+
Aa
-
like
comment

Nhơn Trạch và Long Thành sáp nhập vào TP.HCM giải quyết nhiều thách thức về phát triển hạ tầng giao thông

Bích Ngân - 02/04/2025 16:33

Huyện Nhơn Trạch và một phần Long Thành sáp nhập vào TP.HCM mới sẽ giúp giải quyết nhiều thách thức về phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ và liên kết có hiệu quả các không gian phát triển kinh tế.

Theo TS Dư Phước Tân – nguyên trưởng Phòng nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, hiện là chuyên gia nghiên của Viện – chia sẻ: “Dựa trên cơ sở lý luận, các tiêu chí diện tích tự nhiên, dân số, lịch sử văn hóa, chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng…, việc dự kiến sáp nhập TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương rất hợp lý.

Dù vậy, phương án sáp nhập này hiện đang gặp hạn chế khi có sự ngăn cách trên thực tiễn giữa TP.HCM với Bà Rịa – Vũng Tàu bởi vùng đất Nhơn Trạch (Đồng Nai)”

Không còn đi “đi băng” nhà hàng xóm
* Nếu sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP.HCM theo phương án “tỉnh nhập tỉnh” sẽ có những ngăn cách, cụ thể ra sao thưa ông?

– Hiện các phương án sáp nhập nguyên trạng tỉnh với tỉnh đã bám rất sát các cơ sở lý luận, căn cứ khoa học về quy mô dân số, diện tích, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội…

Đồng thời tạo cơ hội mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới…

Dù vậy, khi xem trên bản đồ phương án dự kiến sáp nhập TP.HCM với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thấy rất rõ giữa TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu có ngăn cách khá lớn bởi vùng đệm ở giữa là huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Đồng thời, giữa TP.HCM với Vũng Tàu không có đường giao thông kết nối trực tiếp, hai địa phương này chỉ giáp nhau một đoạn rất ngắn ở khúc Cần Giờ (TP.HCM) và Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Khi hai địa phương sáp nhập, người dân muốn đi từ khu vực TP.HCM hiện hữu về khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ phải mượn đường Đồng Nai qua Nhơn Trạch (đi bằng phà) hoặc Long Thành (đi bằng cao tốc và quốc lộ 51).

Nếu không tháo gỡ được điểm nghẽn này, việc thông thương giữa TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ bị hạn chế.

* Giả sử Nhơn Trạch không sáp nhập vào TP.HCM mới, theo ông phương án giao thông sẽ như thế nào?

– Kết nối duy nhất là phát triển các loại hình đường giao thông dọc theo khu vực phía Nam quận 7, xuống Nhà Bè, Cần Giờ, bắc cầu qua Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, phát triển hệ thống giao thông qua Cần Giờ hiện khó khăn, nhất là có thể tác động lớn đến khu rừng dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, không dễ dàng để làm.

Vì vậy, nếu Nhơn Trạch được sáp nhập sẽ trở thành “vùng đệm” quan trọng, tạo điều kiện nối kết hạ tầng tốt hơn giữa các khu vực thuộc TP.HCM hiện hữu và tỉnh Bình Dương, với các khu vực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Nhơn Trạch và Long Thành cũng là địa bàn có tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, vành đai 3 TP.HCM với các cầu nối hai bờ sông Đồng Nai đi qua. Nếu sáp nhập Nhơn Trạch, Long Thành (hoặc một phần Long Thành) vào TP.HCM sẽ tạo điều kiện để nâng cấp, phát triển các tuyến giao thông kết nối huyết mạch giữa các không gian phát triển trong đơn vị hành chính mới.

Vẫn đảm bảo để Đồng Nai giữ nguồn lực quan trọng
* Cũng có những băn khoăn khi Nhơn Trạch hiện có 11 khu công nghiệp, nếu sáp nhập về TP.HCM, Đồng Nai sẽ mất đi lợi thế đó?

– Góc nhìn này đúng khi sáp nhập phải đứng trên góc độ không phải của tỉnh này hay tỉnh khác mà phải vì hiệu quả phát triển. Muốn vậy phải tìm phương án tối ưu nhất, nếu không sẽ tạo ra những đứt khúc, ngăn cách về không gian gây hạn chế cho thông thương, đi lại.

Nếu bổ sung huyện Nhơn Trạch vào TP.HCM mới sẽ giúp liên kết các cụm công nghiệp lớn hiện hữu bao gồm Hiệp Phước, Nhơn Trạch và hệ thống cảng biển logistic Hiệp Phước, Cái Mép – Thị Vải và cảng trung chuyển Cần Giờ trong tương lai thành một cụm liên kết sản xuất định hướng xuất khẩu vô cùng mạnh mẽ.

Đối với huyện Long Thành, như đã nói đang ôm trọn các tuyến giao thông huyết mạch từ TP.HCM đi Bà Rịa – Vũng Tàu.

Do đó, nếu điều chỉnh địa giới thì có thể chọn quốc lộ 51 làm ranh giới hoặc điều chỉnh một số xã bọc tuyến quốc lộ 51 và cao tốc TP.HCM – Long Thành về TP.HCM. Như vậy vẫn đảm bảo giữ được các nguồn lực quan trọng, trong đó có sân bay Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai.

Mặt khác, vùng đất Nhơn Trạch nếu để tự nhiên như vậy sẽ khó phát triển đột phá bởi thiếu hệ thống giao thông kết nối. Hiện nay, trong quy hoạch TP.HCM dự kiến sẽ có một cây cầu nối khu vực phía quận 7 (TP.HCM) và xã Phú Hữu (Nhơn Trạch), tạm gọi là cầu Phú Mỹ 2 và một cây cầu thay thế phà Cát Lái (cầu Cát Lái) nối khu vực TP Thủ Đức hiện tại và huyện Nhơn Trạch.

Do vậy, khi sáp nhập Nhơn Trạch vào TP.HCM, hệ thống đường giao thông và cầu được đầu tư sẽ giúp sớm triển khai quy hoạch, tạo điều kiện kết nối nhanh giữa Nhơn Trạch và TP.HCM, từ đó khai thác hiệu quả quỹ đất rộng lớn, nhiều tiềm năng phía Đông TP.HCM hiện tại.

Bích Ngân 

Bài mới
Đọc nhiều