Những anh hùng trong đại dịch
Hình ảnh các chiến sĩ đứng hai bên đường chào tiễn biệt đồng đội vừa ngã xuống theo cách riêng biệt, lặng lẽ, giản đơn, rồi vội vã trở về đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chống dịch, bảo vệ nhân dân, đã để lại nhiều “gợn sóng” trong lòng không ít người.
Covid-19, không chỉ là bóng ma, khiến nhiều gia đình ly tán, mà là nỗi ám ảnh thường trực với người dân, không chỉ gây bệnh mà đè bẹp cả đời sống. Nước mắt chảy không ngừng khi hay tin chiến sĩ hy sinh, khép lại kiếp người với bao công hạnh.
Không ngôn từ nào có thể diễn tả đủ đầy trong con chữ khi mà liên tiếp đón nhận tin dữ lúc nửa đêm: Sau 13 ngày điều trị tích cực do nhiễm Covid-19 trong lúc truy vết các ca F1, đại úy Lê Huỳnh Nhật Minh, phó trưởng Công an xã Phước Thạnh (Tây Ninh), đã hy sinh do bệnh chuyển biến nặng. 21 giờ 30 phút, đêm 2-8, Thượng úy Phan Tấn Tài (TP.HCM) hy sinh trong quá trình truy bắt đối tượng vi phạm quy định phòng chống dịch. Bốn ngày sau đó, 20 giờ đêm ngày 6-8, trung úy Nguyễn Văn Chiến đang trực chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên quốc lộ 1A, xã Quỳnh Văn, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An, bị một xe tải chạy qua tông dẫn đến tử vong.
Nơi tuyến đầu, sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ công an trong cuộc chiến chống Covid-19 làm thổn thức bao trái tim, sự ra đi, ngã xuống của chiến sĩ để lại bao nỗi đau cho gia đình và tiếc thương cho đồng đội. Với người chiến sĩ, có lẽ không nỗi đau nào bằng chứng kiến cảnh đồng đội mình hy sinh, tuy nhiên, họ phải học cách chịu đựng, nén lại đau thương để đứng vững, để gánh vác và thực hiện ước mong – phần việc mà đồng đội mình còn dang dở.
Chống dịch, lực lượng công an được huy động 100% quân số, một, hai, thậm chí là đã ba tháng rồi chưa về nhà. Biết bao chiến sĩ vì nhớ vợ, nhớ con tiện chuyến công tác ngang qua nhà, chỉ dám đứng từ xa để nhìn mà chẳng thể ôm chầm họ vào lòng sau nhiều ngày xa cách.
Mới đây, hình ảnh Đại úy Nguyễn Văn Sang, Trưởng Công an xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đi chống dịch về ngang nhà chỉ dám đứng từ xa, cô con gái nhỏ cất tiếng gọi: “Ba đứng ra ngoài sáng để con nhìn ba được không?” khiến bao người xúc động. “Gần nhau như vậy nhưng mà xa ngàn trùng” – câu nói ấy càng được phản ánh đúng trong hoàn cảnh này.
Khi mà các bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 ngày càng quá tải và dịch bệnh chưa có tín hiệu dừng lại, thì sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ Công an sẽ còn diễn ra. Các lệnh giãn cách càng siết chặt, thì số người manh động càng nhiều, liên tiếp các vụ “thông chốt” kiểm dịch và chống người thi hành công vụ, khiến cảnh sát bị gãy xương. Nhưng dù phải hy sinh tính mạng, các chiến sĩ cũng quyết bảo vệ cho được vùng an toàn, để dịch bệnh không có nguy cơ reo rắc.
Trong tình huống này, các chiến sĩ chống dịch như chiếc đốt của cây tre, bảo vệ thành trì chống dịch cho nhân dân – nếu không có những chiếc đốt này, chắc chắn cây tre sẽ gẫy, người dân sẽ gặp nhiều nguy hiểm…
Hình ảnh công an luôn gắn liền với những chiến công và hy sinh. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, hình ảnh ấy lại tái hiện trên nhiều mặt trận. Cũng vừa mới đây, một người đàn ông ở Đà Nẵng bị nhắc nhở vì vi phạm quy định phòng chống dịch Covid-19 đã có những lời lẽ xúc phạm, thậm chí dùng ghế lao vào đánh công an đang làm nhiệm vụ. Nơi các chốt phong tỏa, ngày cũng như đêm, nắng cũng như mưa, chiến sĩ vẫn canh chốt, quân số ngày vẫn đủ ba ca. Khi nửa đêm bỗng mưa dầm hối hả, lực lượng vẫn đội mưa giữ chốt, kiểm soát chặt người đi đường. Không ngôn từ nào diễn tả hết được những vất vả, hy sinh thầm lặng của người lính. Khi mà dịch bệnh còn hoành hành bất ổn, thì tuyến đầu, các chiến sĩ chắc chắn là cứ phải xông pha.
Cuộc chiến chống dịch còn nhiều khó khăn, ca chữa khỏi không ít nhưng ca mất ngày càng nhiều, gam màu xám xịt bao trùm lên mọi ngóc ngách cuộc sống. Tuy thế, khi nhìn vào hình ảnh chiến sĩ phục vụ nơi tuyến đầu, lại thấy tình yêu quê hương, đất nước căng đầy sức sống đang lan tỏa quanh mình. Hy vọng năng lượng tích cực, tinh thần cống hiến và dấn thân không ngơi nghỉ của cán bộ chiến sĩ, chất thép của người lính sẽ tạo thêm nhiều động lực cho đất nước chúng ta bước qua đại dịch!
Hải Dương