+
Aa
-
like
comment

Nhóm thân tín Trump ‘khuấy bão’ Nhà Trắng

22/12/2020 20:44

Sau các vụ kiện thất bại, bên cạnh Trump chỉ còn vài cố vấn không chính thức như Flynn hay Powell, những người ủng hộ ông đấu tranh bằng mọi biện pháp. 

Theo các nguồn tin Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18/12 triệu tập một cuộc họp tại Phòng Bầu dục, với sự tham gia của luật sư Sidney Powell và cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, người từng hai lần nhận tội khai man với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về mối liên hệ với một quan chức Nga, trước khi được Trump ân xá tháng trước.

Trong cuộc họp, Powell và Flynn được cho là đã tranh cãi nảy lửa với đội ngũ quan chức Nhà Trắng, bao gồm Chánh văn phòng Mark Meadows và cố vấn Pat Cipollone. Bà Powell, người đưa ra những giả thuyết vô căn cứ về bầu cử Mỹ và bị loại khỏi nhóm pháp lý của Trump 3 tuần trước, sau đó tiếp tục xuất hiện tại Nhà Trắng vào ngày 20 và 21/12, dù chưa rõ bà tới để gặp ai.

Dù ngày nhậm chức của Joe Biden đang đến gần, Trump dường như không có dấu hiệu từ bỏ nỗ lực “lật ngược thế cờ”. Trong quá trình này, ông chủ Nhà Trắng hầu như bỏ qua các cố vấn, trợ lý trong chính phủ, mà chú trọng vào một nhóm “cốt lõi hơn”, gồm những người không nắm giữ các vị trí chính thức như Powell, Flynn, cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon hay luật sư riêng Rudy Giuliani.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon tại Nhà Trắng hồi tháng 1/2017. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và cựu chiến lược gia trưởng Steve Bannon tại Nhà Trắng hồi tháng 1/2017. 

Tình huống này làm dấy lên lo ngại ngày càng tăng về những động thái khó lường của Trump trong 4 tuần cuối cùng tại Nhà Trắng dưới tác động của những thân tín “ngoài luồng”, thậm chí là viễn cảnh ông có thể từ chối rời đi vào ngày Biden nhậm chức. “Không ai dám chắc mọi thứ sẽ đi đến đâu. Ông ấy vẫn là Tổng thống trong một tháng nữa”, một quan chức giấu tên cho biết hôm 21/12.

Theo các nguồn tin, đội ngũ cố vấn Nhà Trắng đặc biệt lo ngại về những điều luật sư Powell có thể thuyết phục Trump làm trong vài ngày tới. Tại cuộc họp căng thẳng hôm 18/12, Tổng thống được cho là đã đề xuất để Powell về cơ bản đóng vai trò như một công tố viên đặc biệt trong Văn phòng Luật sư Nhà Trắng. “Bất cứ điều gì liên quan đến Sidney Powell đều gây lo ngại mức độ cao. Các luật sư vô cùng lo lắng”, một nguồn tin nói.

Powell đang hối thúc Trump ký một sắc lệnh hành pháp cho phép chính phủ liên bang thu giữ máy bỏ phiếu ở các bang chiến trường, nhằm kiểm tra xem chúng có liên quan đến hành vi gian lận hay không. Tuy nhiên, các quan chức, bao gồm quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Chad Wolf, cảnh báo yêu cầu này không nằm trong thẩm quyền của họ.

Trong khi đó, Flynn, người từng là thân chủ của Powell, gợi ý phương án triển khai quân đội kiểm soát máy bỏ phiếu và tổ chức bầu cử lại ở các bang chiến trường trong cuộc phỏng vấn hôm 18/12, nói thêm rằng “tình trạng thiết quân luật từng được kích hoạt 64 lần”.

Ý tưởng thiết quân luật này dường như đã được Flynn nêu lại trong cuộc họp hôm 18/12, nhưng không rõ Trump có hưởng ứng hay không. Đề xuất của Flynn, một cựu tướng quân đội, đã vấp phải phản ứng quyết liệt trong dư luận và giới chức quân đội Mỹ.

Cuộc họp này còn có sự tham gia của Patrick Byrne, người sáng lập “gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến Overstock của Mỹ. Sau cuộc họp, Byrne bày tỏ thất vọng với đội ngũ trợ lý Nhà Trắng của Trump trong bài đăng trên Twitter. “Họ muốn Tổng thống thua cuộc và đang dối trá. Xung quanh ông ấy toàn là những kẻ tầm thường lươn lẹo. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy tiếc cho Donald Trump. Hãy chỉ tin Rudy và Sidney thôi”, Byrne viết.

Byrne, người từ chức giám đốc điều hành Overstock năm ngoái sau khi phát ngôn về “nhà nước ngầm” của ông khiến giá cổ phiếu công ty giảm sâu, gần đây nổi lên với việc ủng hộ mạnh mẽ các cáo buộc gian lận bầu cử của Trump và Powell. Tháng trước, Byrne cho biết ông “đã tài trợ cho một nhóm tin tặc” để tìm hiểu những giả thuyết này.

Về phía Trump, ông được cho là hầu như không còn mặn mà với công việc điều hành chính phủ hàng ngày. Tại một cuộc họp nội các tuần trước, Tổng thống dành phần lớn thời gian để phàn nàn về những cáo buộc gian lận bầu cử, khiến một số người hoang mang về mục đích cuộc họp, một nguồn tin cho hay.

Kỳ nghỉ hàng năm của Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida, nơi ông dự kiến gặp gỡ những người trung thành luôn cổ vũ ông đấu tranh, có khả năng sẽ thúc đẩy Tổng thống bám chặt hơn vào các giả thuyết gian lận, quan chức giấu tên này nói thêm.

“Thật đáng sợ”, một quan chức giấu tên khác nêu ý kiến, thêm rằng Trump “dường như bị ám ảnh” với những viễn cảnh xa vời trong việc lật ngược kết quả bầu cử, mục tiêu được cho là không thể đạt được, cả trên góc độ chính trị và tính khả thi.

Những ý tưởng đó bao gồm nỗ lực thách thức chiến thắng của Biden trong phiên kiểm phiếu đại cử tri tại quốc hội vào 6/1, do Hạ nghị sĩ bang Alabama Mo Brooks dẫn đầu. Trump đã có cuộc họp dài với Brooks và một số hạ nghị sĩ bảo thủ khác tại Nhà Trắng hôm 21/12.

Steve Bannon, giám đốc chiến dịch tranh cử năm 2016 của Trump và sau đó được bổ nhiệm làm chiến lược gia trưởng trong chính phủ mới, còn khuyên Tổng thống chỉ định một công tố viên đặc biệt để vừa tìm hiểu những vấn đề liên quan đến con trai Hunter Biden của Tổng thống đắc cử, vừa điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử.

Bannon, người đang tại ngoại sau khi bị cáo buộc lừa đảo các nhà tài trợ trong chiến dịch gây quỹ xây bức tường biên giới Mỹ – Mexico, cho biết ông không tin Trump sẽ dự lễ nhậm chức của Biden và “không nên làm như vậy”, nói thêm rằng Tổng thống “sẽ không bao giờ nhượng bộ”, khi “một nỗ lực bất hợp pháp đang diễn ra”.

Bất đồng giữa đội ngũ quan chức chính phủ và những thân tín “ngoài luồng” của Trump thể hiện rõ hôm 21/12, tại cuộc họp báo của Bộ trưởng Tư pháp William Barr, người sẽ rời nhiệm sở vào ngày 23/12. Barr phản đối thẳng thừng lời kêu gọi chỉ định công tố viên đặc biệt của Bannon, hay yêu cầu thu giữ các máy bỏ phiếu của Powell, bởi “không có căn cứ nào” để Bộ Tư pháp thực hiện hành động đó.

“Đáng tiếc là hầu hết các cuộc bầu cử đều có gian lận. Tôi nghĩ chúng ta quá nhân nhượng trong vấn đề này”, Barr phát biểu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp cho biết quá trình xem xét cho thấy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay không xuất hiện tình trạng gian lận có hệ thống hoặc trên diện rộng, điều mà Tổng thống một mực không thừa nhận.

(Theo CNN)

Bài mới
Đọc nhiều