+
Aa
-
like
comment

Những ai gây ra vi phạm nghiêm trọng trong vụ Thủ Thiêm?

01/07/2019 08:39

‘Sau kết luận thanh tra về vụ Thủ Thiêm, có rất nhiều điều cần phải được làm rõ: Ai là người đã gây ra vi phạm nghiêm trọng như thế này? Ai không chấp hành nghiêm quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt và làm sai lệch quy hoạch? Cái lợi ấy thuộc về ai? Nhóm lợi ích ấy là nhóm lợi ích nào?…’.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu hàng loạt câu hỏi, khi trò chuyện với PV Tiền Phong về vụ Thủ Thiêm.

 

Tìm cho ra nhóm lợi ích

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra toàn diện ở Thủ Thiêm. Cá nhân ông nhìn nhận, đánh giá gì về kết luận này?

Qua tiếp cận thông tin về vụ Thủ Thiêm, cá nhân tôi thấy kết luận thanh tra vừa qua cũng tương đối rõ ràng. Mặc dù có hơi muộn, nhưng kết luận thanh tra cũng đã làm nức lòng người dân và cử tri. Điều đó cho thấy quyết tâm trong việc tuyên chiến với tham nhũng, tuyên chiến với các sai phạm.

Chỉ có điều, vụ việc này đã rộ lên từ mấy năm qua. Nếu như kết luận thanh tra được đưa ra từ vài năm trước thì sẽ an dân hơn, người dân cũng không phải vất vả, khổ sở và hoang mang trong suốt mấy năm qua. Cũng có rất nhiều lãnh đạo của TPHCM, rồi của quận lên trả lời người dân, nhưng người ta cũng không biết nguyên nhân vì sao, giải pháp thế nào, đặc biệt hướng xử lý cho người dân ra sao?

Mặc dù vậy, kết luận thanh tra Thủ Thiêm cũng đã chỉ rõ việc làm sai lệch quy hoạch, tại sao quy hoạch lại biến tướng, để rồi có sự tự tung tự tác điều chỉnh quy hoạch; lấy đất của dân với giá bèo bọt, rồi giao cho doanh nghiệp… Đó chính là cái được mà kết luận thanh tra đã đưa ra. Thế nhưng, trong kết luận thanh tra lại chưa chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai, trách nhiệm cụ thể như thế nào.

Đó cũng chính là điều mà công luận đang rất quan tâm, và có lẽ trong thời gian tới, vấn đề trách nhiệm cá nhân cần phải được làm sáng tỏ?

Rõ ràng phải như vậy, vì sai phạm xảy ra thì phải có địa chỉ của tổ chức và cá nhân cụ thể. Thế nhưng tôi tin, có thể có những điều không tiện nói ra, hoặc có những yếu tố mật, nên trong kết luận thanh tra vừa qua không nói hết được. Chắc chắn sau khi Thanh tra Chính phủ chuyển toàn bộ hồ sơ, kết luận sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương vấn đề sẽ được làm rõ. Cũng không phải chỉ chuyển sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mà sẽ còn phải chuyển sang cơ quan điều tra.

Lúc đó sẽ làm rõ ai là người gây ra tai họa như thế này? Ai là người không chấp hành nghiêm quy hoạch Thủ tướng đã phê duyệt và làm sai lệch quy hoạch? Tại sao lại lấy đất của người dân giao cho doanh nghiệp chỉ với giá vài chục triệu, nhưng khi bán ra giá lại lên đến hàng trăm triệu mỗi mét vuông? Cái lợi ấy thuộc về ai? Nhóm lợi ích ấy là nhóm lợi ích nào?… Tất cả những câu hỏi ấy cần phải được làm rõ.

Kết luận vừa qua của Thanh tra Chính phủ đã xuất hiện bóng dáng của nhóm lợi ích trong vụ Thủ Thiêm?

Tôi tin chắc sẽ có nhóm lợi ích ở đây và nó đã được chỉ ra. Đó cũng chính là điều mà nhân dân mong muốn, cần có ánh sáng soi vào thì bức tranh Thủ Thiêm sẽ rõ hơn. Như tôi vừa nói, khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận về người chịu trách nhiệm, sau đó sẽ chuyển sang cơ quan điều tra. Lúc đó còn có cả một quá trình nữa trong việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Làm rõ việc dừng thanh tra năm 2015

Nhưng kết luận thanh tra có nói, trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu đương sự không khắc phục được, hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm trước ngày 31/12/2019 thì mới chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra?

Tôi lại có ý kiến khác. Bởi vì tất cả các hành vi đó đã là hành vi cấu thành tội phạm rồi, chứ không phải nếu khắc phục được thì không chuyển sang cơ quan điều tra nữa. Kết luận đó là hơi sớm. Khi mọi hành vi đã cấu thành tội phạm rồi, thì việc khắc phục chỉ là giảm nhẹ, chứ không thể bỏ qua khâu điều tra được.

Khi các hành vi đã cấu thành tội phạm thì phải chuyển sang cơ quan điều tra. Hành vi lấy đất của dân, hành vi chia cho nhóm lợi ích, hành vi thực hiện các dự án…đã cấu thành tội phạm rồi. Lấy đất của dân không đền bù, đền bù không xứng đáng, làm cho hàng nghìn người dân ăn chờ ở đợ, sống tạm bợ bao nhiêu năm trời như vậy đã là cấu thành tội phạm. Trong quá trình điều tra mới biết tiền chênh lệch đó rơi vào túi của nhóm lợi ích nào, từng người như thế nào… Không thể nói, nếu khắc phục triệt để thì sẽ không chuyển sang cơ quan điều tra được.

Nghĩa là trường hợp này cũng giống như vụ AVG?

Cũng có thể so sánh như vậy. Vụ AVG họ đã khắc phục từ rất sớm, thậm chí khắc phục một cách triệt để, hoàn tiền đến 100%; vậy mà vẫn điều tra, truy tố, xét xử. Và hiện nay cả Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng liên quan vụ AVG cũng đang bị điều tra, tạm giam rồi, thì vụ Thủ Thiêm không thể không được.

Nói về thời điểm thanh tra, được biết vào năm 2015, Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc, nhưng sau đó lại có quyết định dừng. Theo ông đây có phải là điều bất thường?

Lẽ ra nếu thanh tra và ban hành kết luận từ thời điểm đó thì đã làm an dân hơn, đã rõ ràng hơn và hậu quả sẽ không lớn như bây giờ. Vì tài sản thất thoát sẽ hạn chế và sẽ thu hồi được nhanh hơn, nhiều hơn. Cũng không để cho nhóm lợi ích tẩu tán tài sản, hồ sơ và không gây thất thoát lớn như bây giờ.

Trách nhiệm về việc này cũng cần phải được làm rõ chứ, thưa ông?

Đúng vậy. Vấn đề cần phải làm rõ tại sao vụ việc rõ như ban ngày như vậy mà lại dừng thanh tra? Đó là một dấu hỏi lớn mà cử tri cả nước và các vị đại biểu Quốc hội cũng đang hết sức quan tâm. Đó là thời điểm thuận lợi nhất để thanh tra và đưa ra kết luận rõ ràng, tại sao lại bỏ qua? Nếu đưa ra kết luận thanh tra vào lúc đó, chắc đã không có từng đoàn người rồng rắn lên trung ương khiếu kiện cho đến tận bây giờ.

Vụ việc này một lần nữa cho thấy, việc chống tham nhũng ngay trong chính lực lượng phòng chống tham nhũng là vô cùng quan trọng?

Một số vụ việc trong thời gian qua, như vụ Thanh tra ở Thanh Hóa, rồi gần đây nhất là vụ Thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc là một tiếng chuông cảnh báo cho lực lượng thanh tra nói chung. Tôi rất tâm đắc với câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là phải làm trong sạch ngay đội ngũ phòng chống tham nhũng, và phải phòng chống tham nhũng ngay trong lực lượng phòng chống tham nhũng.

Cảm ơn ông!

“Vấn đề cần phải làm rõ, tại sao vụ việc rõ như ban ngày như vậy mà lại dừng thanh tra? Đó là một dấu hỏi lớn mà cử tri và các vị đại biểu Quốc hội cũng đang hết sức quan tâm. Nếu đưa ra kết luận thanh tra vào lúc đó, chắc đã không có từng đoàn người rồng rắn lên trung ương khiếu kiện cho đến tận bây giờ”.

Ông Lê Như Tiến nói về việc dừng thanh tra dự án Thủ Thiêm năm 2015

(Theo Tiền Phong)

Bài mới
Đọc nhiều