+
Aa
-
like
comment

Những bước tiến quân sự “vô pháp” đáng lo ngại của Trung Quốc

Bảo Trâm - 28/06/2022 10:30

Từ đầu năm tới nay, Trung Quốc thay đổi hàng loạt chính sách quan trọng về cách thức, tầm hoạt động của lực lượng vũ trang. Đặc biệt, sắc lệnh mới đang khiến thế giới lo ngại rằng đây là động thái có thể mở đường cho các can thiệp quân sự của Trung Quốc tại các khu vực lân cận.

Đội tàu đánh cá Trung Quốc được trang bị cả vũ khí khi ra Biển Đông. Ảnh: Reuters

Vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục sửa đổi, bổ sung luật pháp và chế tài về tầm hoạt động và tính chất của các lực lượng vũ trang. Cùng với đó là những tuyên bố ngày càng “ngắn gọn”, “trực diện” với vấn đề Đài Loan cũng như sự có mặt của nước này trên Biển Đông.

Tháng 1/2021, Trung Quốc sửa đổi Điều 49, Luật Hải cảnh “Khi nhân viên hải cảnh sử dụng vũ khí theo luật, họ có thể sử dụng trực tiếp vũ khí nếu cảnh báo không kịp hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn tới hậu quả nguy hại nghiêm trọng hơn”.

Bộ Luật này có 15 lần nhắc đến cụm từ “vũ khí”. Ông Lật Chiến Thư – cánh tay mặt của ông Tập Cận Bình giải thích, Luật mới giúp tăng cường bảo vệ “quyền lợi trên biển, an ninh và chủ quyền quốc gia”.

Mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh mới, điều chỉnh các hoạt động quân sự “phi chiến tranh”. Sắc lệnh gồm 59 điều/6 chương và có hiệu lực từ ngày 15/6.

Sắc lệnh quân sự mới của Trung Quốc ra đời trong bối cảnh nước này có xu hướng sử dụng nội luật để tạo củng cố cơ sở pháp lý cho các hoạt động gây tranh cãi.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, sắc lệnh mới sẽ cho phép quân đội Trung Quốc thực hiện “các hoạt động quân sự đặc biệt” ở nước ngoài. Trung Quốc có thể ngăn chặn hiệu ứng lan tỏa từ các điểm nóng, bất ổn trong khu vực, bảo vệ các tuyến vận tải trọng yếu, lĩnh vực đầu tư và người dân Trung Quốc ở nước ngoài.

Dĩ nhiên, giới quan sát quốc tế đặc biệt lưu ý đến khả năng Trung Quốc sử dụng cơ sở pháp lý này để biện minh cho các cuộc can thiệp vũ trang. Bởi vì, sắc lệnh trên được đưa ra trong thời điểm căng thẳng Đài Loan, hay Biển Đông vẫn tiếp diễn và xung đột tại Ukraine kéo dài.

Tuy nhiên, các hãng ABC và SMH của Australia lại có nhận định khác rằng, văn bản trên sẽ công khai cho phép quân đội Trung Quốc thực hiện “các hoạt động quân sự đặc biệt” ở nước ngoài.

Thông tin này có phần chắc chắn hơn khi Thời báo Hoàn Cầu (tờ báo nhà nước Trung Quốc) cho biết, với sắc lệnh mới, Trung Quốc có thể ngăn chặn hiệu ứng lan tỏa từ các điểm nóng, bất ổn trong khu vực, bảo vệ các tuyến vận tải trọng yếu, lĩnh vực đầu tư và người dân Trung Quốc ở nước ngoài. Yếu tố “nước ngoài” được nhấn mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh mới điều chỉnh các hoạt động quân sự “phi chiến tranh”, cho phép quân đội Trung Quốc thực hiện “các hoạt động quân sự đặc biệt” ở nước ngoài.

Mặt khác, sắc lệnh cũng ra đời trong bối cảnh Trung Quốc có xu hướng sử dụng nội luật để tạo củng cố cơ sở pháp lý cho các hoạt động gây tranh cãi, ví dụ như Luật Hải cảnh hay Luật An toàn hàng hải năm 2021. Cũng như việc Trung Quốc vừa ký thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon. Chính sách mới này có thể tạo cơ sở pháp lý để Trung Quốc can thiệp quân sự tại quốc đảo này.

Thứ khiến cộng đồng quốc tế lo ngại là hiện nay Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với nhiều quốc gia. Cái mà họ gọi là “chủ quyền và lợi ích trên biển” khi không thuộc về họ.

Sự thay đổi theo hướng cứng rắn – như trường hợp Luật hải cảnh, chẳng khác nào ép buộc đối phương lao vào xung đột có vũ trang trên biển. Điều này hàm ý Trung Quốc bắt đầu tự tin chấp nhận cuộc chơi có thương vong, đe dọa các nước có tranh chấp.

Trong 3 tháng gần đây, trong khi Mỹ, Nga và châu Âu lao vào chiến sự Ukraine thì Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ngoại giao tại châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, đã đến 8 đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương, đặt viên gạch đầu tiên cho một căn cứ quân sự ở Solomon.

Tại Campuchia, truyền thông phương Tây cho rằng, Trung Quốc đang bí mật khởi công xây dựng mở rộng căn cứ quân sự ở Shihanukvill.

Riêng về các hoạt động trên của Trung Quốc không gì khác ngoài ý đồ mở rộng phạm vi hoạt động, tăng cường tầm ảnh hưởng, đẩy mạnh tham vọng bá chủ toàn cầu. Dĩ nhiên, trong tình hình căng thẳng như hiện nay, loạt diễn biến trên báo hiệu điều chẳng lành.

Thứ nhất, Mỹ chính thức công khai thách thức Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc đang nỗ lực chuẩn bị mọi thứ từ sớm để không rơi vào thế bị động gồm các lực lượng: Quân đội chính quy – Hải cảnh – Dân quân – ngư dân kết hợp – và căn cứ quân sự ở nước ngoài hậu thuẫn.

Thứ hai, nhiều nguồn tin đồn đoán rằng, Trung Quốc mở đường đem quân hỗ trợ Nga. Tuy nhiên, kịch bản này rất khó xảy ra, bởi tính toán hiện nay của Trung Quốc là tránh tối đa mâu thuẫn với phương Tây, tranh thủ tối đa cơ hội khi Mỹ, châu Âu, Nga bấn loạn vì khủng hoảng kinh tế, năng lượng.

Một trong những mục tiêu hàng đầu hiện nay của Trung Quốc là “thống nhất Đài Loan”, việc lấy lại hòn đảo này sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh hải quân Trung Quốc, đâm thủng vòng vây của Mỹ và hai đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc trên biển Hoa Đông; Đồng thời tiệt trừ nguy cơ lực lượng Mỹ có thể bám đóng ở Đài Loan.

Thứ ba, đây là thời điểm có tính bước ngoặt để Trung Quốc “giải quyết gọn gàng” tranh chấp trên Biển Đông, đặt các quốc gia có liên quan vào hoàn cảnh khó xử: Liên kết với Mỹ và đồng minh hay đơn phương chống lại Trung Quốc? Đối ứng bằng vũ trang hay luật pháp quốc tế?

Bảo Trâm

Bài mới
Đọc nhiều