Những đối tượng nào được TP.HCM cấp thẻ xanh sau 15/9?
Từ ngày 16.9, Q.7, H.Củ Chi và H.Cần Giờ (TP.HCM) bắt đầu thí điểm cuộc sống “bình thường mới” trước khi áp dụng trên toàn địa bàn TP từ đầu tháng 10.2021. Theo đó, thẻ xanh Covid-19 chỉ được thí điểm hạn chế chứ chưa được áp dụng rộng rãi.
Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết UBND TP cho phép thí điểm “thẻ xanh Covid-19” tại 5 đơn vị: huyện Củ Chi; các khu chế xuất – khu công nghiệp, ban quản lý khu công nghệ cao, quận 7, huyện Cần Giờ.
Việc thí điểm này sẽ triển khai có lộ trình ở những nhóm đơn vị cụ thể, kiểm tra hằng ngày để thay đổi kịp thời. Trong trường hợp có địa phương đảm bảo các tiêu chí để thí điểm thẻ xanh thì TP sẽ triển khai chứ không nhất thiết chỉ 5 đơn vị này.
Vi dụ, quận 7 triển khai cho 150 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh. Hai huyện Củ Chi, Cần Giờ thì triển khai ở cơ sở cung cấp du lịch sản phẩm các địa phương, còn lại những đơn vị không thực hiện thí điểm vẫn áp dụng theo phương thức cũ.
Những đơn vị khác tại 3 quận này không thí điểm thẻ xanh COVID thì sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát đang thực hiện của thành phố.
Ngoài ra, TP.HCM đã triển khai thí điểm áp dụng ứng dụng khai báo điện tử thống nhất. Việc sử dụng ứng dụng này nhằm mục đích giảm bớt số ứng dụng thành phố cần áp dụng để kiểm soát dịch bệnh, người dân giảm lược được giấy tờ và chính quyền thành phố chủ động trong dự liệu.
Ông Thắng thông tin thêm, ngoài phục vụ công tác phòng, chống dịch, ứng dụng này được định hướng để phục vụ công dân TP.HCM trong việc sử dụng các tiện ích sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Sau ngày 30/9, Sở Thông tin Truyền thông sẽ phối hợp với các sở ngành và các địa phương để tham mưu giải pháp chính thức cho UBND TP.
Dùng app gì?
Về ứng dụng “Khai báo y tế điện tử TP.HCM” mà Sở đang phát triển, ông Thắng cho hay đây không phải là ứng dụng mới mà là ứng dụng đã triển khai trên địa bàn TP từ tháng 1-2021. Nhưng để đảm bảo yêu cầu chống dịch của TP sau ngày 15-9, sau khi tổng rà soát các ứng dụng, các giải pháp công nghệ thông tin và xin ý kiến Bộ chuyên ngành thì TP thống nhất phát triển ứng dụng ứng dụng “Khai báo y tế điện tử TP.HCM” thành một ứng dụng thống nhất cho người dân quản lý thông tin của mình một cách tiện lợi nhất.
“Ứng dụng này gom nhiều ứng dụng hiện nay đang gây bất tiện cho người dân và các cơ quan quản lý, và giúp người dân giảm giấy tờ. Chúng tôi chọn giải pháp phát triển ứng dụng của TP nhằm đáp ứng yêu cầu của TP, ví dụ như bộ tiêu chí an toàn của từng lĩnh vực cụ thể, tiêu chí thẻ xanh.
Định hướng lâu dài của TP là ứng dụng này không chỉ để phục vụ phòng, chống dịch mà sẽ thành một ứng dụng cho công dân TP.HCM phục vụ các tiện ích cho người dân TP sau khi TP trở lại bình thường mới”, ông Thắng giải thích.
Trước đó vào ngày 14-9, tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 8, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết TP đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được thống nhất về việc tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 2 tuần theo tinh thần chỉ thị 16.
Bí thư Thành ủy cho biết đa số các địa phương chưa đạt tiêu chí kiểm soát dịch nên TP.HCM cần tiếp tục thực hiện giãn cách. Thủ tướng cũng đã thống nhất với đề xuất của TP.HCM.
Trong đó, những địa phương đã kiểm soát được thì từng bước mở dần theo nguyên tắc an toàn là trên hết, không chủ quan nôn nóng, làm chặt chẽ, chắc chắn.
Sơn Ca