+
Aa
-
like
comment

“Nhục quốc thể” – sự a dua của một bộ phận người Việt

11/11/2019 17:35

Chẳng cần phân tích cũng thấy sính ngoại, a dua, tụ nhục quốc thể của một bộ phận người Việt đang dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực. Có thể do họ thiếu lòng tự tôn dân tộc hoặc thiếu kiến thức đã biến việc chuộng Tây thành “phong trào tự nhục”. Thực trạng này thật đáng buồn, thật đáng lên án. 

Cần thay đổi ngay thói “sính ngoại” và cái tính tự nhục 

Một anh Blogger tên là Nas đến Việt Nam, anh ta có post một cái video review về đất nước chúng ta, trong đó đa số đều là những lời ngợi khen. Ấy vậy mà đọc một số bình luận, thấy không ít những con trời lao vào phát ngôn, kiểu: Video không trung thực. Việt Nam tham nhũng tràn lan. Môi trường ô nhiễm, thực phẩm bẩn, ung thư cao … đủ các thứ các kiểu.

“Người Tây bây giờ nó có giá lắm con ạ! Cứ ngửi thấy mùi Tây là chúng nó lao vào như một lũ thiêu thân!”

Đó là câu nói về thực trạng “chuộng Tây” của người Việt xưa được miêu tả lại trong bộ phim hài Tết có tựa đề Lên Voi, do nghệ sĩ hài Xuân Hinh thủ vai. Mặc dù là hài kịch nhưng về một khía cạnh nào đó nó đã phản ánh thực tế một phần tính cách sính ngoại, chuộng tây của một bộ phận người Việt mà không phải bây giờ mới có. Ngược lại, nó đã xuất hiện từ rất lâu đời!?

Những bài viết có tính "tự nhục quốc thể" của một bộ phận người Việt
Những bài viết có tính “tự nhục quốc thể” của một bộ phận người Việt

Bạn chắc hẳn từng gặp trường hợp nhiều người Việt có cả tầng lớp khá giả, trung lưu, đến cả người gia cảnh bình thường tự nghĩ mình tiến bộ hơn người khác, cứ mở miệng ra là khen lấy khen để văn minh phương Tây. Không chỉ trong lĩnh vực học vấn, đạo đức mà từ chính trị, kinh tế đến cả cách ăn uống, vui chơi hàng ngày không có cái gì là người ta không bắt chước sao cho thật giống phương Tây đến mức rập khuôn cả những khuyết điểm của nó.

Ngay cả những kẻ mù mờ về sự tình các nước phương Tây cũng ra sức vứt bỏ những giá trị truyền thống, chạy theo cái mới… Đây là hiện tượng thường xuất hiện khi một quốc gia trở thành thuộc địa, sau này thêm cả những quốc gia mở cửa, bước vào hội nhập chứ không riêng gì tại Việt Nam.

Phan Bội Châu trong Chương thứ năm trong Việt Nam quốc sử khảo mang tên Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí của nước ta có đề cập như sau:

“… giờ đây tôi xin kể những điều tai nghe mắt thấy để quốc dân cùng biết… Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bễ những sự nghiệp đáng làm… Dân được cường thịnh là nhờ có sự nghiệp công ích. Nay những việc đó, người nước ta đều không thể làm được. Hỏi vì sao không làm được, thì nói là vì không có tiền của. Sở dĩ không có tiền của là vì đã tiêu phí vào những việc vô ích xa hoa rồi…”

Trong luận văn Pháp Việt Liên hiệp hậu chi tân Việt Nam Phan Châu Trinh cũng có viết:

“… Dân tộc nước Nam, trên lịch sử, có hai đặc tính cực đoan phản đối nhau: một là đặc tính bài ngoại và ỷ ngoại; hai là đặc tính tự tôn và tự ti. Hai đặc tính đó sẵn ở quốc dân, trong não mọi người. Mỗi cái nhân thời thế, địa vị của nó mà phát hiện, rồi trong khi phát hiện lại đều đi tới cực đoan, lại khi đã tới cực đoan, mỗi cái đều giữ lý do, chuyên cậy vào tập quán, lợi hại đều bị che lấp không thấy…

Như vậy, có thể thấy thói “sính ngoại, chuộng tây” đã manh mún từ khi phương Tây mở rộng giao thương tới lãnh thổ Việt Nam. Theo dòng lịch sử, dưới gót giày “thực dân” một bộ phận người Việt hoặc thiếu lòng tự tôn dân tộc, hoặc thiếu kiến thức đã biến nó thành một thứ cao hơn. Đó là “phong trào tự nhục”. Đáng tiếc, thói xấu ấy vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.

Đổi lại việc “xấu hổ thay” thì mỗi công dân nên làm tròn bổn phận của mình

Còn nhớ, năm 2015, trong vụ việc một người Việt ăn cắp ở nước ngoài, du khách mất cắp đồ khi đến Việt Nam và phong trào “nhục quốc thể” kể từ đó xuất hiện ở nhiều người khi tham gia trao đổi trên cộng đồng mạng xã hội.

Rất bức xúc vì điều này, một tiến sĩ xã hội học từng có thời gian sống và làm việc tại nước ngoài phải thốt lên rằng, người Việt Nam có “nét đẹp” mà khó tìm thấy ở các nước phát triển, đó là thói… tọc mạch, săm soi và buôn chuyện. Bất cứ cá nhân bình thường hay người nổi tiếng chẳng may có lời nói hay hành vi không đẹp là ngay lập tức thành câu chuyện đàm tiếu bên quán trà đá, trong văn phòng thậm chí có khi ở cả… buồng ngủ.

Sự “ném đá tập thể” càng trở nên ồn ào hơn khi được trợ giúp bởi mạng xã hội. Bất cứ sự cố nào xảy ra là cả cộng đồng mạng dậy sóng. Bất chấp bản chất của mạng xã hội là ảo, thông tin chưa chắc là xác thực nhưng người ta vẫn hỉ hả bàn tán, hỉ hả dè bỉu, hỉ hả với những nỗi đau mà chính bản thân người mắc lỗi (có thể không) đã đang đau khổ đến tận cùng.

Đồng chủng, đồng văn như Việt Nam, Nhật Bản cũng đã từng như vậy. Từ thế kỷ 19, nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản từng viết về tình trạng này của người Nhật tại thời điểm đất nước này đang thực hiện công cuộc Duy tân do chính phủ Minh Trị tiến hành. Yukichi viết:

“Văn minh phương Tây đúng là hơn hẳn chúng ta, nhưng không có nghĩa là cái gì của họ cũng hoàn hảo. Văn minh phương Tây cũng đầy rẫy những khuyết điểm. Phong tục phương Tây không phải thứ gì cũng hay ho. Ngược lại phong tục Nhật không phải cái gì cũng kém cỏi, cũng cổ hủ.”

Ôi thật là đáng quan ngại khi tình trạng nhục này cứ diễn ra. Khi bao nhiêu thứ đáng để tự hào thì họ đâu có biết? Nói cho chính xác thì đây là tinh thần tự ti dân tộc, và cái tinh thần tự ti ấy còn tồn tại sẽ kéo thụt lùi bước tiến của dân tộc ta.

Câu chuyện này nói cho dễ hiểu, một người xuất thân nhà nghèo, nếu anh ta tự tu vì bản thân nhà anh ta thì mãi mãi anh ta chẳng bao giờ khấm khá lên được. Nhưng cũng là một người xuất thân như thế, nhưng anh ta tự hào vì cha mẹ mặc dầu nghèo khó vẫn cố gắng cho anh ta ăn học bằng bạn bằng bè thì phải học sao cho giỏi để sau này có công ăn việc làm tử tế làm giàu phụng dưỡng bố mẹ, tuyệt nhiên anh ta chẳng coi việc nhà anh ta nghèo là xấu hổ.

Việt Nam ta xét về nhiều khía cạnh là nghèo, nhưng ở nhiều khía cạnh khác thì lại giàu vô cùng. Chúng ta cần nhìn thấy những mặt tiêu cực để khắc phục tuy nhiên tiêu cực đó phải chính đáng chứ không phải hễ xảy ra một tí là nhục.

Đồng thời, phải biết tự hào về nguồn gốc, về lịch sử hào hùng của dân tộc làm động lực phát triển. Không rõ giờ đây giới trẻ mấy bạn đã nhận ra? Khi các bạn đang bị cuốn sâu vào những thú vui tôi cho rằng hơi vô bổ, dù rằng tuổi trẻ vui chơi không ai cấm nhưng vui chơi mà quên đi cội nguồn rồi sính ngoại quả là đáng lo.

Ý thức về tinh thần dân tộc là một hành động đáng trân trọng song không phải chỉ là việc a dua, tích cực ném đá vào một thông tin nào đó mới được tung hê. Nếu có ý thức gìn giữ quốc thể thì việc đầu tiên mỗi công dân cần làm là thay vì chê bai, dè bỉu, rên xiết “nhục, nhục, nhục” thì hãy làm tròn bổn phận công dân của mỗi người nhằm góp phần phát triển đất nước.

Thay vì “xấu hổ thay” mỗi công dân nên làm tròn bổn phận của mình: giáo viên thì dạy cho tốt, bác sĩ tập trung cứu chữa người bệnh hạn chế thấp nhất rủi ro, công chức đừng ăn cắp giờ… Nếu cá nhân nào làm sai, thì bản thân họ chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý, thậm chí trước pháp luật chứ không nhất thiết phải cả xã hội “lên đồng” như thế. Đấy mới là tinh thần yêu nước và không làm “nhục quốc thể”

Đinh Lực

Bài mới
Đọc nhiều