+
Aa
-
like
comment

Những cái bắt tay đem về “tỷ đô”, cùng vị thế cao ngất cho Việt Nam

Tuệ Ngô - 27/12/2022 11:34

Năm 2022 đang dần khép lại cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại kết quả hoạt động đối ngoại của Việt Nam. Đây có thể được xem là một năm thành công rực rỡ của trên nhiều bình diện ngoại giao khi vị thế nước nhà ngày càng được quốc tế công nhận và hết lời khen ngợi.

Trong năm vừa qua, một loạt các chuyến công du cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, các chuyến thăm của lãnh đạo nước ngoài tới Việt Nam cho thấy một năm hoạt động ngoại giao, đẩy mạnh hợp tác song phương vô cùng sôi nổi.

Trong số đó, những chuyến công du của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong năm 2022 liên tục được truyền thông trong và ngoài nước khen ngợi về ý nghĩa cũng như kết quả mà chuyến đi mang lại, theo Diplomat.

Tính từ thời điểm đầu năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có tổng cộng bốn chuyến công du lớn đến hầu hết các quốc gia Châu Á.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào tháng 2/2022

Mở đầu trong danh sách này là chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Singapore từ 24/2 đến 26/2 theo lời mời của Tổng thống Singapore Halimah Yacob.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức, đã có nhiều hoạt động tiếp xúc của Chủ tịch nước với hiệp hội, doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Singapore. Cụ thể, Chủ tịch nước đã chủ trì Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam – Singapore với sự tham dự của hơn 100 đại biểu, doanh nghiệp hai nước. Đã có 29 văn kiện đã được trao tại Đối thoại doanh nghiệp với giá trị lên tới hơn 11 tỷ USD.

Ngoài ra, còn có 14 cuộc tiếp xúc, trao đổi với các Lãnh đạo các Hiệp hội, Tập đoàn, các ngân hàng và tổ chức tài chính, nhà đầu tư hàng đầu của Singapore. Tại các buổi tiếp xúc, doanh nghiệp Singapore bày tỏ sự mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực (i) công nghệ cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; (ii) kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, Fintech; (iii) năng lượng sạch, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, dịch vụ chất lượng cao; (iv) các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp, nông nghiệp sinh thái thông minh, theo Nikkei Asia Review.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore, Vivian Balakrishnan, đánh giá quan hệ Singapore – Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Kết quả này chủ yếu là do mức độ tin tưởng cao ở cấp chính trị, mối quan hệ đối tác cùng thắng lâu đời và quan hệ chặt chẽ giữa nhân dân hai nước. Ông nhấn mạnh sự kiện Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Singapore là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên mà Singapore đón tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Chỉ trong vòng hai tháng cuối năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có lịch làm việc dày đặc với ba chuyến công du thăm Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia.

Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Thái Lan theo lời mời của Thủ tướng Prayut Chan-ocha và tham dự Hội nghị các Lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 từ ngày 16/11 đến 19/11.

Tại Hội nghị APEC 2022, Chủ tịch nước đã có bài diễn văn được các đại biểu đánh giá cao, nhất là về những ý tưởng mới, những quan điểm mới về xu thế phát triển của khu vực và định hướng của APEC trong giai đoạn đầy khó khăn hiện nay.

Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung với thông điệp “Kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Thái Lan mở ra chương mới của mối quan hệ Đối tác Chiến lược mạnh mẽ hơn nữa vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung” và 5 văn kiện hợp tác gồm: Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027; Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khỏn-kèn, Thái Lan; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Thương mại Thái Lan; Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác Thương mại và Đầu tư song phương giữa Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Thái Lan.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Campuchia Hunsen tại APEC 2017

Lãnh đạo hai nước đã nhất trí tăng cường kết nối kinh tế, nhất là trên 3 lĩnh vực: Kết nối chuỗi cung ứng, tập trung vào các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và bổ sung cho nhau; Kết nối doanh nghiệp và các địa phương hai nước; Kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững thông qua kết nối Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh đến năm 2030 của Việt Nam và mô hình kinh tế Sinh học – Tuần hoàn – Xanh (BCG) của Thái Lan. Hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 25 tỷ USD vào năm 2025 theo hướng cân bằng hơn thông qua các biện pháp tạo thuận lợi tiếp cận thị trường và giảm các hạn chế thương mại đối với hàng hóa của nhau.

Đánh giá Việt Nam là động lực phát triển chính của tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt là Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) đang được hồi sinh, một bài báo trên trang ThaiPBSWorld nhấn mạnh Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong việc làm nổi bật những khó khăn liên quan tới sông Mekong, trong lĩnh vực quản lý nước, bảo tồn đa dạng sinh học, di cư và trữ lượng cá, cùng một số vấn đề khác. Ngoài ra, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã giúp tăng cường quan hệ với các đối tác đối thoại của ASEAN để hỗ trợ cho tiểu vùng sông Mekong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nền kinh tế thành viên thông qua ‘Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040.’

Tiếp theo hành trình mà chúng ta không thể không nhắc đến là chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc diễn ra ngày 4-6/12, theo lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Theo Korean Times, kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeo chính là tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Hàn Quốc về chuyến thăm.

Bên cạnh đó, trong chuyến thăm, hai bên cũng đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để đưa quan hệ hai nước phát triển theo đúng tinh thần của khuôn khổ quan hệ mới.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc với sự tham dự của hơn 500 đại diện từ các doanh nghiệp hai nước; tiếp gần 30 Lãnh đạo các Tập đoàn, các ngân hàng và tổ chức tài chính, nhà đầu tư hàng đầu của Hàn Quốc. Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và Lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương đã có các cuộc gặp, tiếp xúc với các đối tác trao đổi về các lĩnh vực hợp tác cụ thể. Trong chuyến thăm, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Yoon Suk Yeol và Lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành hai bên, các cơ quan, doanh nghiệp hai bên đã ký kết 24 văn kiện hợp tác giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước, trong đó có 16 thỏa thuận hợp tác, cam kết giao ước, đề xuất đầu tư mới và mở rộng với tổng giá trị ước tính khoảng 15 tỷ USD.

Hàn Quốc bắn 21 loạt đại bác, nghi thức cao nhất chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Theo Korean JoongAng Daily, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được kỳ vọng sẽ “là cơ hội quan trọng để phát triển quan hệ Hàn Quốc-Việt Nam thành quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện, đồng thời tăng cường hơn nữa hợp tác với ASEAN thông qua sáng kiến ​​đoàn kết”.

Kết thúc một năm ngoại giao đầy bận rộn của Việt Nam là chuyến thăm cấp nhà nước đến Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 21-23/12, theo lời mời của Tổng thống Joko Widodo.

Hàng chục tờ báo đã đăng tải thông tin về chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Indonesia. Cụ thể, tờ Eurasia Review tin tưởng rằng, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thực hiện chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Indonesia sẽ mang lại cơ hội để các nhà lãnh đạo Việt Nam và Indonesia thảo luận về bức tranh tổng quan trong mối quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực và trên phạm vi thế giới.

Lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được Chính phủ Indonesia tổ chức vô cùng long trọng

Ông Anthoni, thành viên một số viện nghiên cứu uy tín của Indonesia, nhấn mạnh chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Indonesia rất quan trọng đối với mối quan hệ song phương, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ giữa hai nước sẽ có những bước phát triển mới sau chuyến thăm này, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế – thương mại.

Học giả nổi tiếng người Indonesia cũng đánh giá Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu kinh tế-xã hội trong những năm gần đây, kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 và đạt tốc độ tăng trưởng cao trong năm nay. Là người gắn bó với Việt Nam từ nhiều năm nay, ông Anthoni chia sẻ luôn muốn bạn bè của mình có dịp đến thăm đất nước hình chữ “S” để khám phá nhiều điều thú vị và ấn tượng.

Nhìn chung công tác đối ngoại của đất nước nói chung và ngành ngoại giao nói riêng đã hoàn thành tốt cả 3 nhiệm vụ cơ bản là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, thu hút các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những dấu ấn đáng nhớ của ngoại giao chính trị Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế là đã đảm nhiệm thành công vai trò dẫn dắt khối ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN, tại các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và ASEAN+ cũng như những đóng góp tích cực tại các diễn đàn ASEM, APEC và đặc biệt là ở diễn đàn Liên Hợp Quốc.

Tuệ Ngô

Bài mới
Đọc nhiều