+
Aa
-
like
comment

Những cảnh sát chuyên mò tang vật vụ án

23/11/2020 06:54

Bỏ dở tô mì đang ăn, trung úy Phong vội vàng thu xếp đồ đạc sau khi nhận lệnh mò tìm khẩu súng của hung thủ bắn chết người ném xuống kênh cách đó 4 giờ.

7h sáng, trung úy Nguyễn Nhật Phong, 27 tuổi, cùng bảy chiến sĩ Đội cứu nạn – cứu hộ, Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP HCM (PC07) mặc đồ nhái kín mít từ đầu đến chân, đeo trên lưng bình khí oxy 20 kg đứng trước kênh Láng Le, dẫn ra sông Vàm Thuật, phường An Phú Đông, quận 12. Giữa dòng kênh đen ngòm, rác nổi lềnh bềnh xen kẻ đầy xác chuột chết, Phong ngậm chặt miệng thở, bắt cặp cùng đồng đội lặn dọc bờ kênh kéo dài 1,5 km, có nơi sâu đến 6 m.

Sau bốn giờ ngụp lặn dưới nước kênh đen, trung uý Phong cùng đồng đội đã mò được khẩu súng của nghi can. Ảnh: PC07 cung cấp.
Sau bốn giờ ngụp lặn dưới nước kênh đen, trung uý Phong cùng đồng đội đã mò được khẩu súng của nghi can. Ảnh: PC07 cung cấp.

Lớp bùn dưới đáy ngập tới đầu gối khiến anh nhiều lúc bị lún, nhấc chân lên không nổi. Anh dùng tay mò, bới móc từng hốc cây dọc bờ kênh. Sau 3 giờ ngụp lặn dưới nước ô nhiễm, hối thối nồng nặc, anh cùng đồng đội chỉ thu về những khúc xương động vật, miểng chai, thanh sắt gỉ sét…

Đợi đến khi con nước đứng, cả đội thay đổi “chiến thuật lặn càng”. Tám người dàn hàng ngang “mò mẫm từng centimét” dưới đáy, để đảm bảo không bỏ sót bất cứ vật dụng nào có hình thù giống mô tả từ nghi phạm.

Kinh nghiệm rút ra sau bốn năm trong nghề của trung úy Phong, khi lặn ở dưới kênh, sông có lớp bùn dày, phải di chuyển chậm rãi, chúc người xuống đáy, mò kỹ càng. “Nếu đi qua tang vật, hoặc chân đạp trúng lún xuống bùn thì phải tìm lại từ đầu, rất tốn công sức”, anh giải thích.

Đến giữa trưa, tưởng chừng hết hy vọng, Phong cảm nhận như có luồng điện chạy dọc cơ thể khi các đầu ngón tay sờ trúng khúc gỗ dày bằng nắm tay, một đầu gắn với mảnh kim loại. Linh tính đã mò trúng khẩu súng, anh ngoi lên khỏi mặt nước, giơ vật lên trước ánh nắng mặt trời, la toáng lên khi nhìn thấy bán súng hoa cải dài 27 cm. “Lúc vui mừng, tôi há miệng rớt ống thở, nuốt cả ngụm nước thối”, Phong nói.

Tiếp tục mò gần đó, đồng đội của anh đã tìm thấy nòng kim loại của khẩu súng dài 45 cm và bịch nylon chứa hai vỏ đạn. Đây là khẩu súng Nguyễn Lâm Ngọc Hùng, 43 tuổi, đã bắn Lê Tấn Vũ, 28 tuổi, tử vong vào rạng sáng 17/10/2019.

Hùng khai, trong cơn phê ma túy tại nhà, gã đã đùa giỡn với nhóm bạn khiến súng bị “cướp cò”, viên đạn xuyên qua đầu nạn nhân. Người đàn ông có 4 tiền án sau đó tháo rời khẩu súng, lấy vỏ đạn cho vào bịch nylon và chạy xe máy đến con kênh cách hiện trường gần một cây số, ném phi tang. Hai tuần sau, Hùng đã ra đầu thú. Trước đó, vợ của Hùng đã chỉ cảnh sát nơi chồng vứt tang vật.

Khẩu súng bắn đạn hoa cải dài 45cm của hung thủ bắn chết người. Ảnh: PC07 cung cấp.
Khẩu súng bắn đạn hoa cải dài 45cm của hung thủ bắn chết người. Ảnh: PC07 cung cấp.

Cách đó ba tháng, đội “mò tang vật” nhận nhiệm vụ tìm con dao của nghi can đâm chết người dưới kênh Lò Gốm, phường 7, quận 6. Từ vị trí được hung thủ chỉ điểm, hạ sĩ Nguyễn Hồng Văn cùng 10 thành viên trong đội đã thay nhau sục sạo 100 m kênh, trong làn nước “đen như nhớt”.

Sau gần ba tiếng ngụp lặn, chiến sĩ trẻ sướng rơn khi nắm trúng lưỡi dao nhọn hoắt, dài chừng gang tay cách “nơi chỉ điểm” 40 m. Nhưng lần đó, đồng đội của anh đã bị mảnh kính vỡ đâm vào tay, tứa máu. “Khi lặn dưới nước thì như người mù, do đó bắt buộc phải mò bằng tay không để cảm nhận”, hạ sĩ nói và cho rằng việc bị mảnh kính cắt tay, kẽm gai móc rách da thịt “như cơm bữa”. Nhưng anh vẫn may mắn hơn những đồng đội từng phải điều trị phơi nhiễm HIV do kim tiêm đâm.

Là một trong những người kinh nghiệm nhất đội, gần đây đại úy Nguyễn Trường Nam (34 tuổi) đã tham gia khám nghiệm, tìm kiếm tang vật vụ trộm cáp điện dưới nước trị giá khoảng 2 tỷ đồng ở cảng Nhà Rồng.

Sáng mùng 10 Tết Canh Tý 2020, trong ngày “khai trương” đầu năm, nhân viên cảng bật cầu dao hệ thống điện cung cấp cho tàu cập cảng nhưng không có tín hiệu. Bật tung năm nắp hào dưới lòng đất, họ vẫn thấy dây cáp điện trong khi kiểm tra camera lại không phát hiện bất thường. Ba tuần sau đó khi những manh mối gần như đi vào ngõ cụt, đại úy Nam cùng đồng đội nhận lệnh “vào cuộc”.

9h sáng, chờ đến khi thủy triều sông Sài Gòn rút, anh Nam đeo bình dưỡng khí trên lưng, cố uốn người chui xuống các lỗ nhỏ dưới nắp hào nối với nơi đặt chín dây cáp điện kéo ra sông. Lần mò trong vũng bùn được bồi đắp từ sông qua hai cống thoát nước, chiến sĩ kỳ cựu tìm thấy nhiều khoanh vỏ cao su mỏng như “lá chuối gói bánh tét” bên cạnh những đoạn cáp điện bằng đồng, có đường kính 10 cm do kẻ trộm bỏ lại.

Từ tang vật và chứng cứ thu được tại hiện trường, cảnh sát nhận định kẻ trộm đã lợi dụng lúc cảng nghỉ hoạt động từ 28 tháng Chạp đến mùng 9 Tết để ra tay. Chúng chờ khi nước sông Sài Gòn xuống thấp, chèo ghe vào cống thoát nước để tránh camera phía trên sau đó bóc vỏ cao su bọc bên ngoài, dùng cưa để cắt trộm hơn 100 m cáp điện. Các đoạn cáp dài chừng một mét, được kẻ trộm để lại dưới mỗi nắp hào nhằm “đánh lạc hướng” nhân viên cảng.

Trong một vụ trọng án hồi tháng 9, trung tá Đào Quốc Trung (Đội trưởng đội cứu nạn cứu hộ) đã chỉ huy đội tìm két sắt nặng hơn 40 kg dưới rạch Đĩa, huyện Nhà Bè. Sau khi phá khóa, vơ vét tiền bạc và trang sức, chiếc két sắt đã bị kẻ trộm chở đến giữa cầu Phước Long, đẩy xuống con rạch rộng hơn 50 m. Khi mặt trời vừa ló dạng, trung tá Trung cùng 6 lính cứu hộ đi canô và vỏ lãi ngược dòng, khoanh vùng tìm kiếm trong bán kính 50 m, tâm là chân cầu.

Từ phán đoán dưới lòng rạch sâu gần 15 m là lớp cát dày có thể đẩy két sắt xuôi theo dòng chảy, trung tá Trung hướng đội tìm kiếm ra ngã ba rạch Đĩa và rạch Phước Long, cách hạ lưu sông Soài Rạp chừng 2 km. Bốn lính cứu hộ mang theo “cục tạ” bằng gang nặng cả chục kg nhằm để dễ chìm khi lặn. Quần thảo suốt 3 giờ, trung úy Nguyễn Nhật Phong khi đi qua một lòng chảo dưới đáy, cách móng cầu 50 m thì vướng phải một vật nặng, “cứng như đá”.

Két sắt nặng hơn 40 kg được hai cảnh sát khiên lên bờ sau khi tìm được dưới rạch Đĩa, huyện Nhà Bè. Ảnh: Đình Văn.
Két sắt nặng hơn 40 kg được hai cảnh sát khiên lên bờ sau khi tìm được dưới rạch Đĩa, huyện Nhà Bè. Ảnh: Đình Văn.

Sau khi chúc người xuống sờ kỹ càng, chàng cảnh sát trẻ đã luồng dây thừng qua cửa két sắt cột chặt. Kéo “cục sắt” nặng trịch lên canô, cả đội đã vỡ òa sung sướng. Ngồi ở góc vỏ lãi Phong đã mệt đừ, đau nhức hai tai vì áp suất dưới nước. “Lúc đầu tôi cứ nghĩ đó là cục đá chẻ, nhưng khi sờ trúng bốn núm vặn thì tôi đã chắn chắc đó là két sắt”, trung úy Phong nói. Khám nghiệm két sắt, cảnh sát thu giữ hai nhẫn vàng, một nanh heo còn vướng ở ổ khóa.

Ngoài mò tang vật vụ án, 33 người trong Đội cứu nạn – cứu hộ, Phòng cảnh sát PCCC còn đảm trách nhiều công việc từ cứu nạn người bị thương, mắc kẹt trong các vụ tai nạn, sự cố cho đến vớt xác. Những chiến sĩ mới vào nghề sau nhiều tháng tập thể lực, bơi và học cách tăng giảm áp khi lặn, xử lý tình huống hoảng loạn sẽ được tham gia nhiệm vụ để tích lũy kinh nghiệm. “Người đi trước sẽ truyền lại cho lính mới. Đó là cách học nghề nhanh nhất”, trung tá Trung nói.

Trải qua thời gian dài tập luyện, nhưng không ít lần nhiều chiến sĩ đã đối mặt với tình huống sống còn. Như lần suýt chết của đại úy Nguyễn Trường Nam khi lặn tìm vỏ lãi chở máy bơm bị “cát tặc” đánh chìm cách đây 5 năm. Lúc anh đang loay hoay cột dây vào vỏ lãi chìm dưới đáy sông Sài Gòn sâu hơn 20 m thì van nối bình khí oxy sau lưng bị vỡ. Khi đang ngạt thở, dây liên lạc cột vào tay nối với đồng đội phía trên lại bị vướng vào thùng phuy trên vỏ lãi. “Lần đó tôi nghĩ mình đã chết rồi. May mắn, trong lúc vùng vẫy, thòng lọng dây thừng được nới lỏng nên tôi mới rút tay bàn tay trái ra được để ngoi lên bờ”, đại úy Nam nhớ lại.

Hay như lần thực hiện nhiệm vụ đầu tiên của trung tá Trung. Lúc bàn tay chạm lọn tóc của cô gái chết dưới cầu Kiệu (quận Phú Nhuận), chàng trai 20 tuổi ngày đó đã hoảng sợ đến nỗi há miệng rơi ống thở và bị uống nước ô nhiễm đầy bụng, các đồng đội phải đưa vào bệnh viện súc ruột. “Với các chiến sĩ mới, việc nôn ói, bỏ cơm là bình thương sau khi vớt xác trương phình”, trung tá Trung nói.

Theo đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ TPHCM, mỗi năm đơn vị phối hợp mò tìm tang vật khoảng 40 vụ án với tỷ lệ thành công 90%. Với đặc thù công việc “mỗi lúc mỗi khác”, biệt đội “tìm chứng cứ” phải mò từ dao, súng cho đến két sắt nặng vài chục kg hay những phần thi thể người bị phi tang dưới những con kênh, rạch ô nhiễm hoặc sông sâu, chảy xiết.

“Để chứng minh hành vi phạm tội của nghi can thì tang vật đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy dù có nguy hiểm, anh em phải tìm bằng được”, đại tá Tâm nói.

Khao khát tìm bằng được chứng cứ chính là “thỏi nam châm” hút những người lính gắn bó với công việc không phải ai cũng dám làm. Đối với mỗi nhiệm vụ thành công, họ nói chỉ vui đó rồi quên ngay. “Nhưng mỗi khi cứu người hay tìm tang vật thất bại thì cảm giác nuối tiếc, day dứt kéo dài ngày này qua tháng nọ”, Đội trưởng Trung chia sẻ.

Đình Văn/ VNE

Bài mới
Đọc nhiều