Như thế nào là vi phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế?
Theo tiến sĩ Trần Công Trục – nguyên trưởng Ban Biên giới của Chính phủ – các quốc gia khác có biển và không có biển có 3 quyền khi đi vào vùng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển…
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Công Trục – nguyên trưởng Ban Biên giới của Chính phủ, một trong những người đầu tiên tham gia biên dịch các tài liệu và nội dung Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 ra tiếng Việt – cho biết điều 76 của UNCLOS 1982 đã định nghĩa:
Thềm lục địa của quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ở khoảng cách gần hơn.
Ở nơi nào rìa lục địa vượt quá 200 hải lý thì ranh giới ngoài của thềm lục địa được xác định bằng cách nối các điểm ở nơi mà bề dày trầm tích ít nhất cũng bằng 1% khoảng cách từ các điểm đó đến chân dốc lục địa, hoặc nối các điểm cách chân dốc lục địa nhiều nhất là 60 hải lý.
Tuy nhiên, dù được xác định như trên, giới hạn tối đa của thềm lục địa cũng không được vượt quá 350 hải lý, nhưng phải được Tiểu ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc xem xét chấp nhận.
Theo UNCLOS 1982, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) là một vùng biển đặc thù, trong đó quốc gia ven biển có những thẩm quyền riêng biệt nhằm mục đích kinh tế, tuân theo những quy định của UNCLOS 1982. Điều 57, UNCLOS 1982 quy định chiều rộng vùng đặc quyền kinh tế “không được mở rộng ra quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”.
Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về việc thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của công ước về việc: lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền và các nghĩa vụ khác do công ước quy định.
Theo TS Trục, các quốc gia khác có biển và không có biển có 3 quyền khi đi vào vùng 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển, bao gồm: quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền tự do đặt dây cáp, ống dẫn dầu ở đáy biển của vùng thềm lục địa.
Tuy nhiên, nếu các quốc gia thực hiện những quyền này mà ảnh hưởng đến các hoạt động thăm dò khai thác, kinh tế hoặc nghiên cứu khoa học của quốc gia ven biển thì phải được sự cho phép của quốc gia ven biển. Nếu không được phép là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia ven biển.
(Theo Tuổi Trẻ)