+
Aa
-
like
comment

Những công nhân tỉ phú ở Binh đoàn 15

19/11/2019 09:56

Đóng quân trên rừng núi Tây Nguyên, Công ty 78 (Binh đoàn 15) có những triệu phú, tỉ phú là… công nhân cạo mủ cao su.

Cán bộ Binh đoàn 15 hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số cạo mủ cao su
Cán bộ Binh đoàn 15 hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số cạo mủ cao su

Khi công ty cần huy động vốn, công nhân lại là người mang tiền đến cho công ty mượn…

Cho công ty vay tiền tỉ

Chỉ về những ngôi nhà cấp 4 nằm trong các đội sản xuất giữa bạt ngàn rừng cao su, thiếu tá Nguyễn Sỹ Cường (đội trưởng đội sản xuất số 4 – Công ty 78), thôn trưởng thôn Ia Boong (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) tự hào bảo: “Nhìn nhà gỗ lụp xụp tuềnh toàng vậy thôi chứ toàn triệu phú, tỉ phú không đấy.

Ở đây công nhân cạo mủ mà có tiền tỉ trong tay đó. Khi công ty huy động vốn, công nhân đi rút tiền ở ngân hàng về cho công ty mượn. Người nào ít vài chục triệu, nhiều thì bảy tám trăm triệu đồng. Có người cho công ty mượn hàng tỉ đồng.

Đội 1 là đội đứng đầu số người cho công ty mượn, mỗi hộ cứ đều đều 200 – 300 triệu. Công nhân nhưng chịu khó làm, khai hoang trồng cao su tiểu điền nên giờ giàu có, khá giả lắm”.

Tưởng chuyện đùa nhưng khi hỏi, thiếu tá Nguyễn Hồng Lam – giám đốc Công ty 78 – gật đầu xác nhận. Anh cho biết không hiếm những công nhân là người Kinh, người dân tộc thiểu số giờ đã trở thành triệu phú, tỉ phú.

Sau thời gian tích lũy từ thời cao su được giá, lương cao, họ mua đất, khai hoang thêm và hiện có trong tay hàng chục hecta cao su trị giá hàng tỉ đồng. Từ chỗ người làm thuê, họ trồng cao su tiểu điền bán lại cho công ty, thu về hàng trăm triệu đồng một hecta.

Già làng tỉ phú

Bốn năm trước, dù không phải là người dân tộc thiểu số tại địa phương nhưng anh Thiều Quang Hoan (quê Thanh Hóa, công nhân đội sản xuất số 4 ở thôn Ia Boong) đã được bầu chọn làm già làng thôn Ia Boong – nơi có 80% công nhân là người dân tộc thiểu số. Vợ anh Hoan, chị Lữ Thị Hoài, cũng là công nhân cạo mủ cao su.

“Hai vợ chồng Hoan đều ở xa đến, nhờ chăm chỉ và nhanh nhẹn làm ăn mà có được hàng tỉ đồng trong tay. Người dân trong thôn vừa ngưỡng mộ vừa tôn trọng và tin tưởng nên bầu Hoan làm già làng từ năm 2015” – thiếu tá Nguyễn Sỹ Cường giải thích.

Thiếu tá Cường khẳng định hiện nay vợ chồng anh Hoan là công nhân giàu nhất Công ty 78. Tài sản của vợ chồng già làng Thiều Quang Hoan ở thời điểm này là 17ha cao su gần cho mủ (trị giá hơn 3 tỉ đồng), 3ha đất trồng cây ăn trái chuẩn bị thu hoạch, 1ha gỗ trắc 7-8 năm tuổi và một số bất động sản ở thành phố Pleiku (Gia Lai) và Thanh Hóa.

Gắn bó với công ty từ những năm tháng gian khổ, sau này khi lấy nhau vợ chồng anh Hoan chăm chỉ làm ăn, tích cóp dần. Có tiền, vợ chồng anh mua đất. Ngày nghỉ thì đi kiếm những thân, gốc gỗ trắc ở bờ lô bộ đội vất lại từ thời khai hoang để bán.

“Mấy năm trước gỗ trắc bán được giá lắm. Có gốc người ta trả 120 triệu đồng mình không bán. Khi công ty có chủ trương cho tận thu đất bờ lô, hợp thủy là phần diện tích đất công ty làm chưa hết chừa lại để trồng cao su, vợ chồng mình ngày đêm khai hoang, mua giống về trồng. Tiết kiệm được bao nhiêu lại mua đất, mua cây giống về trồng làm cao su tiểu điền. Cứ vậy mà lên thôi” – già làng Thiều Quang Hoan nói.

Những công nhân tỉ phú ở Binh đoàn 15 - Ảnh 1.
Vợ chồng công nhân – già làng Thiều Quang Hoan trút mủ trên l6 cao su – Ảnh: MY LĂNG

Ngôi nhà bạc tỉ giữa rừng cao su

Từ con đường đất đi vào đội sản xuất số 1, ngay từ xa chúng tôi đã nhìn thấy ngôi nhà gỗ hai tầng cao nổi trội giữa hàng chục nóc nhà xây. Ngôi nhà hoành tráng này rộng 200m2 mỗi tầng, làm hoàn toàn bằng gỗ từ bên ngoài đến toàn bộ nội thất bên trong với chi phí hơn 2 tỉ đồng.

Chủ nhân ngôi nhà là vợ chồng anh Xanh, chị Lan – công nhân cạo mủ cao. Căn nhà gỗ hoành tráng nhất nhì Mô Rai này đã có đại gia Vũng Tàu nài nỉ trả hơn 3 tỉ đồng nhưng chủ nhà không bán. Đó không phải là căn nhà đầu tiên của vợ chồng anh Xanh, chị Lan.

Công ty 78 kết nghĩa với các thôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Công ty 78 kết nghĩa với các thôn làng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Có lẽ 18 năm trước, khi trốn nhà đón xe vào Mô Rai, Trần Thạch Xanh, chàng thanh niên người Phú Thọ, không dám nghĩ đến viễn cảnh sau này có trong tay tiền tỉ đồng, được ở căn nhà bề thế chỉ bằng nghề cạo mủ và trồng cao su.

“Mình nhập ngũ vào binh đoàn từ tháng 1-2001. Lúc đó mình vừa học xong lớp 12, đã đi nghĩa vụ quân sự ở Quân khu 2. Nghe thông tin trên đài nói binh đoàn đang tuyển dụng người để đi phát triển kinh tế, mình xung phong ngay. Mình phải trốn nhà đi vì bố mẹ muốn mình thi đại học” – anh Xanh kể.

Khi công ty khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, cho công nhân tận dụng bờ lô hợp thủy của đơn vị, vợ chồng anh chị khai hoang được hơn 10ha và trồng cao su phủ kín – một thành quả không tin nổi chỉ với bàn tay lao động của hai vợ chồng!

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 gặp gỡ, động viên các công nhân tham gia hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cao su
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 gặp gỡ, động viên các công nhân tham gia hội thi thợ giỏi thu hoạch mủ cao su

Anh nhớ lại: “Trưa hai vợ chồng không có thời gian ngủ. Sáng sớm ăn xong mang cặp lồng cơm, nước lên lô, trưa không về mà ở lại làm cho nhanh, xong trước người ta rồi về chăm sóc vườn cây được khoán để tranh thủ đi dọn cỏ, khai hoang đất của mình. Lúc nào vợ chồng mình cũng cố gắng làm thật nhanh, làm xong trước người khác. Tối hai vợ chồng làm đến khi không nhìn thấy gì nữa mới thôi”.

Sau này để dễ quản lý, vợ chồng anh đã nhượng lại cho công ty hơn 10ha cao su ấy, thu về hơn 2 tỉ đồng. Từ số tiền đó, vợ chồng anh Xanh mua ba mảnh đất ở Mô Rai, hai mảnh ở quê, một ít gửi ngân hàng, phần còn lại mua đất nghèo rồi cải tạo lại trồng cao su.

“Bây giờ vợ chồng mình lại có hơn 10ha cao su. Mỗi hecta giờ nếu bán cũng được ít nhất 150 triệu. Đó là vì giá cao su thấp, nếu cao như hồi năm 2011, 2012 thì không có giá này đâu” – anh Xanh cho hay.

MY LĂNG/Tuổi Trẻ

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều