+
Aa
-
like
comment

Những bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong 5 năm qua

15/12/2020 14:27

Chúng ta đã tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong giai đoạn 2016 – 2020, tô đậm thành tựu của 35 năm đổi mới với những bước tiến vượt bậc; năm 2020 dù chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19 nhưng vẫn được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách, cũng là thời điểm niềm tin của nhân dân với Đảng, Chính phủ là lớn nhất.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngay trước thềm năm mới 2020, ngày 30/12/2019. – Ảnh: VGP

Hoàn thành ấn tượng nhiều chỉ tiêu

Theo nhiều ý kiến đánh giá, 5 năm qua, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Nhìn lại, không chỉ riêng trong năm 2020 này mà ngay từ đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở Miền Trung. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội.

Chúng ta có 4 năm liên tiếp 2016 – 2019 cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước và cũng là kỳ tích. Năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19, nhưng chúng ta đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.

Với những thành tựu đạt được trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng có tiếng nói, trách nhiệm lớn hơn trong những vấn đề khu vực và toàn cầu. Chúng ta đã hoàn thành tốt trọng trách và các cam kết tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế như vai trò chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng liên nghị viên các quốc gia Đông Nam Á (AIPA 41), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tổ chức tốt Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều…

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những kết quả này là thành tựu chung của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.

Riêng năm 2020 đánh dấu một bước ngoặc lớn trong lịch sử 100 năm gần đây của nhân loại khi đại dịch COVID-19 gây ra những tác hại vô cùng lớn đến kinh tế và sự xáo trộn trong đời sống xã hội của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua. Với những kết quả đặc biệt đó, chúng ta khẳng định năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thành quả lớn nhất là niềm tin

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, năm 2020, với sự điều hành chủ động, sát sao, quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, chúng ta đã đạt được thành tích kép. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hết sức kịp thời, sáng tạo trước các tình thế cấp bách như COVID-19, lũ lụt, thiên tai lịch sử.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (tỉnh Phú Yên) nêu rõ, năm 2020, Chính phủ đã ghi được rất nhiều điểm tốt trong lòng người dân cả nước, đó là sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành hoạt động; điểm tốt trong sự đồng hành, chia sẻ cứu trợ người dân trong hoạt động đối phó, khắc phục thiên tai.

“Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã lan tỏa tinh thần mạnh mẽ, khơi dậy sức dân, sức mạnh nội tại, khả năng chống chịu, đồng sức đồng lòng trước những tác động tiêu cực. Thành quả lớn nhất mà Chính phủ đã đạt được là niềm tin của người dân”, đại biểu nhận định.

Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP Việt Nam năm 2020 ước đạt 340,6 tỷ USD, trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, giai đoạn 2016-2020, sau 4 năm đầu thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kế hoạch, năm 2020 đại dịch COVID-19 bùng phát, cùng với ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu đã tác động nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện một số chỉ tiêu.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định, vững chắc; lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp, giá cả hàng hóa diễn biến tương đối ổn định; tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GDP giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao (bình quân 6,8%/năm).

Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá, xây dựng thể chế đạt nhiều kết quả tích cực, hệ thống pháp luật và cơ chế điều hành ngày càng đồng bộ, hoàn thiện và bao quát hơn, lần đầu thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm và kế hoạch đầu tư công 5 năm. Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được nâng cao; năng suất lao động được cải thiện; cơ cấu ngành công nghiệp, cơ cấu đầu tư chuyển dịch đúng hướng và tích cực.

Bên cạnh đó, công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung vào xử lý nhiều vấn đề kinh tế – xã hội khó khăn, thể hiện sự năng động, nhất quán, sâu sát, quyết liệt. Cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam được đánh giá là nước cải thiện tốt nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu. Hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển; các lĩnh vực khoa học công nghệ, lao động và việc làm đạt một số kết quả. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước được kiện toàn, tinh giản biên chế đạt kết quả bước đầu.

Nhiều chính sánh ban hành kịp thời, thực hiện tốt

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã thảo luận, đánh giá về tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2020.

Theo đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID – 19, kinh tế – xã hội nước ta bị ảnh hưởng lớn, khó có thể hoàn thành được toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2020 và năm năm 2016 – 2020, mặc dù đã có bốn năm liên tiếp trước đó luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước.

Tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam vẫn được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế – xã hội.

“Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức cao nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội”, Ban Chấp hành Trung ương nhận định.

Bên cạnh những kết quả, thành tích rất đáng trân trọng, tự hào đã đạt được, kinh tế  –  xã hội nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Kinh tế tăng trưởng chậm lại, ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất kinh doanh bị suy giảm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng lớn.

Việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Hệ thống tài chính – ngân hàng, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội đứng trước nhiều rủi ro, thách thức. Việc triển khai thực hiện một số chính sách, biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sản xuất kinh doanh chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Vì vậy, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần phải rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện và có phương án điều chỉnh phù hợp để bảo đảm các cân đối lớn, nhất là cân đối về ngân sách của năm 2020 sao cho khả thi, sát hợp nhất với thực tế tình hình.

Về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, Hội nghị Trung ương nhất trí cho rằng, đất nước ta bước vào năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức mới, nặng nề hơn so với 10 năm trước do tác động của đại dịch COVID – 19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, khác so với trước, những khó khăn, thách thức đó đã bộc lộ trước Đại hội Đảng, chúng ta đã sớm chủ động nhận diện, kịp thời đề ra và quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp, có hiệu quả; rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu cho thời gian tới.

Trung ương yêu cầu, trước mắt, cần tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh và triển vọng kinh tế – xã hội thế giới cũng như trong nước từ nay đến hết năm 2020 và các năm 2021 – 2022; tiếp tục rà soát thật kỹ, xác định đúng các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, khả thi cao.

Hà Chính/VGP

Bài mới
Đọc nhiều