Những ai cần xét nghiệm nCov khi đi khám bệnh ở TP.HCM?
Theo công văn gửi các bệnh viện công lập, ngoài công lập và phòng khám đa khoa do Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng ký ngày 8/10, dù tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, thành phố vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể diễn tiến phức tạp. Do đó, các cơ sở y tế cần áp dụng quy định mới trong xét nghiệm Covid-19.
Tại khoa khám bệnh, cấp cứu và đơn vị điều trị trong ngày
Người bệnh khi đến khám cần khai báo y tế điện tử và được phân luồng, sàng lọc triệu chứng theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ được làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.
Đối với bệnh nhân cấp cứu: Bệnh viện cần ưu tiên can thiệp cấp cứu tại buồng sàng lọc, sau khi người bệnh ổn định, cần xem xét chỉ định xét nghiệm nhanh kháng nguyên nếu có triệu chứng nghi ngờ.
Đối với người bệnh cần can thiệp thủ thuật, phẫu thuật tại khu vực điều trị – ngoại trú, điều trị ban ngày (như phẫu thuật trong ngày, thận nhân tạo, khí dung, khám thăm dò chức năng hô hấp, nội soi dạ dày, răng miệng…): Được xét nghiệm nhanh kháng nguyên để quyết định nơi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật phù hợp.
Tuy nhiên, với trường hợp người bệnh và thân nhân đã có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu) và không có triệu chứng nghi ngờ, thì không cần xét nghiệm lại.
Đối với người bệnh có chỉ định nhập viện: Xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm rRT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp không quá 10 mẫu) cho người bệnh và người chăm sóc đi kèm trước khi nhập viện.
Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, người bệnh vẫn được điều trị tại khu cách ly tạm.
Như vậy, theo quy định này, những trường hợp đến khám, chữa bệnh thông thường (không can thiệp phẫu thuật, thủ thuật) và không có triệu chứng viêm hô hấp sẽ không cần xét nghiệm Covid-19. Quy định này của Sở Y tế TP.HCM đã thoáng hơn so với giai đoạn bùng phát dịch. Trước đó, cơ quan này yêu cầu tất cả người đến khám đều phải test nhanh trước khi vào bệnh viện.
Tại khu điều trị nội trú và các khoa, phòng khác
Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị xét nghiệm (rRT-PCR hoặc test nhanh) cho tất cả nhân viên, người lao động, người bệnh, người chăm sóc ngay khi có triệu chứng nghi ngờ (sốt, ho, đau họng, mất khứu giác, mất vị giác…). Tất cả người mắc viêm phổi diễn tiến nhanh, suy hô hấp không giải thích cần phải chỉ định xét nghiệm rRT-PCR mẫu đơn.
Các nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với F0, nhân viên xử lý mẫu bệnh phẩm, đồ vải, rác thải lây nhiễm và các khu vực nguy cơ cao được xét nghiệm rRT-PCR mẫu gội 10/tuần/lần. Các nhân viên còn lại, bao gồm bệnh nhân nội trú, cũng được lấy mẫu ngẫu nhiên 20% với tần suất tương tự.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị tất cả mẫu test nhanh dương tính đều phải lấy mẫu để xét nghiệm rRT-PCR khẳng định. Nếu phát hiện chùm ca bệnh, các đơn vị phải báo cáo nhanh về Sở.
Tuy nhiên, ngành y tế TP.HCM chưa đưa ra quy định rõ ràng cho người khỏi Covid-19 và người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Trước đó, ngày 9/6, khi dịch mới bùng phát, Sở Y tế TP.HCM đề nghị xét nghiệm tất cả người có triệu chứng sốt, đau họng, ho, thay đổi vị giác, khứu giác dù không có yếu tố dịch tễ.
Giữa tháng 8, khi số ca mắc tăng cao, cơ quan này yêu cầu tất cả nhân viên cấp cứu luôn mang đầy đủ các phương tiện phòng hộ trong suốt ca trực, sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu cho dù là người mắc Covid-19 hay không.
Trao đổi với chúng tôi trước đó, các chuyên gia cho rằng dù đỉnh điểm căng thẳng ở TP.HCM đã qua, nguy cơ bùng phát dịch vẫn rất cao. Đặc biệt, sau 1/10, làn sóng người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tăng cao. Do đó, các bệnh viện cần lưu ý khâu sàng lọc, xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm ổ dịch (nếu có).
Ngọc Anh