+
Aa
-
like
comment

Những chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”

Bảo An - 12/07/2020 17:46

Ông Thương Vũ Huy Hoàng và cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cùng một số quan chức khác bị Cơ quan điều tra, Bộ Công an khởi tố điều tra là thông tin “nóng” nhất trên các mặt báo cuối tuần vừa qua.

Khỏi tố điều tra ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa

Việc khởi tố, điều tra với những người từng là quan chức cấp cao trong cơ quan công quyền, thậm chí là từng giữ vị trí “tư lệnh” các ngành, các địa phương là hành động mang tính chất mạnh tay, kiên quyết không khoan nhượng trước những hành vi sai phạm. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo nghiêm khắc về việc không còn tồn tại cái gọi là hạ cánh án toàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng không khỏi băn khoăn, đau đớn trước tình trạng nhiều cán bộ trượt dài trong các sai phạm dẫn đến bị xử lý kỷ luật, thậm chí là xử lý về mặt hình sự. Phải chăng công tác cán bộ của chúng ta tồn tại những lỗ hổng quá lớn?

Với quyết tâm làm trong sạch nội bộ, thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Không ít cán bộ lãnh đạo cấp cao của các Bộ, Ngành, địa phương đã bị đưa ra xử lý. Những góc khuất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại các cơ quan công quyền được đưa ra ánh sáng. Tùy tính chất, mức độ sai phạm, những chế tài thích đáng đã được đưa ra. Qua việc xử lý cán bộ sai phạm, một lần nữa chúng ta thấy rõ việc không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, khi những sai phạm của cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo cấp cao được công bố, mọi người không khỏi há hốc, ngạc nhiên vì những sai phạm “to như cột đình” mà các cán bộ đã thực hiện. Thậm chí, có không ít sai phạm mang tính hệ thống, diễn ra trong thời gian dài, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn cho tài sản của nhà nước. Những sai phạm được thực hiện đã làm méo mó, biến dạng những hoạt động bình thường của cơ quan công quyền. Vậy nhưng điều gì đã khiến cho những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng như vậy lại không bị phát hiện sớm? Điều gì đã khiến cho những quan chức suy thoái, biến chất vẫn ngang nhiên ngồi trên chiếc ghế công quyền, nắm trong tay quyền lực nhà nước trong một thời gian dài? Điều gì đã để cho những con voi… chui lọt lỗ kim?

Việc xử lý cán bộ sai phạm là điều đáng hoan nghênh. Nó là minh chứng rõ ràng nhất thể hiện tính công bằng, bình đẳng trong xã hội. Khi thực hiện hành vi sai phạm, bất kỳ ai cũng sẽ phải gánh chịu những chế tài tương ứng, không phân biệt họ là ai, họ từng làm gì. Đồng thời, qua đây có thể thấy rõ quyết tâm làm trong sạch nội bộ, kiên quyết đấu tranh với tham ô, những nhiễu của Đảng ta.

Tuy nhiên, việc xử lý sai phạm mới chỉ dừng lại ở bề nổi của vấn đề. Câu hỏi và đồng thời cũng là một bài toán vô cùng hóc búa mà chúng ta phải giải đáp là nguyên nhân gì khiến cho những sai phạm nghiêm trọng có thể tồn tại?

Về mặt lý thuyết, để có thể ngồi lên những vị trí lãnh đạo cấp cao, bản thân người được lựa chọn phải là những người có chuyên môn, trình độ, năng lực và đồng thời được sàng lọc qua nhiều giai đoạn, vượt qua nhiều “đối thủ”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những người được lựa chọn là những người có tiềm lực nhất. Tuy nhiên, một điều đáng buồn là hiện nay trên thực tế trong công tác cán bộ, tại không ít đơn vị, địa phương lại chỉ dừng lại ở việc “đúng quy trình”. Cái khiến “đúng quy trình” nhiều khi đã vượt lên khỏi quy định về chuyên môn, trình độ, năng lực, đạo đức. Đó quả thực là một điều đáng buồn.

Xét trên bình diện quyền lực Nhà nước, Đảng, Nhà nước ta luôn nhấn mạnh quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát. Nhìn nhận từ thực tiễn một số cán bộ cấp cao bị dính vào vòng lao lý thời gian qua, chúng ta không thể phủ nhận công tác cán bộ và công tác kiểm soát quyền lực Nhà nước đang là yếu điểm, là nguồn cơn dẫn đến nhiều sai phạm khó có thể khắc phục.

Quyền lực Nhà nước luôn mang trong mình đặc tính tha hóa. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì người nắm quyền lực này sẽ trượt dài trên những sai phạm. Sự tha hóa trong quyền lực đã hình thành nên những “nhóm lợi ích”, tạo ra những “lợi ích nhóm” mà ở đó, để củng cố những đặc quyền, đặc lợi, người ta sẵn sàng bất chấp các quy định của pháp luật, tiến hành “chạy chức”, “chạy quyền”, củng cố những nhóm quyền lực. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất đoàn kết trong nội bộ.

Trong bối cảnh Đại hội XIII đang đến gần, vấn đề chuẩn bị nhân sự đại hội đang được tập trung triển khai. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác nhân sự là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, quyết định vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ của đất nước. Để những con voi không còn chui lọt lỗ kim, để những “nhóm lợi ích” bị triệt tiêu, để không còn phải chứng kiến việc cán bộ cấp cao thoái hóa, biến chất bị xử lý, công tác cán bộ phải tiến hành thực sự khách quan, trong sáng. Cùng với đó, chúng ta cũng phải củng cố một cơ chế giám sát thực sự vững chắc, lựa chọn những con người thực sự thanh liêm, chính trực, không bị cám dỗ bởi các lợi ích phi pháp đế tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát, phòng ngừa suy thoái của quyền lực.

Bảo An

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều