+
Aa
-
like
comment

Nhức nhối với “tín dụng đen”

28/01/2024 09:53

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023, lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng ở mức 0,2%-0,5%/năm. Lãi suất huy động mới bình quân của toàn hệ thống là 3,5%/năm. Lãi suất bình quân cho vay mới là 6,7%/năm.

Ở một chiều thông tin khác, từ ngày 11 đến 16/1, Công an Đà Nẵng đã phối hợp Cục Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM, Bình Dương, đồng loạt khám xét tại 9 địa điểm. Qua công tác nghiệp vụ, Công an Đà Nẵng đã phát hiện một số người dân vay tiền trực tuyến qua các app với lãi suất trên 500%/năm. Từ tháng 1-2021 đến ngày 10-1-2024, Wang Yuntao cùng đồng bọn đã tổ chức hơn 2 triệu lượt vay qua app cho hơn 1,3 triệu người với số tiền gần 9.000 tỉ đồng, thu lợi bất chính trên 2.500 tỉ đồng.

Vì sao lại có chuyện kỳ lạ như vậy?

Tuy “đen”, nhưng “dễ”

“Tín dụng đen” là một biến tướng tài chính nổi lên trong xã hội, mô tả các hoạt động cho vay giữa các cá nhân hoặc tổ chức mà không qua các hệ thống tín dụng chính thức. Đặc trưng cơ bản nhất của tín dụng đen là việc cho vay với mức lãi suất cực kỳ cao và thường bị cấm bởi pháp luật. Điều này đã tạo ra một thị trường ngầm, không rõ ràng, với hậu quả tiềm ẩn ảnh hưởng đến cả xã hội.

Tín dụng đen có sự tham gia của ba bên chính:

Bên cung ứng vốn: Đây thường là những người có tiền nhàn rỗi, có ham muốn cho vay với lãi suất cao. Thường là những người không hiểu biết hoặc vì động cơ lợi nhuận mà bỏ qua các qui định, cảnh báo của pháp luật.

Bên cung cấp tín dụng đen: Những cá nhân này thường là những người sẵn sàng làm trái các quy định pháp luật vì mục tiêu siêu lợi nhuận.

Bên đi vay tín dụng đen: Có nhiều đối tượng, từ doanh nghiệp và hộ gia đình đến những tổ chức và cá nhân hoạt động phi pháp. Những người này thường chấp nhận vay vốn với lãi suất cao trong thời gian ngắn để giải quyết những vấn đề ngay tại thời điểm đó.

Đường dây cho vay nặng lãi quy mô 9.000 tỉ đồng đã bị công an triệt phá.

“Tín dụng đen” tồn tại dưới nhiều hình thức, nhưng có những đặc điểm cơ bản nhất như mức lãi suất cực kỳ cao, thời gian vay và huy động ngắn, cũng như sự tiện lợi trong quy trình vay mượn. Lãi suất thường cao và thường được thỏa thuận bằng miệng, với thời gian vay ngắn và quy trình giao dịch linh hoạt và thuận lợi.

Tín dụng đen phát sinh từ nhu cầu về vốn của cá nhân và tổ chức, khi họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các kênh tín dụng chính thống. Các nguyên nhân chính bao gồm:

Khó khăn vay từ ngân hàng: Nhóm khách hàng chính đáng, doanh nghiệp hoạt động chính đáng, thường gặp khó khăn trong thủ tục và yêu cầu của ngân hàng. Họ tìm đến tín dụng đen với mong muốn giải quyết nhanh chóng và tiện lợi.

Người có hành vi phi pháp: Các tổ chức và cá nhân tham gia vào các hoạt động phi pháp, như buôn lậu, hàng giả thường không thể tiếp cận được các kênh tín dụng truyền thống, nên họ tìm đến tín dụng đen.

Hình thức chơi hụi biến tướng: Tín dụng đen có nguồn gốc từ các hình thức chơi hụi truyền thống ở nông thôn, một số đã biến tướng thành cho vay nặng lãi và lừa đảo. Sự lơi lỏng trong quá trình giao dịch và lòng tin vào mối quan hệ thân thiết giữa người cho vay và người vay tạo ra môi trường dễ phát triển cho tín dụng đen.

Tín dụng đen ngày càng sinh sôi không chỉ xuất phát từ nhu cầu của người đi vay, mà còn từ chính những khó khăn khi người có nhu cầu cần tiếp cận nguồn vốn từ phía ngân hàng. Việc để tín dụng đen phát triển không chỉ là suy yếu hệ thống tài chính quốc gia mà còn kéo theo nhiều hiểm họa, phát sinh tội phạm xã hội.

Biến tướng đến toàn xã hội

Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2023, gần 30% số đối tượng phạm tội do thất nghiệp, thiếu việc làm. Nhiều đối tượng cướp ngân hàng, thủ đoạn gây án manh động xuất phát từ việc thiếu nợ, thiếu tiền do không có việc làm.

Ngày 25/1, TAND quận 8 (TP HCM) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo trong vụ cướp ngân hàng Sacombank xảy ra trên địa bàn hồi tháng 3-2023. Tại toà, Thiện (đối tượng cầm đầu) khai ý định cướp ngân hàng nảy sinh do đã “đi vào đường cùng”. Bị cáo này kể từng mở một tiệm kinh doanh bida và xăm hình nhưng do dịch COVID-19 khiến việc làm ăn thất bại và mắc nợ một khoản tiền lớn. Do đó, bị cáo muốn kiếm tiền trả nợ để quay lại cuộc sống bình thường.

Trước đó, trong năm 2023 cũng đã xảy ra nhiều vụ cướp ngân hàng. Điển hình như vụ 3 đối tượng Nguyễn Ngọc Mỹ (30 tuổi, Bình Dương), Lâm Phúc Lợi (23 tuổi, Vĩnh Long), Nguyễn Thị Bích Tuyền (22 tuổi, Bến Tre) dùng súng uy hiếp, nhân viên, bảo vệ Phòng giao dịch Nhị Xuân, chi nhánh Sacombank Hóc Môn, TP HCM để cướp tài sản vào sáng 26/10/2023.

Vụ Nguyễn Tuấn Anh (28 tuổi, trú tại Nghệ An – Phó Giám đốc Chi nhánh Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu và làng nghề Phổ Hải, do làm ăn thua lỗ đã dùng dao khống chế nữ nhân viên phòng giao dịch Ngân hàng Agribank chi nhánh Cửa Lò vào chiều 14/11/2023; Nguyễn Mạnh Cường (SN 1998 trú tại Quế Sơn, Quảng Nam, chủ mưu) và Trần Văn Trí (SN 2001, trú tại Hòa Vang, Đà Nẵng) sử dụng dao và súng đe dọa nhân viên thực hiện vụ cướp tại Ngân hàng BIDV, Phòng giao dịch Ngũ Hành Sơn tại 169 Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) chiều 22/11/2023 và đâm tử vong một nhân viên bảo vệ.

Chiều 15/11, Tuấn Anh bị bắt tại nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu và làng nghề P.H. đóng tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Thời điểm bị bắt giữ, Tuấn Anh đang giữ chức phó giám đốc công ty này. Bước đầu, tại cơ quan điều tra Tuấn Anh khai gần đây tham gia một số trò chơi trên mạng và đầu tư vào sàn giao dịch điện tử nhưng thua lỗ, phải vay nặng lãi để gỡ gạc và mất khả năng thanh toán. Trong khi đó, chủ nợ liên tục thúc ép, dọa sẽ gọi điện cho người thân, lãnh đạo công ty. Tuấn Anh mua dao, mượn xe máy tới Ngân hàng Agribank chi nhánh Cửa Lò thực hiện vụ cướp ngân hàng.

Theo Bộ Công an, phần lớn các đối tượng gây ra các vụ cướp ngân hàng thường nợ nần, quẫn bách về tài chính, thiếu tiền tiêu xài cá nhân, ham mê cờ bạc muốn có một khoản tiền lớn nhưng thất nghiệp hoặc việc làm không ổn định, làm ăn thua lỗ nên nảy sinh ý định phạm tội.

Từ đó có thể thấy, hậu quả của việc tín dụng đen phát triển để lại là rất nguy hại. Hơn hết, gây hại chính cho các tổ chức tài chính khi là mục tiêu của các đối tượng phạm tội (cũng chính là tác nhân “không chính thức” dẫn đến việc sinh sôi ra tín dụng đen).

Nhiều quan điểm cho rằng, để loại trừ tín dụng đen khỏi đời sống xã hội, hệ thống tín dụng chính thống phải hoạt động mạnh mẽ. Khi hệ thống này hoạt động ổn định, người dân có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng thông qua các tổ chức tín dụng, từ đó làm giảm sức hút của tín dụng đen. Tương tự như việc khi hệ thống ngân hàng có “cơ thể” khỏe mạnh, tín dụng đen sẽ tự bị đẩy lùi.

Tuy nhiên, loại trừ tín dụng đen không phải là công việc dễ dàng. Có quan điểm cho rằng, để làm được, xã hội cần loại trừ triệt để các hoạt động kinh doanh trái pháp luật như buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, rửa tiền… Chỉ khi giải quyết được các vấn đề này, tín dụng đen mới thực sự bị suy giảm.

Thành An

Bài mới
Đọc nhiều