+
Aa
-
like
comment

Những chiến dịch ‘truyền thông’ thì tin giả chưa bằng ‘bài giả’

11/08/2019 08:45

‘Bài giả’ là một từ mới đặt ra tạm thời để chỉ loại bài viết về các nhân vật nhưng thông tin không chính xác, mang tính ca tụng, cường điệu hóa trong những chiến dịch ‘truyền thông’ nhằm cứu vãn uy tín của các nhân vật này.

Những chiến dịch truyền thông thì tin giả chưa bằng bài giả - Ảnh 1.
Nhân vật Epstein

Tờ New York Times vừa viết về ba “bài giả” như thế đăng trên các tờ báo Forbes, National Review và HuffPost.

Trước hết, hãy làm quen với nhân vật Jeffrey Epstein, một tỉ phú tài chính người Mỹ, giao thiệp rộng, từng làm bạn với cựu tổng thống Bill Clinton. Ông này đang bị tạm giam, chờ ngày hầu tòa vì cáo buộc tổ chức đường dây mại dâm với trẻ vị thành niên.

Vấn đề nằm ở chỗ trước đó, năm 2008, Epstein từng bị tòa xử về tội mua dâm trẻ vị thành niên nhưng do thỏa thuận thú tội một vụ với bên công tố nên chỉ chịu mức án 13 tháng tù giam; còn 36 nạn nhân khác công tố bỏ qua.

Công tố viên ngày ấy, ông Alexander Acosta, sau lên làm bộ trưởng Lao động Mỹ và khi bị báo chí phanh phui chuyện ngày xưa, vừa phải từ chức.

Theo New York Times, sau khi ra tù, Epstein ẩn thân vài năm rồi sau đó làm một chiến dịch truyền thông để xóa tai tiếng cũ, xây dựng hình ảnh mới. Thế là xuất hiện các bài viết ca tụng Epstein như một người chuyên làm công tác xã hội vị kỷ, có tầm nhìn xa, có mối quan tâm đặc biệt với khoa học.

Bài trên Forbes đăng năm 2013 khen ngợi ông ta là “một trong những người hỗ trợ cho nền khoa học vượt trội khắp thế giới”. Bài trên National Review gọi ông ta là “doanh nhân thông minh” có niềm “đam mê khoa học vượt trội”.

Bài trên HuffPost đăng năm 2017 nêu bật nỗ lực của Epstein nhằm giúp một số nhà khoa học hoạt động trong một thời đại Chính phủ Mỹ “có nhiều chính sách chống khoa học và cắt giảm ngân sách”.

Cả ba bài đều đã bị rút xuống sau khi bị New York Times phanh phui.

Tuy nhiên, New York Times cũng cho rằng báo chí truyền thống không đến nỗi chạy bài “truyền thông” thô thiển như thế; ba bài trên xuất hiện là do mô hình xuất bản trực tuyến dựa vào lực lượng cộng tác viên bên ngoài thiếu kiểm soát.

Bài trên Forbes không do phóng viên báo này viết mà của cộng tác viên Drew Hendricks đưa lên (thậm chí ông này cũng không phải là tác giả – một hãng quan hệ công chúng đưa bài cho ổng, nói ổng ký tên đăng lên Forbes để nhận “nhuận bút” 600 đôla).

Trả lời phỏng vấn của New York Times, Drew Hendricks thừa nhận không biết lịch sử đầy tai tiếng của Epstein, chỉ biết ông ta là người làm khoa học: “Nếu đã biết [sự thật], tôi đã không nhận lời” – Hendricks phân trần.

Khi gỡ bài, Forbes bảo bài này “không đáp ứng chuẩn mực biên tập của chúng tôi”. Nhưng kể cũng hơi lạ, phải mất 6 năm Forbes mới nhận ra điều này!

Theo New York Times, Forbes có 200 phóng viên cơ hữu cho chuyện bài vở nhưng đa số trong hơn 100 bài viết Forbes xuất bản hằng ngày đến từ đội ngũ 3.000 cộng tác viên. Và dù lượng view tăng nhờ sự đa dạng này, Forbes bị phê phán do biên tập không kỹ để lọt những bài gây tranh cãi.

Damon Kiesow – một nhà báo dạy tại trường báo chí, Đại học Missouri – cho rằng mô hình sử dụng cộng tác viên bên ngoài giúp Forbes đạt lợi nhuận nhưng đồng thời gây rủi ro cho tên tuổi của Forbes, từ một ấn phẩm về kinh doanh có uy tín thành một trại sản xuất nội dung.

HuffPost cũng theo đuổi mô hình cho phép các cây bút bên ngoài đăng bài thoải mái nhưng đến năm ngoái thì ngưng. Bài về Epstein xuất hiện khi mô hình này còn tồn tại, do cộng tác viên Rachel Wolfson viết.

Lý do gỡ bài theo HuffPost là do yêu cầu của tác giả, nhưng tác giả này từ chối mọi đề nghị phỏng vấn của New York Times.

Từ năm 2005 – 2018, hơn 100.000 cộng tác viên đã lợi dụng cơ chế mở, không biên tập của HuffPost, một cơ chế mà theo tổng biên tập Lydia Polgreen, “có thời được xem là dân chủ hóa triệt để nay đe dọa nền dân chủ với các đợt sóng thần tin tức giả mà chúng tôi phải đối diện hằng ngày”. Bà này kết luận: “Khi bất kỳ ai cũng có cái loa trong tay, không ai nghe ai được cả”.

Bài trên tờ National Review do Christina Galbraith viết. Cô này tự giới thiệu là người viết về các đề tài khoa học, cũng từng cộng tác với Forbes và HuffPost nhưng thật ra là người làm PR cho Epstein, ghi tên mình là người liên lạc trong các thông cáo báo chí về các sáng kiến của ông này trong nhiều năm trước.

Chủ bút tờ National Review rút bài và ngỏ ý lấy làm tiếc đã xuất bản nó. Ông cho biết ấn phẩm của mình hiện đã có quy trình loại trừ các bài “truyền thông” từ các chuyên gia vận động hành lang và các nhân viên PR. Thế mới biết chuyện gỡ bài nước nào cũng có.

(Theo Tuổi Trẻ)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều