng tôi qua nhà giàn DK1/20 Ba Kè, xuồng của tàu 957 đi tới 3 lượt vẫn không thể tìm được điểm ổn định để lên. Sóng cứ đập ầm ầm, xô xuồng vào chân nhà, thuyền trưởng 957 khi đó là Nguyễn Văn Hưng nhìn sóng rồi thở dài: “Tiếp tục là nứt xuồng”. Vậy là ở trên tàu, chúng tôi chỉ có thể vẫy tay rối rít chào những người lính.

Rất lâu sau, tôi lại gặp lại cảm giác đó, khi liên tục hơn 10 ngày qua 10 nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam mùa đi biển cuối năm, vẫn không thể tiếp cận được một nhà giàn nào vì sóng. Thậm chí, sóng lớn tới mức tàu chúng tôi không thể có cơ hội thả xuồng. Bảng đo độ nghiêng của tàu thường trực mức 40 độ, nhưng đại tá Đinh Văn Thắng – Phó Tư lệnh vùng 2 Hải quân vẫn cười: “Thế này là đi cho biết, chứ đi tàu chiến, sóng nó còn nhảy chồm lên ấy”.

Những cuộc vượt sóng Biển Đông - Ảnh 4.
Đu dây từ thuyền để tiếp cận nhà giàn DK 1. Ảnh: M.N

Người ta thường lên nhà giàn bằng nhiều cách. Vũ Duy Hoàng – Chỉ huy phó nhà giàn DK1/16 nói, với lính hải quân, dễ nhất là bơi. Tức là tàu sẽ thả phao và dây thừng nối với nhà giàn, bộ đội sẽ mặc áo phao bơi men theo dây phao đó lên nhà. Cách ấy đơn giản, chỉ cần đeo găng tay, mặc quần dài để tránh trầy xước bởi những con hà nhọn hoắt ở chân cột. Có điều cách ấy là bất khả thi với những người không quen bơi trên biển. “Sóng mà êm nhất tàu có thể ghé sát chân cột để mình nhảy lên. Còn nhẹ nhàng thì thả xuồng rồi trèo lên”. Hoàng bảo.

Cách mà các tàu hay dùng nhất, là đủ dây hoặc đi rọ. Nhà giàn sẽ thả một sợi dây ròng rọc, chúng tôi ngồi bám trên đó, rồi họ kéo về phía nhà. Hoặc chúng tôi cùng đứng trong một chiếc rọ có phao, cần cẩu sẽ đưa chúng tôi lên nhà. Cả 2 cách ấy, cũng chỉ có thể áp dụng khi sóng đã ổn định nhất định, và cũng không hẳn dễ dàng với người yếu tim. Bởi tôi đã chứng kiến có người lần đầu nhìn cảnh ấy, đã lắc đầu từ chối leo dây.

Khoảng thời gian kéo trên không chỉ tầm chưa đầy một phút, nhưng sóng lớn sẽ khiến người ở tàu khó giữ thăng bằng, và việc ở trên cao có chao đảo cũng là bình thường. Đấy là cảm giác mà không một trò chơi mạo hiểm nào ở các công viên trò chơi có thể so sánh được.

Vượt sóng nghe thì nguy hiểm thế, nhưng tôi chưa từng bao giờ cảm thấy bất an. Bởi mỗi bước xuống xuồng, dù sóng dập dềnh, bên cạnh tôi luôn có 2 người lính níu dây thừng, giữ xuồng để chúng tôi bước ổn định nhất. Khi tôi chênh vênh trên dây kéo vào nhà giàn, người quay vòng vòng vì gió, những người lính vừa kéo vừa hò dô động viên: “Yên tâm yên tâm, có các anh ở đây rồi”.

Vì biển đảo xa xôi, có các anh ở đấy, nên phải yên tâm chứ.

Mai Nguyên/DV

Bài mới
Đọc nhiều