+
Aa
-
like
comment

Những chiếc tàu ngầm bí mật tiết lộ kế hoạch lạnh người của Trung Quốc

24/12/2019 14:30

Biển Andaman đang nhanh chóng trở thành mục tiêu mới nhất trong chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.

Những chiếc tàu ngầm bí mật tiết lộ kế hoạch lạnh người của Trung Quốc
Những chiếc tàu ngầm bí mật tiết lộ kế hoạch lạnh người của Trung Quốc

Theo trang tin news.com.au của Australia, Ấn Độ đã ghi nhận sự gia tăng hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc trong vùng biển mang tầm quan trọng chiến lược này.

Cuối tháng trước, Hải quân Ấn Độ đã xua đuổi một tàu do thám Trung Quốc ra khỏi lãnh hải của họ. Tuy nhiên, một số nguồn tin từ Hải quân Ấn Độ cho biết các tàu ngầm Trung Quốc đang trở thành “khách ghé thăm thường xuyên” tới khu vực này. Và chúng khó đối phó hơn nhiều so với các loại tàu khác.

Hồi tháng 9 năm nay, Hải quân Ấn Độ đã xua đuổi tàu khảo sát Shiyan-1 của Trung Quốc do xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ. Tàu trung Quốc đã di chuyển giữa các đảo Andaman và Nicobar khi chưa được phép.

Theo trang tin của Úc, những con tàu khảo sát đang vẽ sơ đồ đáy đại dương như Shiyan-1 chỉ nhằm hai mục đích: Quân sự hoặc Kinh tế.

Tìm kiểu dầu mỏ, khí đốt hoặc các nguồn tài nguyên quan trọng khác trong vùng biển Ấn Độ là một hành động “táo tợn”, trong khi thu thập và vẽ các biểu đồ với độ phân giải cao về các hẻm núi dưới đáy biển để tàu ngầm ẩn nấp sẽ là hành động mang thiên hướng tấn công.

Lý do đích xác tại sao Trung Quốc lại hứng thú với những hòn đảo này có thể suy luận ra từ vị trí lân cận của eo biển Malacca. Eo biển hẹp này là nút thắt trên hầu hết các tuyến đường biển thương mại và cung ứng nhiên liệu của châu Á.

Trong bất cứ cuộc xung đột nào nổ ra ở tương lai, việc nắm rõ các vùng biển xung quanh sẽ quyết định thắng bại. Và cuộc chiến đó sẽ diễn ra ở ngưỡng cửa của Australia.

Con mắt tọc mạch

Những chiếc tàu ngầm bí mật tiết lộ kế hoạch lạnh người của Trung Quốc - Ảnh 1.
Tàu khảo sát Shiyan 1 của Trung Quốc. Ảnh: Học viện khoa học Trung Quốc

Shiyan 1 là minh chứng rõ ràng nhất cho hành động xâm phạm của Trung Quốc đối với vùng biển của Ấn Độ. Tàu thuyền quốc tế có quyền tự do hàng hải qua các vùng kinh tế như vậy nhưng chúng không thể làm bất cứ điều gì mà chúng muốn.

Khi trả lời truyền thông gần đây, Đô đốc Karambir Singh – Tư lệnh Hải quân Ấn Độ cho biết tàu do thám Trung Quốc đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ mà không được phép.

“Quan điểm của chúng tôi là, nếu các vị làm bất cứ điều gì trong khu vực của chúng tôi, các vị phải thông báo cho chúng tôi hoặc xin phép chúng tôi trước” – ông Singh nói.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

10 năm trước, Hải quân Trung Quốc (PLAN) hiếm khi lai vãng tới khu vực này. Nhưng giờ đây, Ấn Độ cho biết mỗi năm họ phát hiện khoảng khoảng 8-10 tàu mặt nước và tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện tại đây. Và đó mới chỉ là những tàu ngầm Ấn Độ phát hiện ra.

Kể từ năm 2012, Bắc Kinh đã tiến hành các đợt tuần tra thường xuyên bằng tàu ngầm tới biển Andaman và vịnh Bengal. Ấn Độ cho biết cứ 3 tháng một lần, họ lại phát hiện thấy 3-4 tàu ngầm Trung Quốc.

Theo chuyên gia Yogesh Joshi đến từ Viện Các Nghiên cứu Nam Á, đây là dấu hiệu của những gì sắp diễn ra:

“Biển Andaman đang dần dần (nhưng chắc chắn) sẽ trở thành một trong những chiến trường quan trọng nhất. Điều này không nhất thiết có nghĩa lực lượng hải quân hai phía chắc chắn sẽ nổ ra giao tranh, nhưng các vùng biển xung quanh biển Andaman sẽ ghi nhận nhiều cuộc chạm trán, đụng độ giữa 2 phía ở mức độ thường xuyên hơn trước đây”.

Những chiếc tàu ngầm bí mật tiết lộ kế hoạch lạnh người của Trung Quốc - Ảnh 2.
Một tàu ngầm tấn công của Trung Quốc. Chúng có thể hoạt động dưới biển trong nhiều tháng. Ảnh: Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Điểm bùng phát

Ai kiểm soát vùng biển Andaman sẽ kiểm soát được eo biển Malacca. Và ai kiểm soát được eo biển Malacca sẽ có thể cản trở trục lưu thông của các tàu chở dầu, chở gạo, cũng như nguồn cung cấp hàng hóa cho toàn bộ Tây Thái Bình Dương. Đặc biệt, nếu quyền kiểm soát đó rơi vào tay Trung Quốc.

“Nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào các tuyến đường liên lạc đi qua vùng biển này, do đó họ đang lo ngại về một tình huống mà trong đó, các thế lực đối địch với Trung Quốc có thể phá hỏng các tuyến đường huyết mạch kinh tế này” – ông Joshi nhận định.

Để hạn chế rủi ro, Bắc Kinh đã bắt đầu kế hoạch với một cảng biển sâu quan trọng ở Myanmar. Nó sẽ kết nối với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc thông qua mạng lưới đường sắt mới.

Trong khi đang có nhiều nghi ngờ về các dự án trên thì Bắc Kinh lại tiếp tục đầu tư vào một dự án kênh đào lớn nối biển Andaman với vịnh Thái Lan.

Mặc dù các dự án trên đều đi qua eo biển Malacca nhưng các đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ vẫn nằm giữa các tuyến đường mà bất cứ tàu nào cũng phải đi qua nếu muốn vào Ấn Độ Dương.

Trung Quốc cũng đang bận rộn thiết lập sự hiện diện của họ tại Sri Lanka và Maldives, họ xây dựng các đảo nhân tạo tại đó để bố trí cảng và các cơ sở công nghiệp lớn.

“Những dự án này đã làm thay đổi đáng kể các lợi ích kinh tế và chính trị của Trung Quốc tại biển Andaman” – ông Joshi nhận định.

Những chiếc tàu ngầm bí mật tiết lộ kế hoạch lạnh người của Trung Quốc - Ảnh 3.
Tàu ngầm tấn công lớp Yuan của Trung Quốc. Ảnh: PLAN

Những pháo đài trên biển

Trong lúc Bắc Kinh đang xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp bên trong các pháo đài trên biển, thì New Delhi đang tìm cách biến các đảo Andaman và Nicobar trở thành “các tàu sân bay không thể đánh chìm” của mình. Sân bay và cầu cảng bố trí tại hai đảo này cho phép Ấn Độ giám sát vịnh Bengal ở phía tây, cho tới eo biển Malacca.

New Delhi tuyên bố sẽ đầu tư tới 50 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng trên các đảo này. Họ muốn bố trí được 32 tàu chiến tại đảo Andaman và Nicobar trong năm 2020 và muốn có một căn cứ không quân lớn để cung cấp khả năng giám sát chống ngầm toàn diện.

Tàu ngầm chính là “chìa khóa” của Trung Quốc tại vùng biển này.

“Không giống như ở Biển Đông, PLAN không thể triển khai sức mạnh hải quân tại biển Andaman do những bất lợi về mặt địa lý”, ông Joshi cho hay, “Nhưng bằng cách sử dụng các phương tiện chống tiệp cận như tàu ngầm, họ có thể loại bỏ khả năng nắm quyền kiểm soát của Ấn Độ đối với các vùng biển này”.

Điểm mù

Mặc dù Ấn Độ đang thể hiện mối quan tâm mới đối với việc giám sát biển Andaman nhưng một bài luận gần đây của Viện Lowy đã cảnh báo rằng, phần nhiều đông nam Ấn Độ Dương vẫn là một “điểm mù”. Không ai thực sự biết điều gì đang diễn ra ở đó.

“Những tuyến đường qua các nút thắt như eo biển Sunda và Lombok, mặc dù lòng hơn so với tuyến qua eo biển Malacca, nhưng lại là những tuyến đường liên lạc có thể phát triển được, nối giữa Ấn Độ Dương với Đông bắc Á” – Chuyên gia phân tích quốc phòng Arzan Tarapore nhận định.

Theo vị chuyên gia, Úc nên vào cuộc và giúp New Delhi lấp đầy khoảng trống này. “Australia có lực lượng hải quân mạnh mẽ, và đang cam kết duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do-mở cửa, họ có cùng tầm nhìn chiến lược với Ấn Độ” – ông Tarapore nói.

Những chiếc tàu ngầm bí mật tiết lộ kế hoạch lạnh người của Trung Quốc - Ảnh 5.
Tàu chiến Ấn Độ-Australia tham gia diễn tập hải quân chung hồi tháng 4/2019. Ảnh: Defense

 

Chuỗi đảo của Australia

Đảo Christmas và Cocos có vị trí rất thuận lợi để giám sát các eo biển Sunda và Lombok. Đường băng trên đảo Cocos có thể sớm cho phép triển khai máy bay tuần thám P-8 Poseidon mới của Không quân Hoàng gia Australia.

Theo các chuyên gia, Indonesia cũng có cơ hội để tham gia nếu muốn. Trong tháng 11 vừa qua, lãnh đạo hải quân của 3 quốc gia (Ấn Độ, Australia, Indonesia) đã có cuộc gặp tại Freemantle để bàn về khả năng mở rộng hợp tác. Tuy nhiên, sự phát triển này mới ở trong giai đoạn đầu.

“Những nguồn tài nguyên được gộp chung này sẽ cho phép bao quát một vùng địa lý liền mạch trên khắp đông Ấn Độ Dương, trải dài từ các đảo Andaman và Nicobar, qua quần đảo Indonesia, cho tới lục địa Australia.

Trong tương lai, điều này có thể cho phép đối tác 3 phía hình thành một bức tranh chung liên quan tới Nhận thức Các vấn đề Hàng hải, chẳng hạn như khi theo dõi những con tàu cụ thể” – ông Tarapore nhận định.

Lâm Vy/SH

Bài mới
Đọc nhiều