Ngành đường sắt với hạ tầng “già nua”, bế tắc hơn thập kỷ; dịch Covid-19 bùng phát bộc lộ những lỗ hổng yếu kém trong hệ thống y tế; sống thế nào qua đại dịch; mở cửa phát triển kinh tế thế nào để vực dậy đất nước; vì sao cùng là cá ngừ đại dương nhưng nước bạn bán được giá cao còn Việt Nam thì ngược lại?… Những bài toán khó ấy tưởng chừng như không có hướng giải quyết nhưng lại được khơi thông, giải hoàn hảo trong một chuyến công du chưa đến 3 ngày ở Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Đường sắt là một trong những kênh giao thương quan trọng bậc nhất trong vận chuyển hàng hóa. Bất kỳ quốc gia phát triển nào cũng có hệ thống đường sắt hiện đại, vận hành trơn tru, hoạt động xuyên suốt. Hơn ai hết, Việt Nam biết rõ vai trò đó. Tuy nhiên với thực trạng hiện nay của ngành đường sắt nước ta, hạ tầng quá “già nua”, một đường ray bị hư cũng không sửa được, dù nhiều chuyên gia cùng tìm giải pháp, nhưng tất cả đều dừng ở lý thuyết: Phải có quyết sách táo bạo, có nguồn lực đầu tư để nâng cao năng lực của hạ tầng và khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Kinh tế một phần từ sự trì trệ của ngành đường sắt mà bị ảnh hưởng.
Thế nhưng, chuyến công du đến Nhật của Thủ tướng lần này đã đi thẳng vào trọng tâm, giải quyết và tìm được đáp án cho bài toán bế tắc suốt hơn một thế kỷ qua.
Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tập đoàn Hitachi diễn ra trong chóng vánh, nhưng kết quả đạt được thu hút nhiều sự quan tâm đặc biệt. Chủ tịch Tập đoàn Hitachi ngỏ ý thẳng thắn: “Muốn tham gia xây dựng đường sắt tại Việt Nam”, đồng thời đề xuất: “Chính phủ Việt Nam xem xét để tập đoàn mở rộng đầu tư, đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam”.
Đáp từ của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Trước tiên là tuyến TP.HCM – Cần Thơ, sau đó mở rộng thêm các tuyến đường trọng yếu khác”. Khi cái bắt tay giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tập đoàn Hitachi diễn ra, cũng là giây phút “bài toán” khó nhằn nhất về đường sắt Việt Nam tìm được đáp án!
Bài toán của Việt Nam được giải thì cũng là lúc một bài toán khác trong dư luận đặt ra. Nhắc đến Nhật và thương hiệu Hitachi cả thế giới đều biết đến những tuyến đường sắt phát triển hiện đại bậc nhất mà cả các nước phương Tây phải ngưỡng mộ, luôn mong muốn có cơ hội được hợp tác. Vậy thì Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói điều gì, để đích thân Chủ tịch Tập đoàn Hitachi chủ động ngỏ ý muốn tham gia xây dựng đường sắt tại Việt Nam?
Cho đến giờ phút này câu hỏi ấy vẫn là ẩn số. Không phải ngẫu nhiên mà một tập đoàn danh tiếng được cả thế giới săn đón như Hitachi nhưng lại chủ động muốn hợp tác với Việt Nam. Dù lý do ở đây là gì nhưng chắc chắn, khi Hitachi thực hiện thi công các tuyến đường sắt trọng yếu của Việt Nam, sẽ rất nhanh chóng Việt Nam có hệ thống đường sắt hiện đại, lưu thông thông suốt. Điều đó giúp việc vận chuyển hàng hóa, giao thương được dễ dàng hơn, tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế cho Việt Nam ở tương lai.
Nhìn xa hơn, tuyến đường sắt này không chỉ đơn thuần là “lối đi” mà nó là nhịp cầu, mở ra nhiều chương hợp tác giữa Việt – Nhật, mở thêm nhiều cánh cửa cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Đại dịch Covid-19 là phép thử khắc nghiệt mà trong đó, một trong những điểm yếu đã được bộc lộ là thiếu sót về công nghiệp y tế. Thiếu thuốc, thiếu ô-xy, thiếu que test, thiếu trang thiết bị y tế, thiếu bệnh viện điều trị, thiếu vaccine và hệ thống y tế dự phòng bị “gãy” là một trong những cái thiếu nghiêm trọng của ngành Y tế Việt Nam mà ai cũng nhìn thấy rõ nét trong cuộc chiến chống dịch đợt thứ 4 vừa qua.
Để có những liều vaccine phòng chống dịch Covid-19 cho người dân, thời gian qua các lãnh đạo Việt Nam đã nỗ lực thực hiện công tác ngoại giao vaccine, liên tục đàm phán mua bổ sung những lô vaccine kịp thời về nước, phủ vaccine trong nhân dân. Việt Nam cũng nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế về sản phẩm y tế liên quan đến công tác chống dịch, được nhiều nước bạn chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Tuy nhiên, nếu tính về đường dài, điều đó không bền bỉ và không thể an tâm khi đất nước chưa làm chủ được công nghệ trong công tác phòng chống, ứng phó trước dịch bệnh.
Đó là bài toán đầy đánh đố và thách thức. Tuy nhiên, kết quả chuyến công du Nhật lần này của Thủ tướng đã làm cục diện, gam màu ngành Y tế Việt Nam thay đổi bội phần, khi đích thân Tổng giám đốc Tập đoàn dược phẩm Shionogi – đơn vị chuyên sản xuất thuốc chữa bệnh truyền nhiễm hàng đầu Nhật Bản muốn xây cơ sở sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 đầu tiên ở Đông Nam Á tại Việt Nam.
Khác biệt hoàn toàn với những gì Việt Nam đã có trước đó từ công tác ngoại giao và đàm phán, vaccine mà Tổng giám đốc Tập đoàn dược phẩm Shionogi nhắc đến không chỉ là vaccine phòng chống Covid-19, mà còn có các vaccine phòng, chống dịch bệnh khác, trong đó có cả vaccine cho trẻ em.
Có sự hợp tác của Tập đoàn dược phẩm Shionogi thì người dân có cơ sở để tin rằng, trong tương lai gần, ngay tại Việt Nam chúng ta có thể nghiên cứu và sản xuất những loại thuốc đặc trị, chủ động chế tạo, bào chế ra các sản phẩm y tế bắt kịp xu hướng thời đại.
Thay vì chúng ta bị động, phải chờ đợi để đặt mua thuốc, vaccine như thời gian qua, thì thời gian tới đây tâm thế của người dân sẽ an tâm hơn khi tất cả những điều đó đều có sẵn ngay tại đất nước mình. Cơ hội để phòng chống dịch bệnh cao hơn, rủi ro thiệt hại sẽ giảm thiểu, người dân sẽ được phục vụ tốt hơn về chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng đời sống. Đặc biệt, với hệ thống hiện đại, người dân sẽ càng yên tâm hơn với sự phục vụ của hệ thống y tế nước nhà.
Y tế luôn là bài toán khó, đầy thách thức với các nhà lãnh đạo. Hẳn đến giờ phút này, nhiều người vẫn ám ảnh với hình ảnh giàn hỏa thiêu người dân mất ở Ấn Độ vì dịch bệnh, lãnh đạo đất nước này phải “đứng yên” bất lực dù đây là thủ phủ của thuốc điều trị bệnh của ngành Y học. Tuy nhiên, khó khăn cũng sẽ là cơ hội để bản lĩnh điều hành của các nhà lãnh đạo được phát huy, cũng là thước đo hoàn hảo cho tố chất người lãnh đạo. Thực chất, trên thế giới này không trường lớp nào có thể dạy đầy đủ cho các lãnh đạo cách điều hành đất nước trong từng thách thức, mà tất cả là ở chính tư duy, hành động của người lãnh đạo, sẽ làm nên những đột phá. Để rồi, từ chính những cách làm đặc biệt ấy sẽ quyết định đưa đất nước vượt qua những đốt thách thức của những giai đoạn khốc liệt nhất.
Với đường hướng hiện nay của Chính phủ, một cuộc gặp gỡ có thể tháo gỡ nhiều vấn đề nội tại, khơi thông những điểm tắc nghẽn của đất nước, điều này chỉ có thể có ở tư duy đột phá của người lãnh đạo.
Nhiều năm qua, câu chuyện “mất giá” luôn trở thành điểm nóng trên tất cả các diễn đàn tìm lối ra cho nông dân, doanh nghiệp Việt Nam. Cùng là một loại cá quý ở biển, nếu ở Nhật Bản giá cá ngừ lên tới hàng triệu đồng một kg, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho mỗi ký, thì dù là ở giai đoạn “hoàng kim”, giá cá ngừ Việt Nam cao nhất chỉ vài trăm nghìn đồng. Sự chênh lệch lớn về giá cả và bài toán về nâng cao giá trị sản phẩm luôn là trăn trở qua nhiều thế hệ lãnh đạo của địa phương vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Chuyến công du sang Nhật lần này, bằng cách nào đó Thủ tướng Phạm Minh Chính đã xúc tiến, để tỉnh Phú Yên ký hợp tác với Tập đoàn Kiyomura của “vua cá ngừ Nhật Bản” Kiyoshi Kimura. Đây là tập đoàn lớn, có tiếng của Nhật Bản, độ bao phủ rộng khắp, cung cấp nguyên liệu chính cho nhiều món ăn cao cấp tại Nhật.
Những hợp đồng được ký kết, câu chuyện không chỉ là thương hiệu mà sự kỳ vọng cao hơn, những cú bắt tay ngày hôm nay sẽ đưa ngành đánh bắt hải sản – cá ngừ của Việt Nam phát huy thế mạnh, giải được bài toán về khó khăn trong chuỗi cung ứng và góp phần đem lại nhiều giá trị kinh tế hơn cho người dân Việt Nam.
Các bậc thầy thành công đều có chung một đáp áp: Thái độ tiếp nhận khi gặp khó khăn, càng có nhiều ý thức, kiến thức và tầm nhìn thì càng có nhiều cơ hội tiếp cận thành công. Điều đó càng bộc lộ rõ nét khi dịch Covid-19 bùng phát, tác động kinh tế toàn cầu, chi phối và đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, đòi hỏi các quốc gia phải chọn được cho mình chiến lược phù hợp để ứng phó và bước qua.
Trong lúc nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Việt Nam sống tiếp thế nào qua đại dịch? Thì hành động quyết liệt, vừa kết thúc chuyến công du Châu Âu, tiếp tục thực hiện chuyến công du đến Nhật của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra câu trả lời: Tìm cơ hội trong khó khăn, mạnh mẽ đối mặt với thực tế, tìm ra hướng gió – điều chỉnh cánh buồm, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới, mở cửa phục hồi kinh tế.
Ngạn ngữ có câu, đi đâu không quan trọng bằng đi đúng hướng. Có nhiều chìa khóa không quan trọng bằng nắm một chìa khóa nhưng mở được ổ khóa quan trọng nhất. Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là đối tác có ảnh hưởng ngày càng lớn trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Hiện nay, Nhật Bản nằm trong top các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với khoảng 4.800 dự án, là đối tác số 1 về cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA), số 2 về đầu tư, số 3 về du lịch với số khách đến Việt Nam với khoảng 1 triệu người, số 4 về thương mại 2 chiều đạt trên dưới 40 tỷ USD.
Chuyến công du Nhật của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy rõ tầm nhìn chiến lược của Chính phủ, đến với đối tác chiến lược để đẩy mạnh kết nối, xây dựng và mở ra cơ hội cho chính quốc gia của mình. Ở chuyến công du này, Thủ tướng Phạm Minh Chính là vị khách nước ngoài đầu tiên được tân Thủ tướng Fumio trang trọng gửi lời mời và tiếp đón nồng hậu sau khi nhậm chức.
Thời gian chưa đến 3 ngày nhưng những cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và lãnh đạo cấp cao Nhật Bản đạt được nhiều thành quả, dựa trên niềm tin cậy chiến lược đã xây dựng và bồi đắp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu, lâu dài, tin cậy cao”. Quá trình đó được đúc kết, xây dựng qua nhiều thế hệ.
Điều đặc biệt, trong 3 đời Thủ tướng Nhật Bản gần đây thì Cựu thủ tướng Nhật Abe Shinzo có 4 lần thăm Việt Nam, với tình cảm đặc biệt quý mến đất nước, dân tộc Việt Nam, đặc biệt là chiếc áo dài. Thủ tướng Yoshihide Suga khi vừa nhậm chức đã chọn Việt Nam làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình. Đến nhiệm kỳ Thủ tướng Fumio Kishida, ông quyết định gửi lời mời tiếp đón lãnh đạo nước ngoài đầu tiên cũng là Việt Nam. Điều đó đủ để phản ánh mối quan tâm lớn và thể hiện mức độ tin cậy cuả đối tác Nhận Bản, đặc biệt là với tính ổn định và an ninh của Việt Nam.
Trong chuyến công du này, thời gian ngắn ngủi Thủ tướng đến thăm tỉnh Tochigi – nơi được mệnh danh là “tỉnh Monozuki” (tỉnh sản xuất), có nền công nghiệp mạnh nhất cả nước Nhật Bản về ô tô, vận tải và hàng không vũ trụ, đủ để mở ra cơ hội cho Việt Nam đầu tư hạ tầng và phát triển sản xuất.
Đích thân Thống đốc Fukuda Tomikazu nêu rõ tên 22 doanh nghiệp của tỉnh đang đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời cũng đích thân Thống đốc đưa ra lời khẳng định: “Tỉnh Tochigi mong muốn tăng cường hợp tác với nhiều địa phương nữa của Việt Nam, muốn tiếp nhận nhiều hơn nữa lao động chất lượng cao, thực tập sinh kỹ năng Việt Nam sang làm việc tại tỉnh”.
Đây là tín hiệu cho thấy tiềm năng hợp tác phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, kinh tế giữa hai nước Việt – Nhật sẽ có nhiều triển vọng. Như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính đúc kết: “Tới đây sẽ còn được thúc đẩy hơn, có thể tăng đột biến”.
Kết quả của chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ không chỉ thể hiện ở những con số mà còn ở ý nghĩa chiến lược lâu dài của chuyến thăm: Thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam với tỉnh phát triển hàng đầu Nhật Bản. Mở ra nhiều cơ hội lớn, tiếp nối và hợp tác bền lâu từ các thỏa thuận hàng chục tỷ USD giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Thực hiện: Dương Thị Hải Yến
Thiết kế: M.N