Những công trình tượng đài, khẩu hiệu tiền tỷ xôn xao dư luận
Ngoài Hòa Bình, hàng loạt địa phương trên cả nước cũng triển khai xây dựng những công trình tượng đài, cổng chào… tiền tỷ khiến dư luận xôn xao. Video: Công trình lắp đặt 11 chữ khẩu hiệu hết gần 11 tỷ đồng ở Hòa Bình
Dư luận đang xôn xao trước thông tin tỉnh Hòa Bình chi gần 11 tỷ đồng lắp đặt khẩu hiệu 11 chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” trên đồi Ông Tượng (phường Phương Lâm, TP Hòa Bình). Tính ra, mỗi chữ trên công trình khẩu hiệu này tiêu tốn ngót nghét 1 tỷ đồng.
Được biết, vốn đầu tư của dự án sử dụng từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế của tỉnh. Vật liệu để dựng khẩu hiệu 11 chữ gồm khung kết cấu thép tráng kẽm, vật liệu bọc thành chữ là tấm aluminium, mặt chính diện bằng thép tấm sơn tĩnh điện, trên mặt đục lỗ bố trí các bóng đèn led, hệ thống đèn led điều khiển tự động, hẹn giờ.
Dự án trên được ông Bùi Văn Cửu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ký Quyết định 1071 phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 12/5/2019. Thời gian thực hiện dự án là năm 2020.
Thông tin về dự án trên nhanh chóng được chia sẻ rầm rộ trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng Hòa Bình là một tỉnh còn nghèo, nhiều nơi điện đường, trường, trạm chưa được đầu tư xây dựng khiến đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên chi số tiền lớn như vậy để xây lắp khẩu hiệu là không cần thiết.
Trên thực tế, ngoài tỉnh Hòa Bình hàng loạt địa phương trên cả nước cũng triển khai xây dựng những công trình tượng đài, cổng chào… tiền tỷ khiến dư luận bàn tán xôn xao.
Cổng chào 6,8 tỷ đồng ở An Giang
Năm 2020, TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) trích ngân sách 6,8 tỷ đồng xây dựng cổng chào cao 13m, rộng 22,8m nhằm tạo điểm nhấn, quảng bá hình ảnh với du khách.
Công trình được xây dựng trên quốc lộ 91, tại phường Mỹ Thạnh, giáp ranh với quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Công trình gồm các hạng mục: xây dựng với kinh phí 4,6 tỷ đồng; nâng cao đường dây điện khu vực cổng chào gần một tỷ đồng; còn lại là chi phí dự phòng, tư vấn, thiết kế.
Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng TP Long Xuyên, đây là công trình có kiến trúc đặc thù, có vị trí quan trọng, điểm nhấn đô thị và trên các tuyến đường chính trong đồ án quy hoạch xây dựng, kiến trúc đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Cổng chào có ý nghĩa quảng bá hình ảnh TP Long Xuyên, tạo ấn tượng đẹp cho du khách gần xa khi đến tham quan và làm việc tại An Giang. Đặc biệt, công trình góp phần quan trọng trong việc nâng cấp đô thị loại I trong năm nay.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc xây cổng chào này gây lãng phí.
Huyện nghèo rót 14 tỷ xây tượng đài
Huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam), một huyện nghèo nằm trong nhóm 1 (gồm 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh) đang hưởng chính sách 30a của Chính phủ vẫn đầu tư xây dựng tượng đài chiến thắng Khâm Đức có dự toán hơn 14 tỷ đồng.
Công trình có chiều cao khoảng 25m, chiều rộng khoảng 15m được xây dựng tại khu vực cổng chào của huyện miền.
Năm 2010, Tượng đài Khâm Đức được xây dựng, nhưng sau đó hư hỏng, xuống cấp. Tháng 7/2017, tượng đài được khởi công tu bổ và dự kiến đến năm 2019 hoàn thành nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Khâm Đức.
Tuy nhiên, do thiếu hụt nguồn vốn trong quá trình thi công nên đến tháng 5/2020, công trình mới hoàn thành 80%.
Xây tượng đài 48 tỷ đồng
Công trình tượng đài Khởi Nghĩa Vĩnh Thạnh do UBND tỉnh Bình Định phê duyệt năm 2019. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 48 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% và huyện Vĩnh Thạnh huy động từ các nguồn vốn xã hội hóa khác.
Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh được xây dựng trên diện tích khuôn viên hơn 3.000m2, trong đó phần tượng đài có chiều cao 20m, phần thân tượng đài cao 15,5 m, phần bục cao 4,5 m, sử dụng chất liệu đá nguyên khối.
Phần chính của tượng đài là hình ảnh điêu khắc phác họa tình quân dân hai làng Tơlok, Tơlek (đồng bào Ba Na) tự vũ trang đứng lên chống lại chế độ Mỹ – Diệm, tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây hơn 60 năm.
Kết cấu sân, mặt bậc cấp khuôn viên công trình được thi công bằng bê tông và hoàn thiện lát đá granit tạo hoa văn và lan can xung quanh được làm bằng đá.
Tuy nhiên, có những ý kiến liên quan đến nhiều chi tiết điêu khắc của tượng đài chưa phải là của người Ba Na nên một số già làng có ý kiến.
Đặc biệt cũng có ý kiến cho rằng, huyện Vĩnh Thạnh là một trong ba huyện nghèo của tỉnh Bình Định nhưng làm công trình gần 50 tỷ đồng thì quá lớn.
Huyện ‘nợ như Chúa Chổm’ muốn xây tượng đài 20 tỷ
Tháng 5/2020, UBND huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hoá) làm tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa để xin chủ trương đầu tư xây dựng tượng đài Bà Triệu tại khu công viên quảng trường trung tâm huyện Yên Định.
Theo lãnh đạo huyện, tổng mức đầu tư xây dựng công trình tượng đài dự kiến khoảng 20 tỷ đồng, từ ngân sách huyện và nguồn huy động hợp pháp khác.
Thông tin huyện Yên Định muốn xin xây dựng tượng đài 20 tỷ đồng lập tức gây xôn xao dư luận, bởi đến nay huyện này vẫn còn chưa trả được món nợ 50 tỷ đồng vay mượn suốt nhiều năm.
Đây là khoản nợ chủ yếu rơi vào giai đoạn 2011 – 2015, khi ông Hoàng Cao Thắng làm Bí thư Huyện ủy và bà Ngô Thị Hoa làm Chủ tịch UBND huyện. Cả hai vị này hiện đã nghỉ hưu.
Trong giai đoạn này, nhiều cán bộ công tác tại các vị trí của Văn phòng Huyện ủy Yên Định, Văn phòng UBND, Phòng Văn hóa, Phòng Thanh tra… đều lâm vào cảnh bị UBND huyện, Huyện ủy nợ tiền.
Theo thống kê sơ bộ, UBND huyện Yên Định bị tố đang nợ khoảng 23 tỷ đồng, Huyện ủy nợ khoảng 29 tỷ đồng.
Những món nợ của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định chủ yếu như nợ tiền sửa sang cơ sở vật chất công sở Huyện ủy, UBND huyện; tiền xăng xe đi công tác của lãnh đạo; tiền sửa xe khi hư hỏng; tiền quà tặng các dịp đại hội, lễ kỷ niệm; tiền chè nước; giấy mực in; tiền ăn uống, nghỉ ngơi khi tiếp khách ở các nhà hàng, khách sạn của lãnh đạo huyện.
PV/VTC