+
Aa
-
like
comment

Những bức ảnh có thể bạn chưa từng thấy về chiến tranh Việt Nam

27/01/2021 09:11

Dưới góc nhìn phương Tây, hình ảnh và ký ức về Chiến tranh Việt Nam thường được thể hiện qua những bức ảnh huyền thoại của nhiều phóng viên Mỹ và các hãng tin nước ngoài. Nhưng bên cạnh đó, cũng có đến hàng trăm phóng viên ảnh Việt Nam Cộng hòa tác nghiệp trên chiến trường riêng, sẵn sàng ghi lại mọi khoảnh khắc của cuộc chiến trong điều kiện khắc nghiệt nhất.

Hầu hết những phóng viên này đều làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam, Mặt trận giải phóng Dân tộc, Quân đội và nhiều thời báo khác nhau. Một số khác là những tay máy nghiệp dư; nhiều người thậm chí còn giấu tên khi gửi các cuốn phim về những tờ báo lớn.

Lần đầu đặt chân tới Hà Nội, phóng viên ảnh Doug Niven mong rằng ông có thể nhìn nhận rõ hơn về cuộc chiến thông qua góc nhìn người Việt, nhưng trái với kỳ vọng, ông lại chẳng thể tìm thấy cuốn sách nào về chiến tranh Việt Nam. Tất cả những gì ông tìm được chỉ là vài ấn phẩm với lác đác mấy tấm hình, huống chi là một bài báo ảnh thời chiến thuần túy. Vẫn với mục đích ban đầu, vào khoảng đầu năm 1990, Doug Niven đã tự mình đi tìm những nhiếp ảnh gia thời chiến còn sống sót.

Niven bắt đầu tìm kiếm từ những kênh thông tấn chính thống và cơ quan báo chí chính phủ. Sau đó, ông gia nhập một hiệp hội nhiếp ảnh lớn và cuối cùng, nhờ nhiều nguồn tin truyền miệng, ông đã gặp được những người từng phục vụ trong chiến tranh theo ý nguyện. Chín trong số mười nhiếp ảnh gia Việt Nam đã thiệt mạng vì bom đạn, số còn lại phải chống chọi với kiết lỵ và sốt rét. Nhiều người trong số họ thậm chí còn không biết nhau từ trước.

Niven đã khôi phục hàng ngàn tấm ảnh, nhiều tấm còn ở dạng âm bản – chưa bao giờ được rửa và in. “Một phóng viên đã chia sẻ với tôi rằng, anh ấy chỉ sử dụng duy nhất một cuộn phim để tác nghiệp trong suốt trận chiến năm đó do không biết thay phim và luôn lo sợ cuốn phim sẽ hỏng khi anh ta mở máy”, Doug Niven phỏng vấn cùng National Geographic.

Vào thời kỳ đó, rất nhiều nhiếp ảnh gia đã phải làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn và khắc nghiệt. Không có phòng tối, những cuộn phim chỉ có thể được rửa vào ban đêm. Hóa chất xử lý ảnh được trộn trong các ấm trà, và họ thường rửa nửa cuộn một lần để tránh làm hỏng cả cuộn phim.

Vài người còn chế đèn flash bằng cách đổ thuốc súng vào một thiết bị cầm tay nhỏ rồi dùng diêm đốt. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Ưu chia sẻ: “Chúng tôi phải luôn thật cẩn thận trong từng công đoạn do số lượng phim có hạn. Với chúng tôi, một tấm ảnh cũng giống một viên đạn quý nơi chiến trường vậy”.

Khoảng 180 bức ảnh cùng nhiều câu chuyện về những con người can đảm góp phần tạo nên lịch sử đã được công bố trong cuốn “Another Vietnam: Pictures of the War from the Other Side” (Một Việt Nam khác: Những bức ảnh thời chiến gửi từ phía bên kia địa cầu) của National Geographic.

“Tôi đã tò mò và tự hỏi, liệu cái nhìn của người Việt về cuộc chiến có bị ảnh hưởng bởi những bức ảnh này theo cách tương tự. Cuốn sách chính là một nỗ lực thể hiện góc nhìn của người Việt với cuộc chiến và cũng để tôn vinh vẻ đẹp của những tấm hình”, Doug Niven chia sẻ.

1970. Một người du kích chèo thuyền trên sông qua rừng đước ở đồng bằng sông Mekong. Mỹ đã dùng nhiều loại độc diệt cỏ để phá hoại lớp vỏ che chắn tự nhiên của nước ta. Nhiếp ảnh gia Lê Minh Trường cảm thấy những gì ông chứng kiến quả thật quá tàn nhẫn và tồi tệ, bởi người Việt luôn coi rừng đước là khu vực kiếm kế sinh nhai với các hoạt động nông nghiệp và đánh bắt thủy sản.
1972. Các cán bộ cách mạng gặp nhau trong rừng Năm Căn với khăn che mặt để giấu kín thân phận nhằm đề phòng tình huống bị bắt giữ và thẩm vấn. Theo nhiếp ảnh gia Võ Anh Khánh, chuyển gửi ảnh từ vùng đầm lầy ngập mặn sông Cửu Long này ra miền Bắc là một công việc hết sức khó khăn. “Đôi khi, các bức ảnh còn bị thất lạc hoặc bị tịch thu trên đường ra Bắc.”
1974. Hai người phụ nữ vất vả kéo lưới đánh cá phía thượng nguồn sông Mekong – một công việc thường chỉ do đàn ông đảm nhiệm.
Tháng 6, 1972. Dân quân lục soát tại bãi xác chiếc máy bay của Hải quân Mỹ bị bắn rơi ở ngoại ô Hà Nội. Phi công đã bay ở độ cao trên ngọn cây để tránh bị radar phát hiện, nhưng những chiếc máy bay bay thấp sẽ dễ rơi vào tầm ngắm của quân lính với vũ khí cầm tay từ mặt đất. Máy bay Hoa Kỳ muốn tấn công các khu công nghiệp Hà Nội, nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất ngành này đều đã được chuyển về nông thôn.
1972. Du kích canh gác một tiền đồn được bảo vệ bởi các ống tầm vông tẩm độc trên biên giới Việt Nam – Campuchia. Tầm vông thường được vót nhọn rồi làm cứng lại bằng lửa, trước khi được ngụy trang để bẫy kẻ thù. Những cái bẫy chỉ nhằm gây thương tích, bởi một người lính bị thương sẽ khiến cả quân đoàn chậm lại, và khi đó, hoạt động cứu thương sẽ có thể làm lộ vị trí đơn vị địch.
Ngày không rõ. Quân giải phóng chiến đấu mặt đối mặt với đối phương, tại khu vực đồng bằng sông Mekong hoặc Đồng Tháp Mười. Cả hai bên đối đầu trực tiếp trong chiến trận, với bóng dáng lính Việt Nam Cộng hòa ở góc trên ảnh và quân giải phóng ở phía dưới.
30 tháng 4, 1975. Giày lính bị bỏ lại la liệt trên con đường ngoại ô Sài Gòn. Binh lính Việt Nam Cộng hòa đã vứt bỏ những đôi giày cùng quân phục của họ nhằm che giấu thân phận. “Tôi sẽ không bao giờ quên những đôi giày và âm thanh lụp bụp vang lên khi chúng tôi chạy xe qua và chèn vào chúng”, Dương Thanh Phong nhớ lại. “Nhiều thập kỷ chiến tranh đã kết thúc, cuối cùng, chúng ta đã được hòa bình”.
Tháng 5, 1975. Hai cụ bà từ miền Nam và miền Bắc Việt Nam trao nhau cái ôm nồng đượm. Họ đã mạnh mẽ sống qua bao thập kỷ, để được chứng kiến hình ảnh một Việt Nam thống nhất, không còn bóng dáng “giặc ngoại xâm”.
Tháng 7, 1967. Tân binh nhập ngũ đang được kiểm tra sức khỏe tại Hải Phòng. Hệ thống tuyển quân tình nguyện của miền Bắc đã chuyển thành chế độ nghĩa vụ quân sự từ năm 1973, khi tất cả nam giới có khả năng chiến đấu đều phải nhập ngũ. Từ một lực lượng chỉ với 35.000 người vào năm 1950, số lượng quân giải phóng đã lên tới hơn nửa triệu người vào giữa những năm 1970 – lực lượng được quân đội Mỹ thừa nhận thuộc hàng tinh nhuệ bậc nhất thế giới.
Tháng 9, 1965. Sử dụng bia tự chế, một đơn vị dân quân đang tập bắn máy bay tại Thanh Trì. Dù sử dụng các khẩu súng trường cũ từ thời Thế chiến thứ hai, người Việt Nam vẫn có thể bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Đơn vị dân quân trong ảnh, thuộc Đại đội 6 của làng Yên Mỹ, đã giành danh hiệu Lực lượng Dân quân xuất sắc trong 3 năm liên tiếp.
1973. Công nhân xây dựng đang thảo luận cách sửa chữa cầu Hàm Rồng – tuyến đường duy nhất để máy móc, xe tải hạng nặng di chuyển qua bên kia sông Mã và luôn được bảo vệ hết sức gắt gao. Vài chiếc máy bay Mỹ đã bị bắn rơi gần đó. Một đội tìm kiếm của Mỹ cũng đã tìm thấy một vài di cốt của các phi công.
1966: Quân giải phóng hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh (đường Trường Sơn).
Tháng 3, 1971. Du kích Lào dùng voi và sức người kéo hàng tại khu vực gần đường 9 Nam Lào, trong thời kỳ chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang tìm cách kiểm soát chặt chẽ cung đường này. Cuộc tấn công trong chiến dịch Lam Sơn 719, được lên kế hoạch với mục đích kiểm tra năng lực của lực lượng Lục quân Việt Nam Cộng hòa trong bối cảnh hỗ trợ phía Mỹ đang yếu dần.
1973. Một cô du kích Việt Cộng đứng gác tại khu vực đồng bằng sông Mekong. Nhiếp ảnh gia Lê Minh Trường chia sẻ: “Bạn có thể thấy hình ảnh những người phụ nữ như vậy ở mọi nơi trong thời chiến. Cô ấy mới 24 tuổi, nhưng đã mất chồng 2 lần. Cả 2 người chồng của cô đều là quân nhân. Cô ấy là hiện thân của một nữ du kích lý tưởng với những hy sinh vĩ đại cho đất nước”.
15 Tháng 9, 1970. Nạn nhân của một vụ ném bom Mỹ, anh du kích người Campuchia Danh Son Huol đang được đưa tới phòng phẫu thuật nằm trong một góc cánh rừng đước Cà Mau. Đây là ảnh chụp một ca phẫu thuật đang diễn ra, không phải một màn dàn dựng tuyên truyền.
1972. Binh lính Bắc Việt Nam băng qua một vùng đất trống gần Đường 9 nam Lào trong Chiến dịch Lam Sơn 719 – một nỗ lực thất bại của quân miền Nam Cộng hòa nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh.

Thu Hường

Bài mới
Đọc nhiều