+
Aa
-
like
comment

Những cú sốc dầu mỏ đã làm biến động nền kinh tế thế giới như thế nào?

Hồng Ngọc - 23/03/2022 10:32

Sự gia tăng nguyên liệu thô do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã khơi dậy những ký ức kinh hoàng về cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973 và 1979, với sự xuất hiện của lạm phát đình trệ, trạng thái kết hợp của tình trạng lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế chậm. Vậy những cú sốc đó đã khiến nền kinh tế chịu những cú sốc như thế nào?

Đó là gần năm mươi năm trước, vào buổi tối mùa đông năm 1973, lần đầu cô nghe thấy tin tức về cuộc khủng hoảng dầu mỏ trên đài phát thanh. “Nhiệt độ đang giảm xuống, mẹ tôi nói rằng chúng tôi sẽ phải tiết kiệm mọi thứ như trong chiến tranh. Đó là lần đầu tiên tôi có cảm giác sợ sự thiếu thốn”, cô Nathalie – người Pháp kể lại.

Khi đó, Nathalie vừa tổ chức sinh nhật lần thứ 22, ngày nào cô cũng lái xe đến khoa khoa học của đại học Grenoble, nơi cô đang theo học.

“Tôi nhanh chóng chuyển đến ở cùng một người bạn sống gần hơn để tiết kiệm xăng. Vào buổi tối, chúng tôi ngồi ôn bài với chai nước nóng trên đầu gối, vì chúng tôi đã đặt máy sưởi ở mức thấp nhất”, một quyết định nhanh chóng được đưa ra khi ấy. Nhưng điều cô nhớ nhất là cảm giác chứng kiến sự “lụi tàn” của một thời kỳ: “Tôi tin chắc rằng, ngay cả khi nền kinh tế phục hồi, thế hệ của tôi và trên hết, những thế hệ sau sẽ vẫn phải chịu ám ảnh về vấn đề này một cách lâu dài”.

Sự tăng giá liên tục của hydrocacbon, trong hơn sáu tháng, đã làm sống lại ký ức về cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970. “Cuộc khủng hoảng nhiên liệu trong thời điểm hiện tại có thể so sánh về cường độ, độ khắc nghiệt với cú sốc dầu mỏ năm 1973”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Bruno Le Maire tuyên bố vào ngày 9/3 trong một hội nghị.

Trên thực tế, khi tham chiếu với giá khí đốt của châu Âu, từ ngày 22/2 đến ngày 8/3, thuế giao dịch ở Hà Lan đã tăng từ 76 euro lên hơn 340 euro mỗi megawatt giờ (MWh), điều này tạo nên một kỷ lục lịch sử.

Đến ngày 21/3, nó vẫn dao động quanh mức 105 euro. Giá thùng Brent tăng từ 96,80 đô la lên 130 đô la (từ 87,60 euro lên 117,70 euro) so với cùng kỳ, tăng hơn 30%  số liệu từ tháng 1 đến tháng 3 năm 1974, nó đã tăng 240%. Lạm phát đã đạt đỉnh ở mức 7,9% vào tháng hai ở Mỹ và 5,9% ở vùng euro, nhưng vẫn còn xa so với mức đỉnh 12% được quan sát vào giữa năm 1974.

Giảm sự lãng phí

Cú sốc dầu mỏ năm 1973, và cả năm 1979, đã viết lại các quy luật của nền kinh tế thế giới trên nhiều khía cạnh. Vào tháng 10/1973, giá cả tăng vọt do thuế quan tăng và lệnh cấm vận của tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm phản ứng lại chiến tranh Yom Kippur. Tuy nhiên, Matthieu Auzanneau, giám đốc của dự án Shift, nhắc lại rằng: “Giá cả đã bắt đầu tăng từ rất lâu trước đó, từ năm 1970, thậm chí nó đã bắt đầu khi Mỹ sản xuất dầu đạt đến mức đỉnh chứ không đơn thuần vì vấn đề thuế quan”.

Thời điểm đó, đối mặt với sự tăng nhanh của giá cả, mức tăng trưởng của Mỹ đã giảm mạnh, từ 5,6% năm 1973 xuống -0,5% năm 1974 và từ 6% năm 1973 lên – 0,6% năm 1975 đối với các nước thuộc Liên minh Châu Âu. Để giải quyết tình hình này, chính phủ phương Tây đã phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, điều này gợi nhớ đến những biện pháp được cơ quan năng lượng quốc tế khuyến nghị vào thứ sáu ngày 18/3 năm nay (giảm tốc độ trên đường, ngày chủ nhật không ô tô, hỗ trợ giao thông công cộng…)

Được biết, để khắc phục khủng hoảng, từ năm 1973, Thụy Sĩ và Hà Lan cấm lái xe ô tô vào tất cả các chủ nhật, Pháp thì đưa ra luật giới hạn tốc độ trên đường cao tốc ở mức 120 km/h, giới hạn hệ thống sưởi ở 20°C, đồng thời ban bố thêm lệnh cấm các cửa hàng chiếu sáng vào ban đêm hoặc dừng phát sóng truyền hình vào 11 giờ đêm.

“Cha mẹ tôi đã dán băng dính đỏ vào tất cả các vòi để nhắc nhở chúng tôi rằng chúng tôi phải hạn chế sử dụng nước nóng”, Guillaume de Montlivault, 58 tuổi, một diễn viên ở Montpellier, nhớ lại.

Ngoài ra, Christian Chommy, 78 tuổi, lúc đó là kỹ sư kết cấu tại ADP cho biết: “Năm 1968, sếp của tôi vẫn giải thích rằng tài nguyên thiên nhiên miễn phí và dồi dào nhưng chỉ vài năm sau, mọi thứ đã đổi khác: các công trình của chúng tôi trở nên nhẹ hơn để ít tiêu thụ vật liệu hơn. Không những thế, trên các công trường, tôi thấy các bạn ở chuyên ngành xây dựng còn phải làm những khối bê tông bằng xe trộn để tiết kiệm hơn”.

Tình hình tại Mỹ lúc đó cũng khó khăn không kém: “Người Mỹ đã xếp hàng hàng giờ để đổ đầy thùng cho những chiếc xe bán tải khổng lồ của họ, họ căng thẳng và hoảng sợ tột đột chỉ vì sợ thiếu nhiên liệu, đôi khi những cuộc đánh nhau cũng đã nổ ra chỉ vì tranh giành nguyên liệu”, Meg Jacobs, nhà sử học tại Đại học Princeton đã khẳng định trong cuốn sách Panic at the Pump.

“Nỗi lo thất nghiệp”

Tuy nhiên, ở cả hai bờ Đại Tây Dương, không có biện pháp tiền tệ và ngân sách nào được thực hiện vào thời điểm đó để ngăn chặn sự gia tăng giá cả.

“Giai đoạn này đánh dấu sự kết thúc của những năm tháng huy hoàng, khi sự xuất hiện của tình trạng thất nghiệp hàng loạt và lạm phát xảy ra khắp nơi trên thế giới”, Céline Antonin, thuộc đài quan sát điều kiện kinh tế Pháp nhớ lại.

Chính phủ đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan khủng khiếp: làm thế nào để chống lại cả tình trạng thất nghiệp và lạm phát tăng vọt?

Năm 1974, Jacques Chirac, ở Pháp, lần đầu tiên cố gắng thiết lập một số biện pháp để giảm tải leo thang giá cả, với “kế hoạch Fourcade”, tuy nhiên kế hoạch đã không thành công. Tiếp đó, ông đã áp dụng các biện pháp kích thích thông qua đầu tư để “đưa nước Pháp thoát khỏi tình trạng ảm đạm” và giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng điều này dường như vô ích. Năm 1976, Bercy xây dựng một kế hoạch thắt lưng buộc bụng bằng việc tăng thuế để hạn chế nhu cầu và kiềm chế sự tăng giá, đây lại là một thất bại khác. Về tỷ lệ người thất nghiệp, vào năm 1974, cả nước thống kê được 500.000 người thất nghiệp, đây là điều chưa từng thấy trước đây và đã vượt qua một triệu vào năm 1977.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn vào năm 1979, khi cuộc chiến giữa Iran và Iraq gây ra cú sốc dầu thứ hai. Trong 12 tháng, giá dầu tăng 37,3%, xăng tăng 16,3% và xăng tăng 15,7%, kèm theo đó là số lượng người thất nghiệp tiếp tục tăng. Sylvie Fortier cho biết: “ Nỗi lo thất nghiệp làm tan vỡ mọi kế hoạch cuộc sống của tôi. Tôi bắt đầu lướt qua các trang rao vặt để tìm việc, nhưng vô ích. Vậy nên tôi quyết định phải về ở với bố mẹ đẻ nhằm tiết kiệm chi phí”.

Cuối những năm 1970 đánh dấu một bước ngoặt lớn về tư tưởng kinh tế khi chính sách thắt lưng buộc bụng được áp dụng sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, đặc biệt sụp đổ hệ thống kinh tế ở Đức, đã làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái toàn cầu. Tiếp đến, năm 1937, việc thắt chặt tiền tệ và ngân sách đối với Mỹ đã khiến nền kinh tế trở nên tệ càng tệ hơn.

Rủi ro của vòng xoáy lạm phát-tiền lương được hạn chế

Chính phủ các nước lần lượt bắt tay vào cuộc chiến chống lạm phát bằng việc thực hiện một loạt các chính sách: chấm dứt việc chỉ số hóa tiền lương theo mức giá được đưa ra sau chiến tranh, tăng thuế, phá giá đồng franc để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Kết quả của những chính sách này đã khiến lạm phát đã giảm từ 9,6% năm 1983 xuống còn 2,7% năm 1986. Yves-Thibault de Silguy, ủy viên các vấn đề kinh tế châu Âu từ năm 1995 đến 1999, đưa ra lời nhận xét: “Điều này mở đường cho việc sử dụng đồng euro, với điều kiện là phải kiểm soát được giá cả”. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục leo thang, từ 7,3% vào cuối năm 1983 lên 9,3% vào cuối năm 1985.

Ông Eric Monnet, nhà kinh tế và nhà sử học tại trường kinh tế Paris, quan sát được rằng: “Những năm 1970 đã dạy chúng ta về sự bùng nổ lạm phát có thể gây nên sự bùng nổ về mặt xã hội như thế nào”. Việc giảm chỉ số tiền lương ồ ạt, diễn ra ở một số nước công nghiệp phát triển cùng lúc với ở Pháp, giờ đây đã làm hạn chế nguy cơ xảy ra vòng xoáy lạm phát – tiền lương. Charles Wyplosz cho biết: “Nhưng điều quan trọng hơn là áp dụng các biện pháp về ngân sách để bảo vệ sức mua của những người nghèo, kể từ khi giá nguyên liệu, thực phẩm tăng nhanh”.

Để hạn chế đà tăng giá, Fed đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 1/4 điểm vào ngày 16/3 (hiện chúng dao động trong khoảng 0,25% đến 0,5%) và ECB sẽ sớm làm theo. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi rủi ro về việc thắt chặt tiền tệ sẽ kìm hãm sự tăng trưởng và làm lung lay thị trường. Lý do chính là bởi vì nền kinh tế hiện tại đang cho thấy nợ công cao hơn nhiều so với năm mươi năm trước.

Thêm vào đó là sự đa dạng hóa cần thiết của các nguồn năng lượng. Sau năm 1973, các quốc gia đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ từ vịnh Ả Rập. Pháp đã khởi động chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân vào năm 1974, Nhật Bản cũng vậy. Những nước khác đã chuyển sang sử dụng khí đốt tự nhiên, hiện chiếm 20% mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng của thế giới, so với 8% cách đây năm mươi năm trước – điều này đã làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của Đức và Đông Âu vào Nga. Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô cũng áp dụng các tiêu chuẩn mới như thúc đẩy sử dụng các loại xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Trên thực tế, những cú sốc dầu mỏ đầu tiên cũng thúc đẩy các khoản đầu tư vào việc khai thác hydrocacbon, chẳng hạn như dầu, đá phiến và khí đốt. Và, nếu doanh số bán xe hơi giảm vào năm 1973 ở Pháp, thì năm 1975 họ đã khởi động trở lại. Hành vi mua hàng của các hộ gia đình phương Tây vẫn chưa thực sự thay đổi. Nathalie Dumont nhận xét : “Chúng tôi đã cố gắng giảm thiểu sự lãng phí trong vài tháng bằng việc sử dụng xe đạp đi làm, nhưng sau đó khi tình hình tốt hơn trở lại, chúng tôi quên hết mọi thứ và quay trở lại mức tiêu dùng như cũ.”

“Đối mặt với cú sốc do cuộc chiến Ukraine gây ra, giờ đây chỉ có hai con đường. Đầu tiên là giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách phát triển các nguồn năng tái tạo được. Thứ hai là tìm kiếm các “nguồn cung cấp thay thế”, trong ngắn hạn và trung hạn, cho các hydrocacbon của Nga, chẳng hạn như dầu của Venezuela hoặc khí đốt hóa lỏng của Mỹ, ông Michel Lepetit nói.

Hồng Ngọc (Theo Le Monde)

Bài mới
Đọc nhiều