Những chuyến đi tăng cường vị thế Việt Nam trên đấu trường quốc tế
Được sự tin tưởng của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã có cơ hội được tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ngay sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN 42. Nhờ đó mà Việt Nam đã có nhiều đề xuất quan trọng để lại ấn tượng sâu sắc về tiếng nói và vị thế Việt Nam trên toàn cầu. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao nhóm các nước G7 lại xem trọng Việt Nam?
Nếu tại hội nghị ASEAN 42, trong bối cảnh cạnh tranh các nước lớn căng thẳng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu ba vấn đề cốt lõi để quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN trên trường quốc tế sắp tới, đó là giữ vững độc lập, tự chủ về chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng, và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài. Thì tại hội nghị G7, tại ba phiên họp của Hội nghị gồm: “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững” và “Hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, Thủ tướng cũng đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực.
Chẳng hạn như quan điểm hòa bình nên là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế, cần phấn đấu sao cho mọi quốc gia đều đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và cần được thực hiện bằng những cam kết cụ thể.
Chỉ khi chung tay phấn đấu cho hòa bình thì mới có thể thực hiện những mục tiêu an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh con người cũng như giải quyết vấn đề lớn nhất hiện nay đó là biến đổi khí hậu.
Thủ tướng nhấn mạnh về phía Việt Nam sẽ làm hết sức mình, cùng chung tay đóng góp cho mục tiêu này.
Về phiên họp “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, Thủ tướng cũng đề xuất cần nâng cao hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, tăng cường phối hợp chính sách, nhất là về lãi suất, tài chính – tiền tệ, thương mại và đầu tư, cải cách hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của WTO. Chỉ khi các nước quyết tâm và hành động trên quy mô toàn cầu thì mới có cơ sở để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các nước nhỏ cần phối hợp hợp tác, còn các nước lớn thì cần dựa trên tinh thần không để ai, không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau, để hỗ trợ nhau, cùng nhau đi lên.
Nhìn chung, đoàn Việt Nam tại hai hội nghị lớn vừa qua đều đã có nhiều đề xuất cho thấy mình là một quốc gia am hiểu về tình hình khu vực và trên thế giới. Khi có những đề xuất phù hợp với từng hội nghị. Đặc biệt tại hội nghị G7, trong tình hình các nước lớn cạnh tranh và gây ra nhiều sóng gió về chính trị – kinh tế, Việt Nam đã nổi lên như một quốc gia trung gian gắn kết các nước với nhau để hướng tới mục tiêu bền vững, với những đề xuất phù hợp với tình hình chung, có sự điều hướng kịp thời.
Những đề xuất của Việt Nam lại phù hợp với tâm tư của nhiều nước lớn hiện nay, đặc biệt một số nước thuộc nhóm G7, vị thế của các nước này khiến họ không thể đứng ngoài những tranh chấp về địa chính trị, nhưng họ cũng không muốn một thế giới chia rẽ hay đi theo sự thao túng của bất kỳ nước nào. Do đó họ cần những đề xuất thiết thực để duy trì hòa bình nhưng phải phải phù hợp với tình hình quốc tế. Đây chính là cơ hội và cũng là vai trò mà Việt Nam đã và đang phát huy, giúp đất nước có tiếng nói ngày một lớn trên trường quốc tế đặc biệt còn được xem trọng trong các cuộc họp quan trọng của các nước lớn.
Về phía các nước ASEAN, như Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn hồi đầu tháng 5 cũng từng nhận xét về vai trò của Việt Nam hiện nay trong khối ASEAN rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho ASEAN. Dù giữ vai trò nước chủ tịch ASEAN, thực hiện nhiệm vụ trong Ban Thư ký ASEAN hay là nước điều phối viên với các đối tác đối thoại, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng luôn thúc đẩy lợi ích của các quốc gia ASEAN. Có thể nói Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, chủ động, đóng góp lớn cho ASEAN.”
Huy Hoàng