+
Aa
-
like
comment

Những câu hỏi chờ tòa phán quyết trong đại án Việt Á

Hạ Băng - 12/01/2024 10:40

35 trong 38 bị cáo được đề nghị mức án thấp hơn truy tố sẽ nhận hình phạt nào, 79 đơn vị “mua chịu” test có phải trả 788 tỷ đồng còn nợ cho Việt Á…

Sau hơn hai ngày nghỉ nghị án, 14h30 hôm nay, TAND Hà Nội sẽ công bố bản án sơ thẩm với cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và 37 bị cáo trong vụ án liên quan Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Qua 5 ngày xét hỏi và tranh tụng, các bị cáo đều thừa nhận hành vi, nói hối hận khi để xảy ra sai phạm và đã tích cực khắc phục số tiền hưởng lợi. Xét các yếu tố này, tại bản luận tội công bố ngày 8/1, VKSND Hà Nội cho hay đã đưa ra mức án đề nghị “đủ nghiêm khắc, răn đe nhưng thể hiện khoan hồng, nhân văn”.

Bị cáo Nguyễn Thành Danh – Ảnh: GIANG LONG

Trong 38 bị cáo, 35 người được cơ quan công tố đề nghị mức án thấp hơn khung truy tố. Hai người không được xét hình phạt dưới khung là Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt và cấp phó Vũ Đình Hiệp.

Riêng cựu bộ trưởng Long bị đề nghị 19-20 năm, mức thấp nhất của khung hình phạt. Do bị cáo buộc nhận hối lộ 2,25 triệu USD (hơn 51 tỷ đồng), mức phạt theo truy tố với ông là 20 năm, chung thân hoặc tử hình (theo khoản 4, điều 354 Bộ luật Hình sự).

Ông Long bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn Bộ trưởng Y tế để tác động, chỉ đạo các cơ quan, cá nhân tạo điều kiện cho Việt Á, xuyên suốt các sai phạm từ cấp phép đến mua bán kit test tại các địa phương.

VKS khi luận tội đã đánh giá sai phạm vi của ông Long “gây nhức nhối trong dư luận, kéo theo hàng loạt sai phạm của các bị cáo khác”. Ông tạo tiền đề cho Việt Á gây thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại cho Nhà nước là 402 tỷ đồng.

“Trong khi ngân sách nhà nước đang phải gồng mình để bù đắp các thiệt hại do dịch bệnh gây ra, ông Long lại gợi ý, đề nghị Việt chi số tiền đặc biệt lớn cho mình, VKS đánh giá.

Trong lời sau cùng, cựu bộ trưởng xin giảm án cho các đồng nghiệp, gửi nhiều lời xin lỗi Đảng, nhân dân và nhà nước, giãi bày trong thời gian khó khăn, cam go nhất lịch sử chống dịch, ông đã cố gắng hết sức, chưa bao giờ “nghỉ ngơi một phút để giữ vững hệ thống y tế”.

21 người bị truy tố Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3, Điều 22 Bộ luật Hình sự, đều được VKS đề nghị án nhẹ hơn khung truy tố (12-20 năm). Trong đó, 6 người án treo và một người bị đề nghị án tù bằng thời gian tạm giam là ông Nguyễn Thành Danh (cựu giám đốc CDC tỉnh Bình Dương).

Ông Danh được đề nghị mức án nhẹ nhất vụ án với cáo buộc thống nhất với Việt Á và VNDAT, công ty đối tác của Việt Á, chỉ đạo cấp dưới hợp thức thủ tục, giúp hai công ty này gian lận, trúng thầu cung ứng vật tư, kit test cho CDC Bình Dương. VKS đánh giá ông từ chối nhận lợi ích từ Việt Á, không vụ lợi, thành khẩn khai báo và có nhiều thành tích.

Sau khi trúng thầu, nhân viên Việt Á, nhiều lần liên hệ đặt vấn đề “cảm ơn” song ông cương quyết từ chối, “không muốn liên quan”. Dù nhiều lần được mời đi cà phê, đi uống bia, ông khai lấy lý do “không muốn tiếp xúc gần” để gián tiếp từ chối hưởng lợi ích từ Việt Á.

Trong túi quà Tết có bao nhiêu tiền?

Thừa nhận sai phạm song cựu thứ trưởng Tạc là người duy nhất trong vụ án còn trăn trở về số tiền bị cáo buộc nhận từ Phan Quốc Việt. Ông tha thiết mong được HĐXX đánh giá lại về số tiền để giữ danh dự cho bản thân.

Ông Tạc bị cáo buộc ký 3 quyết định thành lập các Hội đồng khoa học, giúp Việt Á có kết quả nghiệm thu giai đoạn 1 để làm hồ sơ gửi Bộ Y tế, xin cấp phép lưu hành tạm thời kit test. Việt khai đến phòng làm việc biếu ông “túi quà Tết” có 50.000 USD.

Còn cựu thứ trưởng từ giai đoạn điều tra đến phiên toà đã luôn khẳng định “chỉ nhận hai cọc 500.000 đồng, tổng 100 triệu”.

Trong ba phiên đối đáp với VKS, hai luật sư bào chữa cho ông Tạc đã nêu mâu thuẫn quanh số tiền Việt khai đưa ông Tạc. Dẫn 8 lời khai của Việt và cấp phó Hiệp ở giai đoạn điều tra, luật sư chỉ ra nhiều điểm bất nhất và cho rằng không đáng tin, không thể sử dụng là chứng cứ buộc tội.

Theo luật sư, các dữ liệu điện tử, điện thoại liên lạc chỉ chứng minh được Việt có hẹn gặp ông Tạc, không chứng minh được số tiền đưa bao nhiêu, USD hay tiền đồng. Dữ liệu sao kê ngân hàng của Việt tuy thể hiện rút 5,1 tỷ đồng song cũng không chứng minh đã đổi sang USD hay không, đổi ở đâu, có “xách tay” ra Hà Nội qua đường hàng không như lời khai của Việt hay không? Việt có dùng một phần biếu ông Tạc hay không khi mà 4 tháng sau hai người mới gặp nhau?

Trong lượt đối đáp cuối cùng, tối muộn 9/1, luật sư Nguyễn Huy Thiệp kiến nghị VKS và tòa đánh giá lại về nguyên tắc xác định giá trị và thuộc tính của chứng cứ trong xét xử. Theo đó, về nguyên tắc, lời khai nào càng gần sự kiện thì độ chính xác càng cao, càng gần với sự thật nhất; càng về sau, dưới tác động thời gian và các yếu tố vụ lợi, mưu toan khác thì giá trị lời khai càng giảm.

Viện dẫn kết luận của VKS cho rằng bị cáo Việt và Hiệp sau khi “được phân tích, tác động, đã nhớ ra và khẳng định số tiền là 50.000 USD”, luật sư Thiệp cho rằng “lời khai sau khi bị tác động không thể được coi là khách quan”.

Luật sư dẫn nguyên tắc sử dụng chứng cứ trong tố tụng hình sự “chỉ được sử dụng những chứng cứ với đầy đủ 3 thuộc tính bắt buộc là khách quan, liên quan và hợp pháp”, thiếu một trong ba, đều không được coi là chứng cứ. Theo ông Thiệp, lời khai của Việt không khách quan nên không thể coi là chứng cứ buộc tội ông Tạc.

Hạ Băng 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều