Những chính sách hỗ trợ kinh tế đã bắt đầu phát huy tác dụng
Nếu nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu khủng hoảng đã khiến áp lực cung ứng vốn cho doanh nghiệp đè nặng lên vai các ngân hàng, cùng với đó là áp lực nợ phải trả của toàn nền kinh tế tăng cao, gây nguy cơ doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, thì nửa đầu năm 2023, sau loạt chính sách quyết liệt, tình hình đã được cải thiện.
Đầu tiên về vấn đề nợ, với Nghị định 08 của Chính phủ bổ sung hành lang pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đã bước đầu tạo dựng được niềm tin cho các nhà đầu tư, từ đó giúp nhiều doanh nghiệp có thể thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ từ 1 tháng cho đến 2 năm. Kết quả các tập đoàn lớn như Sovico, Novaland, Hưng Thịnh Land,… vừa qua đều ghi nhận những cải thiện tích cực. Sự vào cuộc kịp thời của Nghị định 08 đã giải cứu thành công nhiều doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản.
Bên cạnh Nghị định 08, thì Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn nợ tín dụng cũng đã phát huy tác dụng, phần nào giúp giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp/người dân có các khoản nợ tại ngân hàng.
Theo đó, trong quý II/2023, nợ nhóm 2 tại các tổ chức tín dụng (nhóm nợ xấu trong khoản thời gian từ 10 đến 90 ngày) đã không còn tăng sốc trong quý 2/2023 mà gần như đi ngang so với quý 1. Sự chững lại của nhóm nợ này đã cho thấy việc giãn nợ đang phát huy tác dụng, giúp giảm bớt áp lực thanh toán cho người dân/doanh nghiệp. Việc giãn nợ cho phép người dân/doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn mới, có thời gian xoay vòng để trả các khoản nợ cũ, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đầu tư, chi tiêu trong những tháng cuối năm.
Với cả hai chính sách nói trên, nợ của toàn nền kinh tế đang từng bước được giải tỏa, giảm được phần nào áp lực lên doanh nghiệp, người dân và ngân hàng. Quan trọng hơn, kết quả này có thể nói đã giải tỏa áp lực phần nào cho năm 2023, khi từ đầu năm đến nay nợ xấu tăng cao do nền kinh tế đối diện với khó khăn suy giảm tổng cầu, cả nội địa và xuất khẩu. Doanh nghiệp khó khăn do đơn hàng giảm, doanh thu giảm, tồn kho tăng…. Nhiều hộ gia đình, người dân, người lao động lao đao vì thu nhập giảm sút, thậm chí mất việc làm. Tình trạng trên đã khiến cho nợ xấu tăng đến cuối quý 2/2023, tổng nợ xấu của 27 ngân hàng niêm yết là 188.641,24 tỷ đồng; tăng 66.419,74 tỷ đồng so với cùng kỳ 2022 (122.221,5 tỷ đồng).
Những chính sách quyết liệt nói trên ý nghĩa ở chỗ đã giúp nợ cũ không chồng nợ mới, giảm được một gánh nặng rất lớn để doanh nghiệp và người dân có không gian xoay sở.
Bên cạnh đó không thể không nhắc đến về vấn đề cung ứng vốn cho doanh nghiệp. Hiện nay nếu việc vay vốn tín dụng bị nghẽn do ngân hàng e ngại rủi ro nợ xấu, thì từ đầu năm đến nay đã có tới 61 trong tổng số 62 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành thành công kể từ sau khi Nghị định 08 của chính phủ có hiệu lực. Kênh trái phiếu – kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp đã trở nên sôi động hơn trong những tháng gần đây. Cho thấy niềm tin đối với trái phiếu đã được khơi dậy, giảm phần nào áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng.
Sự trở lại kịp thời của kênh trái phiếu được mà đằng sau đó được thúc đẩy bởi hàng loạt chính sách hâm nóng thị trường đã phần nào giải tỏa được nhu cầu vốn của nhiều doanh nghiệp lớn, giúp họ có thêm vốn để duy trì doanh nghiệp, công ăn việc làm cho người lao động.
Tin rằng nửa cuối năm 2023 vẫn sẽ còn nhiều thách thức, nhưng với những thành quả đạt được vừa qua, những chính sách đã và sắp ban hành sẽ tiếp tục phát huy để vực dậy nền kinh tế.
Huy Hoàng